Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Cơ quan chức năng xác minh đơn của nghệ sĩ tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
26/09/2021 06:00 GMT+7

Ngày 22.9, theo nguồn tin của Thanh Niên , Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tiếp nhận đơn của ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), ông Võ Nguyễn Hoài Linh (NSƯT Hoài Linh) và bà Trịnh Kim Chi (NSƯT Kim Chi) tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam ở Bình Dương).

Theo nguồn tin này, các đơn tố cáo đã được Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiếp nhận để xử lý, xác minh theo đúng thẩm quyền. Các nghệ sĩ tố cáo bà Hằng về hành vi vu khống, xúc phạm danh dự... Thời gian qua, bà Nguyễn Phương Hằng liên tục làm dậy sóng mạng xã hội, từ những livestream đề nghị một số nghệ sĩ phải sao kê từ thiện; đồng thời tố các nghệ sĩ này ăn chặn tiền từ thiện…
Trước đó ngày 21.9, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng cho biết phía Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã thụ lý và đang trong quá trình xác minh đơn tố cáo doanh nhân Nguyễn Phương Hằng của anh. Nam ca sĩ nói thêm anh đã yêu cầu công ty kiểm toán vào cuộc để kiểm toán toàn bộ các khoản tiền thu chi liên quan đến từ thiện và cung cấp kết quả kiểm toán cho cơ quan điều tra. “Hưng đã xác định sẽ đi đến cùng bằng con đường pháp luật, nên dù có phải chờ đợi cơ quan điều tra xác minh và kết luận thì Hưng vẫn sẽ chờ”, anh nói.
Đàm Vĩnh Hưng cho biết bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng các tính năng của mạng xã hội phát sóng trực tiếp và sử dụng ngôn ngữ phản cảm, tục tĩu để xuyên tạc, chửi rủa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều cá nhân, ca sĩ, diễn viên; công khai chỉ trích, cáo buộc nhiều người lừa đảo, "ăn chặn" tiền từ thiện của dân với lời lẽ cay cú, đả kích mọi người khi chưa có bất kỳ kết luận nào từ cơ quan có thẩm quyền.
Tương tự, NSƯT Hoài Linh, NSƯT Trịnh Kim Chi, ca sĩ Vy Oanh cũng đã gửi đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng đến Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM và hiện đang trong quá trình xác minh làm rõ.

Thủy Tiên - Công Vinh công khai đăng tải 18.000 trang sao kê số tiền quyên góp từ thiện miền Trung hồi cuối năm 2020 trên trang cá nhân

ẢNH: LÊ NAM

Cũng trong ngày 22.9, đại diện Thủy Tiên - Công Vinh xác nhận với Thanh Niên đã nộp đơn đến các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công an, tố cáo doanh nhân Phương Hằng có hành vi “vu khống, xúc phạm nhân phẩm, uy tín”. Luật sư Phan Vũ Tuấn (Trưởng văn phòng luật sư Phan Law Vietnam), đại diện pháp lý cho vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đã hoàn thiện 3 bộ hồ sơ tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công an. Đồng thời, chúng tôi đang ráo riết thực hiện công tác chuẩn bị khởi kiện tại tòa án. Theo đó, chúng tôi sẽ khởi kiện dân sự đối với các cá nhân có hành vi vu khống, bịa đặt, đưa thông tin không chính xác nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của ca sĩ Thủy Tiên và gia đình”.

