Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng được đề cử
Trong danh sách của lĩnh vực sân khấu, nhiều nghệ sĩ hài nổi tiếng tham gia chương trình Gặp nhau cuối năm được đề nghị xét tặng NSND, bao gồm NSƯT Trần Quốc Khánh, NSƯT Xuân Bắc (Nhà hát Kịch VN) và NSƯT Chí Trung (Nhà hát Tuổi trẻ). Có 25 NSƯT được đề nghị tặng NSND năm nay. Trong đó, Nhà hát Kịch VN và Nhà hát Tuổi trẻ bỏ xa các đơn vị khác khi đều có 5 nghệ sĩ lọt danh sách đề nghị xét NSND. Danh sách xét NSƯT có 68 người, trong đó Nhà hát Chèo VN có tới 20 nghệ sĩ.
Lĩnh vực múa có 4 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 17 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT. Các hồ sơ xét NSND gồm: NSƯT Trần Ly Ly (Nhà hát Nhạc, Vũ kịch VN), NSƯT Trần Thanh Nam và NSƯT Nguyễn Như Bình (Nhà hát Ca múa nhạc VN) và NSƯT Nguyễn Thị Thanh Xuân (Cục Nghệ thuật biểu diễn).
|
Trong lĩnh vực âm nhạc, có 23 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, trong đó có các nghệ sĩ: NSƯT Hoàng Xuân Bình (Nhà hát Ca múa nhạc VN), NSƯT Bùi Công Duy (Học viện Âm nhạc quốc gia VN), NSƯT Đoàn Thanh Lam (Nhà hát Nghệ thuật Đương đại VN), NSƯT Lê Thị Hồng Năm (Nhà hát Ca múa nhạc VN)... và 57 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT.
Lĩnh vực điện ảnh chỉ có 1 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND của NSƯT Phạm Đỗ Kỷ (Cục Nghệ thuật biểu diễn). Điện ảnh có 13 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT, trong đó Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và khoa học T.Ư có tới 6 nghệ sĩ. Trong số hồ sơ NSƯT này chỉ có 1 diễn viên là ông Mai Ngọc Căn (Cục Nghệ thuật biểu diễn).
Vĩnh biệt Anh Hai Cù Nèo - nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa
Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa ra đi lúc 22 giờ 25 ngày 25.7 khiến đồng nghiệp không khỏi bàng hoàng dù biết anh khó chiến thắng được căn bệnh ung thư tái phát. 10 năm trước anh phát hiện bị ung thư trực tràng và nhập viện chạy chữa.
Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953 tại Sài Gòn, lớn lên ở quận 6. Tuổi thơ của anh gắn chặt với xóm nghèo, với những người dân lao động đầu tắt mặt tối vì miếng ăn. Ngày thơ bé, anh học trườmg Bình Tây (nay là trường tiểu học Nguyễn Huệ) nên có quá nhiều ký ức để dệt nên quyển sách nổi tiếng sau này: Tụi lớp nhất trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ.
|
Lên trung học anh đậu vào trường Petrus Ký (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) và cũng từ đây mà quyển Mùa hè năm Petrus sau này trở thành một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi Lê Văn Nghĩa trên văn đàn. Đến tuổi trưởng thành, anh tham gia phong trào học sinh-sinh viên yêu nước xuống đường đấu tranh trước 1975, bị bắt giam tận Côn Đảo.
Sau 1975, Lê Văn Nghĩa trở thành phóng viên báo Tuổi Trẻ. Anh dần định hình phong cách viết “tưng tửng” đậm chất trào phúng và nổi danh trong làng báo Sài Gòn với các bút danh Hai Cù Nèo, Điệp Viên Không Không Thấy, Đại Văn Mỗ…Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa là Hội viên sáng lập Hội Nhà văn TP.HCM, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh từng giữ chức Phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, phụ trách báo Tuổi Trẻ Cười.
Xúc động tiếng saxophone của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn ở bệnh viện dã chiến
Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn cùng nhóm tình nguyện viên là các ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn trước y bác sĩ, bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện dã chiến ở TP.HCM đang được cộng đồng mạng chia sẻ trên mạng xã hội.
Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn đã có buổi biểu diễn đặc biệt dành tặng các bệnh nhân F0 tại bệnh viện dã chiến số 3 và số 6 ở thành phố Thủ Đức - TP.HCM. Điều gây xúc động cho khán giả khi xem đoạn clip đó chính là, dù phải đeo khẩu trang và đeo kính chống giọt bắn, nhưng khẩu trang của Trần Mạnh Tuấn được khoét một lỗ nhỏ để anh thổi lên giai điệu các bài hát: Quê hương (Giáp Văn Thạch phổ thơ Đỗ Trung Quân), Về quê (Phó Đức Phương), Diễm xưa và Còn tuổi nào cho em (Trịnh Công Sơn).
|
Ngoài nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, còn có các ca sĩ Ngọc Linh, Phương Thanh, Quốc Đại, Nam Cường... cũng tham gia chương trình với nhiều nhạc phẩm ý nghĩa để động viên các y, bác sĩ và những người đang phải cách ly xa gia đình, người thân. Các nghệ sĩ hát vọng từ xa với âm thanh khuyếch đại chỉ bằng thùng “loa kẹo kéo” di động. Thế nhưng ý nghĩa và sự xúc động thì đong đầy.
Phần biểu diễn của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn thuộc một trong những đêm nhạc của đội tình nguyện gồm nhiều nghệ sĩ do MC Quỳnh Hoa - Phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM khởi xướng, đã diễn ra hơn 1 tháng nay, với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Họ cũng từng tham gia các hoạt động hỗ trợ khu cách ly, xét nghiệm, cắt tóc, đi chợ giúp, nấu ăn... cho đội ngũ y tế và người dân tại TP.HCM.
Rà soát phim trước khi đưa lên kênh YouTube Viện Phim Việt Nam
Bộ VH-TT-DL vừa có cuộc họp về việc đưa phim lên kênh YouTube Viện Phim Việt Nam. Phát biểu kết luận chỉ đạo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông yêu cầu Cục Điện ảnh, Viện Phim Việt Nam và đơn vị liên quan cần rà soát, phân loại để đưa phim đến với công chúng theo các chủ đề hữu ích, thiết thực.
Về việc đưa phim lên YouTube của Viện, ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết ông căn cứ vào luật Điện ảnh, quy định về chức năng nhiệm vụ của Viện Phim Việt Nam và Quyết định số 4693 hồi 2013 về phê duyệt Đề án khai thác, sử dụng phim tư liệu thuộc sở hữu nhà nước đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam. Theo Quyết định số 4693, phim được lựa chọn phát hành trên kênh Viện Phim Việt Nam dự kiến gồm: phim thuộc sở hữu nhà nước, phim khuyết danh, phim đã hết thời hạn bảo hộ.
Tuy nhiên, thông tin tại cuộc họp cho thấy áp dụng các quy định này không có nghĩa là Viện có thể tự ý đưa phim lên mạng mà không có ý kiến đồng ý của các đơn vị liên quan.
|
Trước đó, Thanh Niên có bài về việc Viện Phim Việt Nam đưa phim lên kênh YouTube của mình sai luật. Chẳng hạn, Viện Phim Việt Nam đưa các bộ phim nhà nước lên mà không xin phép Cục Điện ảnh và hãng sản xuất. Viện cũng đóng logo của mình lên các bộ phim này mà không xin phép. Có bộ phim đã bị cắt bỏ phần generic (thông tin giới thiệu ê kíp làm phim). Việc đưa phim của Hãng phim truyện Việt Nam lên mạng cũng được đặt câu hỏi vì hiện tại chưa có kết luận thanh tra về việc sau cổ phần hóa, phim này còn thuộc nhà nước nữa không. Hiện tại, bản phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, sản phẩm hợp tác của Hãng phim Hội Nhà văn và Hãng phim Châu Giang (Trung Quốc), đã được rút xuống và thay bằng bản phim với đầy đủ generic.
