Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Đỗ Thị Hà đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2020

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
22/11/2020 05:30 GMT+7

Danh hiệu Hoa hậu Việt Nam 2020 được trao cho Đỗ Thị Hà trong đêm chung kết diễn ra tối 20.11 tại TP.HCM là sự kiện văn hóa nổi bật trên Thanh Niên Online tuần qua.

Cô gái Thanh Hóa trở thành Hoa hậu Việt Nam

Chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020 với chủ đề Thập kỷ hương sắc do Hoàng Nhật Nam làm tổng đạo diễn. Đêm thi là màn tranh tài của 35 ứng viên qua các phần thi trình diễn áo dài, trang phục bikini, trang phục dạ hội. Chương trình có sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Dương Triệu Vũ, Minh Tuyết, Hoàng Thùy Linh, Binz... và sự xuất hiện các Hoa hậu như Hà Kiều Anh, Ngọc Hân, Đặng Thu Thảo, Kỳ Duyên, Đỗ Mỹ Linh, Tiểu Vy…
Đỗ Thị Hà là sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân, quê ở Thanh Hóa. Cô cao 1,75m, số đo ba vòng 80-60-90. Tân hoa hậu sinh năm 2001, sở hữu nhan sắc ngọt ngào, nữ tính, đặc biệt là nụ cười tươi. Ở những ngày đầu tham gia cuộc thi, cô không phải là gương mặt thu hút được nhiều sự chú ý. Song ở những đêm thi thuộc khuôn khổ vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020, Đỗ Thị Hà đã có màn bứt phá ngoạn mục khi ghi tên mình vào top 5 Người đẹp biển và top 5 Người đẹp thời trang, giành giải thưởng Người đẹp truyền thông.
Đỗ Thị Hà gây ấn tượng bởi kỹ năng trình diễn tốt, giao tiếp tự tin. Trong phần thi ứng xử, khi nhận được câu hỏi: “Nếu trở thành hoa hậu, bạn có nghĩ mình là hình mẫu cho cô gái trẻ”. Cô đáp: “Tôi nghĩ mình mang đủ phẩm chất cần và đủ của con gái Việt. Dù có trở thành hình mẫu hay không thì tôi sẽ là người truyền cảm hứng đến giới trẻ. Tôi sẽ làm được điều đó”.
Trong phần thi Người đẹp nhân ái, Đỗ Thị Hà thực hiện dự án Người gieo hạt nắng. Có mặt tại lớp học dành cho các bạn trẻ bị thiểu năng trí tuệ, cô và các thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2020 đã cùng học, cùng vui chơi với mọi người trong tiếng cười rộn ràng, ngập tràn yêu thương.
Bố Đỗ Thị Hà kể khi dự thi Hoa hậu Việt Nam 2020, người đẹp giấu gia đình. Thậm chí, cô còn tự tiết kiệm chi phí để đi thi. “Đến khi vào bán kết thì chúng tôi mới biết. Nói chung Hà là người có tính tiết kiệm. Thời điểm đó, Hà có đi làm thêm mặc dù tôi biết số tiền kiếm được cũng chẳng là bao nhiêu. Hà làm thêm chủ yếu là để trải nghiệm. Cháu làm bưng bê, phục vụ, làm một số công việc về thời trang... Hà rất năng động và chịu khó, muốn kiếm tiền bằng mồ hôi, công sức của mình. Tôi đã nói với Hà rằng làm cái gì cũng phải có trình độ văn hóa, tức là phải học cho xong đi rồi muốn làm gì thì làm. Bản thân tôi rất vinh dự, vì không nghĩ con gái mình đăng quang Hoa hậu Việt Nam. Tôi rớt nước mắt vì rất thương con. Nói thật là gia đình tôi cũng không đến nỗi nhưng Hà có cho tôi biết đâu. Tính của cháu là làm được gì, có thành tích rồi mới báo với bố mẹ. Hà tự lập từ bé”, ông chia sẻ. Đồng thời, ông nói thêm khi hay tin con gái vào chung kết, gia đình và người dân ở xóm ai cũng mừng. “Cả quê hương cũng kỳ vọng con được giải. Mọi người ai cũng mong điều đó. Đúng là niềm vui vỡ òa”, ông nói.