Băn khoăn kiểm duyệt, quỹ điện ảnh và phim đặt hàng

Ngày 24.9, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội họp xem xét dự án luật điện ảnh sửa đổi, đồng thời lấy ý kiến của đại biểu về một số vấn đề Bộ VH-TT-DL trình Quốc hội như: đấu thầu, Quỹ điện ảnh, kiểm duyệt phim.
Báo cáo thẩm định dự án luật Điện ảnh sửa đổi của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục (VH-GD) cho rằng cần rà soát, nghiên cứu có cơ chế khuyến khích các cơ quan, tổ chức (đài truyền hình, các tổ chức kiểm định độc lập, các tổ chức nghề nghiệp) tham gia tham vấn, hỗ trợ cơ quan nhà nước trong công tác kiểm định phim. Ủy ban cũng cho rằng dự thảo luật chưa quy định rõ về hội đồng thẩm định và phân loại phim. Qua khảo sát cho thấy hội đồng với đa số thành viên kiêm nhiệm nhưng phải thực hiện khối lượng công việc lớn, chịu nhiều áp lực, khó tránh khỏi sai sót, có thể bỏ lọt một số phim chiếu rạp có nội dung, chi tiết gây bức xúc dư luận. Ủy ban cho rằng cần có quy định để tăng tính chuyên môn, chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu thẩm định phim của các cơ sở điện ảnh.
Về phim trên không gian mạng, ủy ban đề nghị nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, minh bạch để các cơ sở sản xuất, phát hành, phổ biến phim có căn cứ tự kiểm duyệt và phân loại trước khi phổ biến.
Dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi hiện quy định 2 phương án đối với hình thức sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước: giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu. Theo đó, đa số thành viên Chính phủ lựa chọn phương án không đấu thầu. Lý do là việc sản xuất phim mang đặc thù riêng, thực hiện hình thức đấu thầu khó khăn, vướng thủ tục hành chính trong kinh phí đối với các nhà thầu thực hiện dự án, kéo theo hạn chế chủ động...

'Truyền thuyết về Quán Tiên' nằm trong số ít phim truyện được nhà nước đặt hàng trong thời gian gần đây

ẢNH: T.L

Ủy ban VH-GD cho biết đa số ý kiến của thành viên ủy ban đều đề nghị cân nhắc quy định về quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trong dự thảo luật. Theo đó, quy định về quỹ chưa phù hợp với quy định của luật Ngân sách nhà nước. Thứ nhất, nội dung chi của quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Thứ hai, chưa có đủ căn cứ, chưa đưa ra được giải pháp về khả năng tài chính độc lập thích hợp. Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng trong thực tế bộ đã nghiên cứu mô hình của nhiều nước có nền điện ảnh phát triển. Theo đó, họ đều có quỹ phát triển điện ảnh. Vì thế, nếu được quy định trong luật sẽ có thể thúc đẩy phát triển điện ảnh.
Trên cơ sở các ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD Nguyễn Đắc Vinh cho rằng việc quan trọng là làm sao thuyết phục được đại biểu Quốc hội: “Thứ nhất quỹ sinh ra làm gì, nó không được trùng với mục chi của kinh phí nhà nước. Thứ hai nó phải khả thi”.

NSND Đặng Thái Sơn được mời làm giám khảo cuộc thi piano quốc tế Fryderyk Chopin

NSND Đặng Thái Sơn đang chuẩn bị cho chuyến trở lại Ba Lan. Nơi đây ông sẽ đảm nhận vai trò giám khảo cuộc thi piano quốc tế Fryderyk Chopin, cuộc thi danh tiếng mà ông là nghệ sĩ châu Á đầu tiên được xướng tên ở vị trí cao nhất hơn 40 năm trước (năm 1980).

NSND Đặng Thái Sơn

ẢNH: HIROTOSHI SATO

Đây là lần thứ 4, NSND Đặng Thái Sơn được mời vào vị trí ban giám khảo cuộc thi piano quốc tế Fryderyk Chopin (gọi tắt là cuộc thi Chopin) cùng nhiều tên tuổi lớn của thế giới. Ông cũng tham gia trong phần trình diễn chưa từng có từ trước đến nay cùng 3 nghệ sĩ đã giành chiến thắng của cuộc thi là Martha Argerich (giải nhất năm 1965), Kevin Kenner (giải nhì - không có giải nhất năm 1990), Yulianna Avdeeva (giải nhất năm 2010), với sự tham gia của dàn nhạc Warsaw Philharmonic Orchestra, nhạc trưởng Andrzej Boreyko. Các nghệ sĩ sẽ chơi bản Concerto in A minor BWV 1065 cho 4 piano và bộ dây của nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach trong buổi gala khai mạc diễn ra lúc 14 giờ Ba Lan (19 giờ Việt Nam) vào ngày 2.10, được phát trực tuyến tới khán giả trên khắp thế giới.