Nhà thơ Đoàn Vy qua đời
Nhà thơ Đoàn Vy (hội viên Hội Nhà văn TP.HCM) qua đời ngày 28.7 (hưởng thọ 83 tuổi), tại tư gia ở Bến Cát, Bình Dương.
Nhà thơ Đoàn Vy sinh tại Sài Gòn khi gia đình ông vào phương Nam lập nghiệp, dù quê quán tít tận Hà Đông (Hà Nội bây giờ), trong một gia đình thuộc hạng thương gia. Năm 1962, Đoàn Vy tốt nghiệp khoa Hóa, Đại học Sư phạm Hà Nội. Vào dạy trung học tại Thanh Hóa, sau đó năm 1975, ông vào TP.HCM dạy môn Giáo dục công dân tại trường Trung học Lê Quý Đôn, Q.3 cho đến khi về hưu.
|
Nhà thơ Đoàn Vy gia nhập Hội Nhà văn TP.HCM ngay từ ngày đầu thành lập năm 1981, cùng với nhiều nhà văn nhà thơ tên tuổi. Đến nay ông mới xuất bản hai tập thơ, mỗi tập cách nhau gần 20 năm: Chỉ giấc mơ thôi (NXB Trẻ 1996) và Đột ngột hoa về (NXB Hội Nhà văn 2014).
Nhà thơ Đoàn Vy là anh họ nhà thơ Nguyên Sa. Và nếu như Nguyên Sa từng có bài thơ nổi tiếng Áo lụa Hà Đông được âm nhạc chắp cánh thêm thăng hoa thì Đoàn Vy cũng có bài Lụa là Hà Đông khá hay được viết bằng thể thơ lục bát, với một tâm thế khác, cảm xúc khác.
Scarlett Johansson kiện hãng Disney khi chiếu trực tuyến Black Widow
Ngôi sao Scarlett Johansson của bom tấn siêu anh hùng Marvel Black Widow kiện hãng Disney vào ngày 29.7, cáo buộc hãng đã vi phạm hợp đồng với cô khi cho bộ phim phát trực tuyến cùng thời điểm chiếu rạp.
Đại diện hãng Disney cho biết họ đã tuân thủ hợp đồng với Scarlett Johansson và việc phát hành bộ phim Black Widow (Góa phụ đen) trên nền tảng phát trực tuyến nhằm “nâng cao đáng kể số tiền cát-sê của cô là trên 20 triệu USD đã nhận được cho đến nay”.
Đơn khiếu nại của Scarlett Johansson được đệ trình lên Tòa án Thượng thẩm Los Angeles cho rằng chiến lược phát hành kép của Black Widow làm giảm mức thù lao của cô - một phần dựa trên doanh thu phòng vé từ bộ phim khi khởi chiếu tại rạp.
|
Black Widow ra rạp ngày 9.7, kèm mức phí 30 USD trên dịch vụ phát trực tuyến Disney+. Hãng Disney thử nghiệm mô hình kết hợp phát hành song song cho một số bộ phim trong đại dịch Covid-19 bằng cách cố gắng đẩy mạnh dịch vụ phát trực tuyến trong khi nhiều rạp chiếu phim trên khắp thế giới vẫn đang đóng cửa.
Đơn kiện của Scarlett Johansson cho rằng hãng Disney muốn hướng khán giả đến với Disney+, “nơi họ có thể giữ hoàn toàn doanh thu cho chính mình (vì không phải chia với rạp - NV)"; đồng thời phát triển thêm số người đăng ký Disney+ như cách để tăng giá cổ phiếu của Disney. Thứ hai, hãng Disney muốn phá giá đáng kể thỏa thuận của Scarlett Johansson và do đó làm giàu cho chính mình. Đại diện của Scarlett Johansson cho biết đã tiếp cận hãng Disney về việc giải quyết vấn đề nhưng “phần lớn bị phớt lờ”.
Kết quả vụ kiện có thể tạo nên sự phân cấp rộng rãi ở Hollywood khi mà các công ty truyền thông, phát hành đang cố gắng xây dựng dịch vụ phát phim trực tuyến của họ bằng cách cung cấp chương trình cao cấp hay phim bom tấn để thu hút người đăng ký.
Bình luận (0)