Triển lãm chuyên đề Tiền giấy Việt Nam qua các thời kỳ

Nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23.11, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM khai mạc triển lãm chuyên đề Tiền giấy Việt Nam qua các thời kỳ của Kỷ lục gia Việt Nam Huỳnh Tấn Thành - người có bộ sưu tập giấy bạc lưu hành tại Việt Nam qua các thời kỳ với số lượng nhiều nhất.
Triển lãm giới thiệu gần 1.200 tư liệu, hiện vật quý như một phần lịch sử tiền tệ Việt Nam, từ giai đoạn Pháp thuộc đến nay. TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cho biết: “Lịch sử tiền tệ Việt Nam bước vào giai đoạn mới khi thực dân Pháp xâm lược và đô hộ nước ta. Để ổn định tiền tệ ở xứ thuộc địa, người Pháp cho phát hành đồng Đông Dương (từ năm 1885 - 1954). Tiền Đông Dương lúc này được chia thành các đơn vị piastre, cent/centime và sapèque. Mặt trước của các tờ tiền giấy hoặc tiền kim loại ghi bằng tiếng Pháp, mặt sau ghi bằng chữ Hán, chữ Quốc ngữ, chữ Lào và chữ Khmer, song cũng có lúc chỉ ghi chữ Pháp”.

Nhà sưu tập Huỳnh Tấn Thành và bộ sưu tập những tờ giấy bạc quý giá được ông cất công sưu tầm và gìn giữ

