Từ “đạo” giai điệu đến sao chép ý tưởng MV
Nhạc Việt hiện tại có thể nói là muôn màu muôn vẻ khi xuất hiện nhiều người trẻ sáng tác hơn, nhất là 2 năm qua nổi bật các gương mặt từ giới underground (dòng chảy ngầm) với những sáng tác mới mẻ, đa dạng thể loại, thu hút lượt xem - nghe kỷ lục trên mạng. Thế nhưng, công chúng chưa kịp mừng thì có không ít sáng tác bị “tố” vay mượn giai điệu, còn MV thì “sao y” chỗ này, “chép lại” chỗ kia về ý tưởng, hình ảnh khiến nhiều người không khỏi bức xúc.
Nhiều khán giả trên các diễn đàn về showbiz cho biết khi sử dụng một ứng dụng tự động nhận diện ca khúc để áp dụng cho bài hát Chân ái, sáng tác mới ra mắt vào giữa tháng 2.2020 của Châu Đăng Khoa, do nữ ca sĩ Orange thể hiện, họ nhận ra ca khúc này có phần dạo đầu giống với ca khúc Lier của Elem3ntz, đăng tải ở một trang nhạc có tiếng trên mạng vào tháng 6.2019. Nhiều ý kiến cho rằng Châu Đăng Khoa đã đạo nhái, bởi nếu mua phần beat (đoạn nhạc nền) thì ở phần credit (chữ chạy cuối) MV Chân ái phải có chú thích. Thực tế, cuối MV không hề xuất hiện thông tin Châu Đăng Khoa có sử dụng phần beat của Lier. Mãi đến gần đây, nhà sản xuất âm nhạc (producer) Addy Trần mới cho hay Châu Đăng Khoa đã bỏ 600 USD mua beat và ê kíp sản xuất phải dặm nhiều thứ như sáo, đàn tranh thật... vào đoạn nhạc để hoàn thành bản cuối cùng.
Trước đó, ca khúc Tình nhân ơi ra mắt cuối năm 2018 của Châu Đăng Khoa cũng bị phát hiện có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt ở phần điệp khúc với ca khúc Nước mắt của nhóm nhạc V4Men (Hàn Quốc).
Không chỉ thế, MV Chân ái do Denis Đặng làm giám đốc sáng tạo, Đinh Hà Uyên Thư đạo diễn cũng bị cư dân mạng “tố” sao chép hình ảnh, nội dung bộ phim kinh dị Hồng Kông Lời nguyền rằm tháng 7. Trước đó không lâu, Denis Đặng bị cộng đồng mạng bốc phốt việc “chôm” hình ảnh, ý tưởng từ nhiều trang mạng xã hội nước ngoài về làm poster quảng bá cho MV Canh ba của ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân (nhái y chang poster phim Tam quốc cơ mật của Trung Quốc).
|
Mới đây, MV Sao anh chưa về nhà của nữ ca sĩ Amee bị nhiều khán giả cho rằng một số cảnh “mượn” ý tưởng từ MV Blank Space của danh ca Taylor Swift. Ca khúc Cần xa thuộc thể loại dance sôi động do nhạc sĩ Phúc Bồ sáng tác, Hiền Hồ thể hiện, cũng bị nhiều người tố có giai điệu rất giống bản hit Gashina của nữ ca sĩ Sunmi (Hàn Quốc) ra mắt cách đây 2 năm. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng bài hát này như bản “Vietsub” (lời Việt) của Gashina. Ca khúc Vì yêu cứ đâm đầu do nữ ca sĩ Min biểu diễn, Hoàng Tôn sáng tác, cũng bị cho là đạo nhạc bài Impossible của nữ ca sĩ Âu - Mỹ Shontelle. Bài hát Ai rồi cũng sẽ khác do Quang Hà hát, Phúc Trường sáng tác, ngay khi ra mắt đã bị phát hiện có đoạn mở đầu giống hệt ca khúc Day by Day của nhóm nhạc Hàn Quốc T-Ara, khiến Quang Hà phải gỡ bỏ MV ca khúc này trên YouTube...
