Phố nhà quê

29/09/2019 10:18 GMT+7

Tôi là dân nhập cư từ miền Bắc vào TP.HCM lập nghiệp. Sau khi xây dựng gia đình , chúng tôi tích cóp vay mượn cũng chỉ đủ tiền mua một miếng đất nhỏ ở xóm nghèo nằm kề bên sông Sài Gòn mênh mông lộng gió.

Miếng đất thuộc P.An Phú Đông, Q.12 - nơi từng là một căn cứ địa cửa ngõ sông Sài Gòn trong chiến tranh ác liệt, nơi mà chiếc “máy bay mồ côi” của không lực Hoa Kỳ chở hơn 200 đứa trẻ mồ côi về Mỹ trong chương trình nhận con nuôi Babylift, vì trục trặc nào đó đã bị rớt xuống khiến cả một vùng đất loang đỏ như một dấu ấn bi thảm của hồi kết cuộc chiến tranh.
An Phú Đông giống một ốc đảo được bao quanh bởi sông Sài Gòn và sông Vàm Thuật, có lẽ vì thế nên khi tôi đến “tiếng là thuộc thành phố, nhưng mọi thứ coi bộ vẫn còn quê rặt”. Những con đường đất lầy lụa ngập nước trong mùa mưa, những con mương nhỏ ngoằn ngoèo chằng chịt, những ngôi nhà cấp bốn thưa thớt lợp ngói hay lợp tôn cũ kỹ thấp thoáng dưới những hàng dừa hàng cau cao vòi vọi, những cây xoài, cây mận, cây mít rậm rì. Vùng này trước chuyên trồng mai, trồng hoa bán tết, trồng lài lấy bông bán cho các công ty làm hương liệu ướp trà; trồng riềng, sả. Nhưng khi hệ thống sông Vàm Thuật ô nhiễm, đất đai trũng phèn trở nên khô cằn kém dinh dưỡng, ruộng đất dần để hoang, cây dại, cỏ lau có lúc mọc lút đầu người. Bạn hỏi nhà tôi thường cười đùa “mình ở phố nhà quê!”.
Con đường vào xóm tôi dài khoảng 300 m chỉ vừa đủ cho một chiếc xe máy chạy, hai bên đều là mương nước, may có hàng dừa làm dấu cho những ngày mưa ngập nước trắng xóa, người đi biết đâu là lối đi để khỏi bị té xuống mương. Kể từ lúc tôi chuyển về xóm, phải mấy năm sau, con đường mới được người ta mở rộng bằng cách lấp một con mương và chặt đi hàng dừa, nâng cao đường rồi rải đá dăm sạch sẽ. Lúc đầu xóm chỉ lác đác hơn chục nóc nhà, mươi năm sau đông dần lên cũng được gần ba chục nóc thì có tới một nửa là dân di cư từ tỉnh ngoài đổ về, đất của dân bán tự phát chứ không theo dự án gì nên ưa thẻo nào thì bán thẻo đó, mỗi nhà một hướng khác nhau, thành ra ngõ vào mỗi nhà một kiểu, từ trên cao ngó xuống cái xóm thụt thò vô lối chắc thấy kỳ kỳ.
Tuy kẻ bắc người nam, dân miền Tây người miền Trung nhưng xóm giềng thân thương nhau lạ, từ mấy ông già sáng tối mặc độc cái quần cộc ở trần vắt vẻo chiếc khăn mặt trên vai, các bà già móm mém tha thẩn ra sân vào vườn, đến mấy đứa con nít mẫu giáo, nhìn thấy nhau là râm ran tiếng chào, là trao nhau những nụ cười hiền hậu, hỏi han như người trong nhà. Lớp lao động chính trong xóm toàn là dân lao động nghèo nhưng thuận hòa kính trên nhường dưới, chứ không kẻ cả xa lạ cũ mới gì, sáng sớm có rảnh rang chút thì ngồi với nhau làm cữ cà phê nói rặt chuyện vui, tối về cơm nước xong xuôi bắc ghế ra đầu ngõ cùng nhau làm chén trà đá, có khi thòm thèm lại rủ nhau thêm cữ cà phê tối. Nhà hàng xóm có việc cỗ chay tang ma, chưa gọi đến lượt đã cà kê lê đến thêm tay thêm chân lặt rau, gói bánh, sắp quả trả lễ khách lúc về. Thỉnh thoảng có tí quà quê lại chia nhau cục nem nướng, gói kẹo lạc, kẹo dừa...
Tôi nhớ nhất mỗi độ tết về xóm nhỏ xôn xao náo nhiệt lạ thường, nhà trồng bông cúc thì rộn rập nhổ cây đánh cụm cắt bông đưa đi chợ xa chợ gần, hàng xóm không quên hưởng ứng đôi ba bình chưng ban thờ hay vài khóm chưng trước sân trước cổng, người thì rủ nhau đi buôn mai, bán mai thuê cho các thương lái lớn trong phường. Vốn là đất trồng mai chơi mai nên dân gốc của xóm cũng sành mai lắm, từ chăm sóc tỉa tót sao cho ra bông đúng thời gian, làm sao có thế mai độc đáo đáng đồng tiền đến khu vực nào, chợ nào, đường nào bán được loại mai nào. Vài ba nhà chung nhau nồi bánh tét, các bà các cô tay thoăn thoắt đổ gạo, tra nhân, gói bánh, miệng rôm rả chuyện trò, đêm xuống đàn ông trông nồi bánh rủ nhau chơi bài tây cười nói râm ran, tiếng đập lá bài ten tét xuống nền gạch hoa màu xanh lơ có hình vân mây chỗ đậm chỗ lợt, sáng ra tắt lửa thế nào mỗi nhà cũng được đôi đòn bánh tét nóng hổi thơm mềm...
Tôi chia tay xóm nhỏ nghèo vật chất mà giàu tình cảm ấy cũng vào dịp tết cách đây ba năm để trở về quê cũ. Ngày tôi đi xóm vẫn náo nức rộn ràng chuẩn bị đón tết nhưng người đi không dám ngoảnh đầu lại, và người ở lại miệng cười tay vẫy chào mà mắt nghe cay cay ngấn nước. Tôi chắc gia đình mình sẽ không bao giờ có thể quên TP.HCM, nơi mà chúng tôi vẫn quen gọi là Sài Gòn, vì nơi đây có một xóm nhỏ bên rìa thành phố mà chúng tôi đã xem như quê hương của mình!
Phố nhà quê
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.