ẢNH: QUỲNH TRÂN

Theo nghị định ngày 21.1.1875, đầu tiên Ngân hàng Đông Dương cho lưu hành những tờ giấy bạc có 3 mệnh giá: $5, $20 và $100, mặt trước ghi bằng tiếng Pháp và Anh, mặt sau ghi chữ Hán: Đông phương hối lý ngân hàng (東方滙理銀行). Đến năm 1893, phát hành thêm tờ $1. Năm 1903, các loại tiền được bỏ phần tiếng Anh nhưng ghi thêm xuất xứ như: Cao Miên (高綿), Lục Tỉnh (六) cho khu vực miền Nam và Đông Kinh (東京), An Nam (安南) cho khu vực miền Bắc. Từ năm 1919 cho in thêm những tờ tiền với mệnh giá: 10 cents, 20 cents, 50 cents. Sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế, đồng tiền mất giá nên đợt phát hành năm 1936, nhà nước phải phát hành thêm tờ $500.
Năm 1940, với nhiều biến động chính trị ở chính quốc, tại Đông Dương còn cho phát hành một loạt tiền giấy mới có in thêm dòng chữ Phủ Toàn quyền Đông Dương (Gouvernement General de l’Indochine) thay cho hàng chữ Banque de l’Indochine. Những tờ 10 cents, 20 cents, 50 cents rồi tiếp theo là tờ 5 cents xuất hiện. Năm 1947, phát hành tiếp những mẫu tiền mới, trong đó lần đầu tiên xuất hiện tờ $50. Năm 1952, Viện Phát hành quốc gia Việt, Miên, Lào đảm nhận việc phát hành mẫu tiền giấy riêng cho mỗi nước nhưng có giá trị khắp 3 nước. Chân dung Quốc trưởng Bảo Đại, Quốc vương Sihanouk và Quốc vương Sisavang Vong xuất hiện trên tờ $1. Danh xưng piastre được dùng song hành với những tên bản xứ: riel cho Campuchia, kip của Lào, và đồng của cái gọi là Quốc gia Việt Nam.
Ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chủ trương in và phát hành giấy bạc Việt Nam, nhằm khẳng định chủ quyền độc lập, bảo đảm nguồn lực tài chính, phục vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống (còn gọi là “giấy bạc tài chính”), phát hành từ năm 1945 - 1951 ở vùng tự do Bắc và Trung bộ, gồm cả tiền giấy, tiền kim loại. “Sự hấp dẫn ở giấy bạc tài chính, theo tôi còn nằm ở những hình ảnh đầy ý nghĩa trên tờ giấy bạc: bảo vệ quê hương, kháng chiến kiến quốc, sĩ nông công thương… màu sắc tuy dung dị nhưng rất đẹp. Tiền giấy bạc tài chính của cách mạng do các họa sĩ nổi tiếng vẽ: Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Huyến, Nguyễn Văn Khanh, Mai Văn Hiến, Bùi Trang Chước, Nguyễn Sáng, Lê Phả, Huỳnh Văn Gấm…, nên mỗi tờ tiền là một bức tranh nghệ thuật, mô tả nội dung cần truyền tải về thiên nhiên, đất nước, con người, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Việt Nam. Qua đó cho thấy những trang sử hào hùng của dân tộc, dù nhà nước cách mạng non trẻ vẫn có đồng tiền riêng”, nhà sưu tập Huỳnh Tấn Thành nói.
Đặc biệt, triển lãm còn giới thiệu những tờ giấy bạc có chữ Giấy bạc Việt Nam, Quốc hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chân dung Bác Hồ, mang những hình ảnh chống giặc dốt, chống giặc đói, chống ngoại xâm, liên minh công - nông - binh... Trên tờ giấy bạc, ngoài chữ Việt và chữ Hán, thỉnh thoảng còn có thêm chữ Khmer - Lào với chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính là Lê Văn Hiến hoặc Phạm Văn Đồng và chữ ký của Giám đốc Ngân khố Trung ương cùng hàng chữ “Theo Sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam, kẻ nào làm giả hoặc có hành động phá hoại tờ giấy bạc của Chính phủ, sẽ bị trừng trị theo quân pháp”.
Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu giấy bạc Tài chính Trung bộ, “tiền/giấy bạc xé đôi”, “giấy bạc/tiền đắp nền” lưu hành trong vùng giải phóng, tiền Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tiền Việt Nam Cộng hòa và kể cả tiền polymer hiện nay… để người xem có cơ hội khám phá tiền giấy Việt Nam.

Những bức ảnh để đời của NSND Đinh Bằng Phi

Chào mừng ngày Nhà giáo VN 20.11, Ban Lý luận phê bình và CLB Phóng viên Sân khấu đã khai mạc triển lãm ảnh và tọa đàm chuyên đề NSND Đinh Bằng Phi - Một đời theo hát bội vào sáng 18.11 tại Hội Sân khấu TP.HCM.
Triển lãm ảnh và buổi tọa đàm là dịp để các thế hệ học trò của NSND Đinh Bằng Phi vinh danh người thầy đã tận tụy, cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật hát bội, bỏ công sức dìu dắt, chỉ dẫn qua từng vai diễn và quan trọng hơn là những công trình nghiên cứu, đúc kết những bài học từ nghệ thuật hát bội để biến thành giáo trình giảng dạy quý giá.