Y Jang Tuyn, giọng ca nồng nàn của núi rừng Tây Nguyên đã ra đi

Ca sĩ Y Jang Tuyn mất lúc 8 giờ 17 phút ngày 20.9.2021 sau thời gian điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), hưởng dương 42 tuổi.
Cuối cùng thì ca sĩ người Bana Y Jang Tuyn cũng đã bỏ Tây Nguyên và đồng nghiệp đi xa sau thời gian chống chọi với Covid-19 trong niềm tiếc thương của mọi người.
Theo nhạc sĩ Quỳnh Hợp: “Ca sĩ Y Jang Tuyn ngoài hát nhạc cao nguyên hay, còn đặc biệt có xu hướng âm nhạc dân gian: ca trù, quan họ, hò Huế, dân ca Nam bộ… Với vai trò ca sĩ – nhạc sĩ, biên tập viên âm nhạc Đài TNND TP.HCM... ở nhiệm vụ nào em cũng đều làm tròn. Các sáng tác mới của em về nhạc trẻ thì luôn bắt nhịp với xu hướng thời đại. Thật tiếc cho một tài năng đang chín và tỏa sáng...”.

Ca sĩ Y Jang Tuyn qua đời sáng 20.9 do mắc Covid -19

ẢNH: T.L

Ca sĩ Y Jang Tuyn từng đoạt giải ba cuộc thi Sao Mai 2001, giải ba cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP.HCM năm 2003, được khán giả biết đến qua nhiều album như Nẻo quê (cùng ca sĩ Trang Nhung thể hiện các sáng tác của nhạc sĩ Quỳnh Hợp và Dương Toàn Thiên, 2005), Khát (2006), Nỗi nhớ cao nguyên (2013), Chúng tôi lính hải quân (gồm các sáng tác của nhạc sĩ Quỳnh Hợp, 2013), Hoan ca mùa xuân (2015), Những bức tranh quê hương (2015)...

Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc để làm gì?

Có nhiều ý kiến về thời điểm và cách thức tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021, dự kiến diễn ra tháng 10, 11 tại Hải Phòng.
Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) vừa phát ra thông báo thứ 4 về việc tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021. Cũng theo văn bản của Cục, liên hoan sẽ lùi thời gian tổ chức. Với thi trực tuyến, sẽ diễn ra từ ngày 28.10 - 4.11; với thi trực tiếp, sẽ từ ngày 6 - 18.11. Đơn vị dự thi chịu trách nhiệm về kinh phí, địa điểm biểu diễn, âm thanh, ánh sáng, trang thiết bị kỹ thuật ghi hình, truyền dẫn…

Vở diễn Điều còn lại sẽ được Nhà hát Kịch Việt Nam mang đến Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021

ẢNH: NHÀ HÁT KỊCH VIỆT NAM

Trong khi đó, NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM, cho biết năm nay sân khấu này không có kinh phí để đi thi. Đạo diễn Ngọc Hùng, quản lý Sân khấu Thế Giới Trẻ, cho rằng: “Nếu thi online tôi nghĩ nghệ sĩ không hào hứng. Diễn có khán giả thì mới hưng phấn, chứ chỉ nhìn ban giám khảo qua màn hình thì nguội lắm. Chưa kể, chấm thi qua online chắc là không chính xác, sẽ mất giá trị của chiếc huy chương, gây thắc mắc trong lòng nghệ sĩ”. Theo ông, nếu có thể thì nên lùi liên hoan lại sang năm.
Về việc tổ chức liên hoan này, trước mắt Cục Nghệ thuật biểu diễn nên chủ động tìm hiểu tâm tư của các đơn vị sân khấu kịch. Tổ chức liên hoan sân khấu kịch để làm gì trong thời điểm này là một câu hỏi lớn. Làm sao để văn hóa thúc đẩy đời sống người dân, chứ không chỉ là câu chuyện làm sao tổ chức cho được một liên hoan kịch nói.