Chiêu trò để gây chú ý hay sự thiếu tự trọng ?
Từ khi Sơn Tùng M-TP nổi tiếng như một “hiện tượng” trong làng nhạc Việt dù ca khúc nào của anh ra mắt cũng bị dính nghi vấn đạo nhạc, rồi sau đó từng bước trở thành ngôi sao hạng A của showbiz Việt, giới ca sĩ và bầu sô đã phân tích có lẽ đó là “đường hướng” phát triển sự nghiệp bằng cách gây sự chú ý khá hiệu quả. Thế nên, nhiều ca sĩ trẻ - bầu sô đã bắt chước làm theo cách đó để sao cho khi ra sản phẩm âm nhạc mới, khán giả càng bàn tán, tranh cãi càng tốt. Một loạt nhạc sĩ thời điểm đó khi ra mắt ca khúc mới bị dính nghi vấn “đạo” nhạc như Only C với Mình là gì của nhau có giai điệu không khác gì Bae Bae của Big Bang; Nguyễn Phúc Thiện với Yêu là tha-thu có đoạn điệp khúc giống với Simple Love của hai nữ ca sĩ gốc Hoa Joyce Chu - Michiyo Ho...
Việc producer Nemo, từng là cộng sự Châu Đăng Khoa, vừa qua lên tiếng về vụ lùm xùm giữa nữ ca sĩ Orange và Châu Đăng Khoa cũng đã góp phần phơi bày chiêu trò gây chú ý của các nghệ sĩ trẻ: “Khi Châu Đăng Khoa gửi cho tôi bản demo Tình nhân ơi, tôi đã nhận ra đây là giai điệu bài Nước mắt của V4Men. Tôi có hỏi Khoa về vấn đề này thì Khoa phản hồi là càng lùm xùm thì sẽ càng hot”.
Trước ồn ào bị “tố” đạo nhái, Denis Đặng đã không ngượng ngùng giãi bày: “Mọi người đừng nghĩ rằng lấy chỗ này một ít, chỗ kia một ít, nó sẽ trở thành “đạo”, vì bản thân tôi lấy chỗ này một ít, lấy chỗ kia một ít, để đắp vào với nhau thành một tổng thể hài hòa, cân đối và thu hút, đấy là một sự lao động!”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung (nổi tiếng với các ca khúc Vầng trăng khóc, Nhật ký của mẹ...) nêu quan điểm: “Các sáng tác mới của nhiều nhạc sĩ trẻ hiện giờ đa số là cố tình “vay mượn” ý tưởng hay giai điệu nào đó. Không ít nghệ sĩ trẻ đang bị cuốn theo xu hướng, trào lưu, bởi khi họ thấy bài hát hay dòng nhạc nào đó đang nổi thì sẽ sáng tác một bài hát gần giống với bản gốc, hoặc có chỉnh sửa chút ít, để nhanh chóng được nổi tiếng theo và thu được lợi nhuận cao. Trước giờ tôi không cần phải dùng bất cứ chiêu trò gì, hay “vay mượn” giai điệu hòa âm của ai đó vào sản phẩm của mình. Thà chê tôi dở, chứ tôi không chấp nhận để bị giống người khác”.
Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong: Khán giả nên tẩy chay ca khúc, MV đạo nhái
Còn đem chuyện “đạo nhái” để làm PR cho sản phẩm được chú ý hơn thì tôi nghĩ một phần cũng do khán giả vẫn cứ bấm vào xem - nghe, chia sẻ để ca khúc, MV đó tăng lượt tương tác và được bàn tán xôn xao, thì càng khiến những tác giả nghĩ đó là cách tốt nhất quảng bá cho sản phẩm nên cứ lao theo làm hoài. Vì thế, khi biết rõ hay chắc chắn ca khúc, MV đó đạo nhái, tốt nhất khán giả nên tẩy chay.
|
Bình luận (0)