NSND Đinh Bằng Phi nói chuyện chuyên đề hóa trang các nhân vật hát bội

ẢNH: THANH HIỆP

NSND Đinh Bằng Phi tốt nghiệp trường Sư phạm Quốc gia Sài Gòn (năm 1959). Ông từng làm thầy giáo dạy các môn văn, sử, địa, nhưng rất thích tìm hiểu về nghệ thuật hát bội, trực tiếp dựng một số trích đoạn hát bội tuồng lịch sử, dã sử cho học sinh và giáo sinh sư phạm, dịch một số tác phẩm truyện ngắn tiếng Pháp…
Khoảng năm 1986, giáo sư Hoàng Châu Ký vào TP.HCM tìm hiểu về hát bội Nam bộ, nhưng hầu hết nghệ sĩ mà ông từng tiếp xúc chỉ có nghề mà không có lý luận. Vì vậy, khi gặp Đinh Bằng Phi, giáo sư Hoàng Châu Ký đã rất sửng sốt và khâm phục. Trong các cuộc họp, hội thảo, giáo sư Ký đánh giá thầy giáo Đinh Bằng Phi rất cao. Sau đó, giáo sư Trần Văn Khê, NSND Phạm Thị Thành, NSND Trọng Khôi, nhà nghiên cứu Mịch Quang, Bửu Tiến… cũng gặp gỡ và đều rất trân trọng Đinh Bằng Phi. Ông được mời đi diễn, đi dạy, nói chuyện, tham gia hội thảo, được mời dàn dựng, làm cố vấn nghệ thuật...
Điều đặc biệt nữa ở ông là hiếm có tác giả sân khấu nào sau khi đã thành danh ở lĩnh vực sáng tác lại chuyển qua làm diễn viên biểu diễn. Nói vui là ông đến với nghề theo một quy trình ngược: từ làm thầy (thầy tuồng, tác giả) chuyển qua làm trò (diễn viên)… Năm 1971, ông lập Ban Hát bội Đinh Bằng Phi, quy tụ nhiều nghệ sĩ trẻ có tiềm năng: Kim Thanh, Ngọc Khanh, Ngọc Dung, Xuân Quan... Bây giờ họ đều là những tên tuổi của ngành Hát bội TP.HCM và đều được phong danh hiệu NSƯT. Ban hát tuy nhỏ nhưng đi diễn hầu hết các tỉnh thành, gây chú ý trong giới vì cống hiến cho khán giả hàng loạt vở tuồng dài, đặc sắc như: Lưu Bị cầu hôn Giang Tả, Sự tích Trần Huyền Trang, Cánh tay Vương Tá, Trưng Nữ Vương... 
100 bức ảnh do nhà báo - đạo diễn Thanh Hiệp chụp và hình ảnh tư liệu do gia đình cung cấp xuất hiện ở triển lãm NSND Đinh Bằng Phi - Một đời theo hát bội diễn ra từ ngày 18.11.2020 đến 18.1.2021.

Mộ cổ Bãi Cọi "kể chuyện" gặp gỡ văn hóa

Trưng bày Bãi Cọi - nơi gặp gỡ của các nền văn hóa diễn ra tại Hà Nội từ 18.11 đến tháng 12.2020 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Trưng bày có hơn 150 hiện vật, tư liệu thuộc sưu tập hiện vật Bãi Cọi lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Hà Tĩnh với nhiều chất liệu như đá, gốm, kim loại, thủy tinh…
“Hiện vật này của Bảo tàng Hà Tĩnh mới sưu tầm. Nó thể hiện rõ nét nhất ý tưởng trưng bày: Di tích Bãi Cọi (H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh) là nơi gặp gỡ của các nền văn hóa. Cụ thể hơn, đó là nơi gặp gỡ của văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh”, ông Nguyễn Tiến Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, cho biết.

Mộ chum, táng thức điển hình của văn hóa Sa Huỳnh

ẢNH: BẢO TÀNG CUNG CẤP

Trước đó, nhiều hiện vật trong trưng bày từng được triển lãm tại Hàn Quốc. Ông Đoàn nói đây là trưng bày đầy đủ, phong phú nhất về Bãi Cọi từ trước tới giờ. Sau đó, trưng bày sẽ được chuyển về Hà Tĩnh vào tháng 12 năm nay.
Tại trưng bày, có những hiện vật gốm với hoa văn rất đẹp. TS Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học Việt Nam, thậm chí còn cho rằng những bình gốm đó chưa từng được sử dụng theo kiểu dân dụng. Chúng có thể là đồ trưng bày để tượng trưng cho quyền lực.
Cũng có những câu chuyện về mộ táng trong trưng bày, như mộ chum - dấu hiệu điển hình của văn hóa Sa Huỳnh. Tuy nhiên, đi cùng mộ chum lại có những hiện vật của văn hóa Đông Sơn chôn làm đồ tùy táng. Một ngôi mộ cũng đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam tái hiện ngay trong trưng bày. Phía bảo tàng cho biết: “Mộ chum là một trong những táng thức điển hình, được coi là dấu hiệu nhận biết của văn hóa Sa Huỳnh. Qua 3 lần khai quật Bãi Cọi, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 17 mộ chum”.