Vĩnh biệt họa sĩ bậc thầy tranh thủy mặc Việt Nam Trương Hán Minh

Họa sĩ gốc Hoa Trương Hán Minh - một bậc thầy về tranh thủy mặc ở Việt Nam hiện nay qua đời vì bạo bệnh sáng 21.9, thọ 70 tuổi. Ông ra đi để lại thêm khoảng trống lớn cho giới mỹ thuật phương Nam.
Trong giới hội họa, Trương Hán Minh là một tên tuổi lớn được cả Việt Nam và thế giới vinh danh, với danh hiệu Kỷ lục gia Việt Nam và châu Á của dòng tranh thủy mặc. Bằng bút pháp điêu luyện, xuất thần, cách thể hiện hài hòa, sự kết hợp tài tình giữa ánh sáng và màu sắc, có thể nói tranh thủy mặc của họa sĩ Trương Hán Minh luôn đạt đến sự hoàn hảo.
Từ năm 1977 đến năm 2013, ước tính khoảng 200 bức tranh thủy mặc đặc biệt do chính họa sĩ Trương Hán Minh vẽ đã được tổ chức bán đấu giá để làm từ thiện. Ngày 21.9.2013, ông được công nhận kỷ lục châu Á là Họa sĩ vẽ tranh thủy mặc có số lượng tranh được bán đấu giá để làm từ thiện nhiều nhất.

Trong giới mỹ thuật, Trương Hán Minh là một tên tuổi lớn với danh hiệu Kỷ lục gia Việt Nam và châu Á của dòng tranh thủy mặc

ẢNH: T.L

Với tài năng và những cống hiến vượt bậc, năm 2018 theo kết quả xét tặng danh hiệu vinh dự của nhà nước Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể lần thứ hai năm 2018, họa sĩ Trương Hán Minh là một trong 2 cá nhân trên địa bàn Q.11, TP.HCM được nhận danh hiệu cao quý Nghệ nhân Nhân dân với loại hình tri thức dân gian do Chủ tịch nước phong tặng.
Không chỉ là một họa sĩ nổi tiếng, Trương Hán Minh còn là Ủy viên Ban thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam - Ủy viên BTV Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số TP.HCM - Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật TP.HCM; Hội trưởng Hội Mỹ thuật người Hoa TP.HCM; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật Q.5. Ông tham gia công tác tại Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên UB MTTQ Việt Nam TP.HCM.

BTS “gây sốt” khi trình diễn ngay tại trụ sở Liên Hiệp Quốc

Ngày 20.9 (giờ Mỹ), nhóm nhạc Hàn Quốc BTS có mặt tại trụ sở Liên Hiệp Quốc để tham dự cuộc họp của chương trình Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals Moment - gọi tắt là SDG Moment). Tại đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In giới thiệu 7 thành viên của nhóm nhạc nổi tiếng là "đặc phái viên đặc biệt về thế hệ tương lai và văn hóa", sau đó mời nhóm nhạc lên sân khấu phát biểu.

Các thành viên BTS phát biểu tại chương trình SDG Moment

ẢNH: REUTERS

Mở đầu bài phát biểu, BTS bày tỏ vinh dự khi chia sẻ câu chuyện về thế hệ tương lai. Các thành viên nhóm nhạc cho biết đã phỏng vấn nhiều thanh thiếu niên khắp thế giới về cuộc sống trong 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát và hiện tại. Không chỉ đề cập đến những thách thức mà người trẻ đối diện trong đại dịch, BTS còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vaccine ngừa Covid-19. Đồng thời, nhóm nhạc truyền thông điệp lạc quan rằng cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại: "Hy vọng trong một thế giới mới, chúng ta có thể nói với nhau: Xin chào!".
Khép lại bài phát biểu, BTS gửi đến hội nghị một video đặc biệt, đó là màn trình diễn ca khúc Permission to Dance ghi hình ngay tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Trong clip, nhóm nhạc di chuyển từ hội trường ra ngoài khuôn viên trụ sở, cùng hàng chục vũ công nhún nhảy theo điệu nhạc. Trên kênh YouTube chính thức của Liên Hiệp Quốc, video này nhận về hơn 7 triệu lượt xem chỉ sau khoảng 12 giờ đăng tải. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.