108 ảnh chưa từng công bố đầy xúc cảm của nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh

Lần đầu tiên, triển lãm cá nhân của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hồng Linh - người đang giữ kỷ lục trên 400 giải thưởng quốc tế, hé lộ những bức ảnh chưa từng công bố xoay quanh cuộc sống thường nhật.
Triển lãm ảnh Thấu cảm - Những câu chuyện chưa kể của nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM (nằm trong tuần lễ triển lãm & sự kiện Thấu cảm – mang nắng về miền Trung). Triển lãm kết hợp cùng dự án đấu giá ảnh trực tuyến trên website: https://empathy.vn thu hút sự quan tâm của công chúng.

Tác phẩm Quảng Nam 2017

ẢNH: LÊ HỒNG LINH

 
 Điều đặc biệt nhất mà triển lãm Thấu cảm - Những câu chuyện chưa kể của nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh làm được là toàn bộ lợi nhuận thu được từ việc bán sách ảnh và những tác phẩm sẽ ủng hộ để mua học cụ, xây dựng thư viện cho thiếu nhi ở các tỉnh miền Trung chịu nhiều thiệt hại trong mùa bão lũ 2020, cùng với đó là việc bán ảnh trực tuyến để gây quỹ cho miền Trung đến hết ngày 30.11. “Vì tác phẩm thường bắt đầu từ cuộc sống và sau khi hoàn thiện, nó quay lại phục vụ cuộc sống. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ và trách nhiệm tự thân của nghệ sĩ”, nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh tâm sự.

Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 2: Phá nhiều kỷ lục của mùa 1

20 giờ thứ bảy 21.11, tập đầu tiên của Siêu trí tuệ Việt Nam - mùa 2 đã lên sóng Vie Channel - HTV2. Theo Trưởng ban Cố vấn khoa học của Siêu trí tuệ Việt Nam - Kỷ lục gia siêu trí nhớ thế giới Dương Anh Vũ, chỉ mới vòng 1 của chương trình mùa 2 đã phá nhiều kỷ lục của mùa 1.
Ở mùa 2, Trấn Thành tiếp tục cầm trịch chương trình với vai trò MC, cùng sự trở lại đầy đủ của “gương mặt thân quen” mùa 1: giám khảo khoa học PGS-TS Trần Thành Nam, giám khảo cố định: nhà báo Lại Văn Sâm và ca sĩ Tóc Tiên.

Biểu cảm của các giám khảo trước tài năng của Siêu trí tuệ mùa 2

ẢNH: VIE CHANNEL

Mở màn là tài năng trí tuệ 19 tuổi Dương Lê Hoàng Hiệp với thành tích “khủng”: nhận hơn 40 giải thưởng từ các cuộc thi toán học, 2 lần đoạt giải toán quốc gia, lọt vào top 200 thí sinh toàn quốc về điểm thi đại học, đỗ vào ngành y đa khoa của Đại học Y Dược TP.HCM. Hoàng Hiệp sẽ đối đầu với thử thách: Đường cong kỳ ảo. Đây là thử thách kết hợp giữa toán học và mỹ thuật: 70 bánh răng to nhỏ, mỗi một bánh răng có hình dạng và vị trí điểm vẽ khác nhau, khi bánh răng chuyển động trong vòng tròn có thể tạo ra hơn 700 bông hoa rực rỡ. Trên sân khấu, giám khảo chỉ định 6 loại bánh răng và điểm vẽ tương ứng. Kiến trúc sư căn cứ theo yêu cầu của giám khảo, dùng bút vẽ ra 6 đường cong hoàn mỹ và chồng chúng lại với nhau ở trung tâm. Thí sinh sẽ quan sát, tiến hành suy luận, tính toán tìm ra khuôn vẽ bánh răng có thể vẽ những hình ảnh này và xác định được điểm vẽ tương ứng. Xác định đúng 5/6 hình vẽ, thử thách thành công.
Và Nguyễn Văn Khanh - tài năng trí tuệ tiếp theo của tập mở màn mùa 2 vận dụng tư duy không gian và tư duy toán học để biến những điều không thể thành có thể trong thử thách: Mã đi tuần. Cờ vua được xem là tinh hoa giữa toán học và nghệ thuật, trên mỗi bàn cờ, quân mã được xem là quân cờ có nước đi sáng tạo nhất với khoảng 122 triệu nước. Trên bàn cờ vua, giám khảo chọn ngẫu nhiên vị trí và đưa ra giá trị cho điểm xuất phát và kết thúc của quân mã, tiếp theo ban giám khảo sẽ chọn cho tuyển thủ một số có 3 đơn vị. Tuyển thủ không nhìn vào bàn cờ, suy luận dựa trên quy tắc đường đi của quân mã từ vị trí bắt đầu đến vị trí kết thúc. Kết thúc hành trình, tổng giá trị của các cột và các hàng phải bằng số có 3 đơn vị mà giám khảo đưa ra. Thử thách được xem là thành công khi chính xác hoàn toàn.
Đồng hành cùng Siêu trí tuệ Việt Nam - mùa 2, Anh Vũ cho biết người xem cũng được trải nghiệm những giá trị khoa học rất mới mẻ mà trước đây các bạn chỉ có thể tình cờ đọc được qua sách báo, điển hình như năng lực Lucid dream (Giấc mơ sáng suốt) hay Spider web thinking system (Tư duy mạng nhện)…
Theo kỷ lục gia Anh Vũ, mùa 2 xuất hiện nhiều phần thi rất “dị biệt”, vì nội dung được xây dựng dựa trên sự kết hợp rất khớp giữa toán logic với kiến thức thuộc khoa học xã hội, có những phần thi khó đến mức dù có là kỷ lục gia siêu trí nhớ thế giới hay kiện tướng thế giới về Short-term memory (Trí nhớ ngắn hạn) cũng không thể làm được, vì những phần thi đó được xây dựng dựa trên Short-term memory kết hợp với toán logic, có nghĩa là bạn muốn thực hiện được thử thách này bạn phải đỉnh ở cả 2 năng lực này.

Nghệ sĩ hải ngoại về Việt Nam diễn giữa dịch Covid-19

Ca sĩ Bằng Kiều và Thu Phương đã trải qua hành trình dài từ Mỹ về Việt Nam. Thu Phương nói, có lúc chị vẫn chưa dám tin rằng mình có thể vượt qua chặng đường nhiều khó khăn như vậy để có mặt tại quê nhà. Nhận lời tham gia nhiều chương trình, cũng như đã có kế hoạch thực hiện dự án tại Việt Nam từ trước, nhưng bị gián đoạn vì dịch bệnh, đến khi mọi hoạt động nghệ thuật trong nước gần như trở lại bình thường, Thu Phương đã nhờ chồng chăm sóc các con để về nước. Chị cùng Minh Tuyết - nữ ca sĩ cũng đã từ Mỹ về Việt Nam từ nhiều tháng nay, và Lệ Quyên là những khách mời tham gia live concert Chuyện lạ của ca sĩ Bằng Kiều sẽ diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc gia Hà Nội vào đầu năm tới.

Ca sĩ Bằng Kiều và Thu Phương từ Mỹ về Việt Nam biểu diễn

ẢNH: T.L

“Năm nay có nhiều “chuyện lạ”. Dịch bệnh khiến cuộc sống, đời sống nghệ thuật có nhiều thay đổi”, Bằng Kiều chia sẻ. Tại Mỹ, mọi hoạt động biểu diễn trực tiếp trước công chúng không thể diễn ra. Nhiều ca sĩ đã đến với khán giả qua kênh YouTube, Facebook, hay những chương trình âm nhạc trực tuyến. Dù vậy, nhiều người vẫn mong mỏi có dịp được hát trước khán giả. Bằng Kiều nói, anh thực hiện live concert vào đầu năm mới cũng là hy vọng một năm mới bình an.
Nam ca sĩ Tùng Dương đã gửi lời cảm ơn đến diva Hà Trần khi nhận lời biểu diễn trong live concert Con người của anh được tổ chức vào cuối tháng 11 này tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội). Trên trang cá nhân, Hà Trần chia sẻ về chuyến bay dài từ Mỹ trở về Việt Nam cùng hình ảnh mặc đồ bảo hộ khi đáp xuống sân bay Cam Ranh (Nha Trang) và không quên gửi lời cảm ơn với những người đã giúp đỡ mình để có hành trình trở về quê nhà suôn sẻ. Sau 14 ngày cách ly theo quy định, nữ ca sĩ bắt đầu với những hoạt động nghệ thuật.
Cùng với việc góp mặt trong những show diễn trên sân khấu lớn, nhỏ, hay dành thời gian thực hiện những chương trình, dự án cá nhân, nhiều ca sĩ hải ngoại đã tham gia trong những chương trình mang ý nghĩa xã hội. Ca sĩ Bằng Kiều cùng các ca sĩ trong nước như: Phạm Phương Thảo, Tố Nga, Thái Thùy Linh, Nguyễn Ngọc Anh, Đông Hùng, Mỹ Dung... biểu diễn trong chương trình Cho người trong giông bão, vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhằm gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung chịu thiệt hại nặng nề do đợt lũ lụt vừa qua. Trong chương trình này, các nghệ sĩ được mời biểu diễn sẵn sàng tham gia mà không nhận cát sê. Còn nữ ca sĩ Minh Tuyết đã biểu diễn trong chương trình Share the love kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung chống lũ cùng nhiều ca sĩ khác như Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Vân...

Angelina Jolie làm phim về phóng viên ghi hình chiến tranh Việt Nam

Ngày 19.11, minh tinh Angelina Jolie làm phim về cuộc đời phóng viên chiến trường Don McCullin (hiện còn sống) từng đến và ghi hình chiến tranh Việt Nam thập niên 1960.
Tính đến hiện tại, tay máy người Anh Don McCullin đã 85 tuổi và được biết đến là một trong những phóng viên chiến trường trứ danh của làng báo thế giới với những bức ảnh ngồn ngộn tính tư liệu lịch sử. Minh tinh Angelina Jolie đang bắt tay thực hiện một bộ phim về cuộc đời của ông, dựa trên kịch bản được chuyển thể từ chính hồi ký của Don McCullin là Unreasonable Behaviour.

Phóng viên ảnh Don McCullin năm 2009

ẢNH: TOM STODDART

Nữ minh tinh sinh năm 1975 cho biết, cô bị cuốn hút bởi phong cách tác nghiệp độc đáo của ông qua những bức ảnh chiến trường lẫn vấn đề đương đại nóng hổi mà những tác phẩm này bộc lộ “sự can trường” và “nhân văn” trong đó.
Tham vọng của bà mẹ sáu con là muốn cho khán giả thấy sự nghiệp nhiếp ảnh của phóng viên chiến trường này trên màn ảnh rộng, đồng thời phản ánh qua những khung hình điện ảnh những sự kiện, con người kỳ vĩ của lịch sử. Đến hiện tại vẫn chưa rõ tiêu đề lẫn ngày xuất xưởng của dự án.
Sinh năm 1935 ở London (Anh), Don McCullin chập chững bước chân vào con đường làm phóng viên ảnh từ năm 24 tuổi (tức năm 1959). Trong khoảng thời gian từ khoảng giữa thập niên 1960 đến khoảng giữa thập niên 1980, Don McCullin đã đến Việt Nam để tác nghiệp và để lại nhiều tác phẩm ảnh có giá trị lịch sử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.