Miền ký ức ấy chợt ùa về trong tiết trời giao mùa của miền Trung: một chút se lạnh, những cơn mưa chiều bất chợt và dòng người vội vã cũng đủ làm nó thấy nhớ!
Nó vẫn còn nhớ... Bình Định tiễn nó bằng một cơn mưa nặng hạt, cơn mưa như cứu cả cánh đồng khô hạn, một phần tiền mà ba mẹ chắt chiu cho nó đi học. Bước chân lên tàu, nó thấy môi mình mằn mặn, hành trang vào đời của nó là gánh nặng oằn vai của ba, mẹ... Sài Gòn đón nó bằng những ngôi nhà chọc trời, bằng những thứ lạ lẫm đầy sang trọng, bằng “đặc sản” kẹt xe trong cái nhìn ngơ ngác. Sài Gòn chạm vào trái tim của nó bằng cả nỗi niềm bởi ở đó là cả hành trình ước mơ mà nó đã đánh đổi sự khổ luyện trong suốt 3 năm THPT .
|
Gần 18 năm, nó rời xa nơi giảng đường đại học mà đến giờ nó vẫn nhớ như in, miền ký ức ấy lúc nào cũng có thể chợt ùa về. Nếu như ai đó nhìn thành phố mang tên Bác với cách nhìn toàn mĩ, góc nhìn ở mọi ngóc ngách của cuộc sống và con người thì nó lại nhìn sự toàn mĩ của Sài Gòn bằng một góc nhỏ của thành phố nhưng mang đậm tính nhân văn. Đó là cái tên của trường đại học mà chỉ cần nhắc đến là cả niềm tự hào trong nó - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Tọa lạc ở một góc của thành phố nhưng đủ điểm tô cho vẻ đẹp của trung tâm quận I. Văn khoa ngày ấy đối diện với trường đại học Y Dược TP.HCM và bên cạnh là đài truyền hình HTV. Nếu đi bộ vài ki lô mét, ta có thể đến bến cảng nhà Rồng. Chỉ một góc nhỏ thôi nhưng với nó là một vẻ đẹp diệu kỳ, là phần đời của bao cái đẹp bởi từ giảng đường đại học ấy đã có biết bao thế hệ trưởng thành, giữ những chức vụ quan trọng từ trung ương đến các vùng miền của đất nước.
|
Giảng đường nơi ấy là những bài giảng sâu sắc của thầy của cô. Những bài học về kỹ năng sống, giúp nó thấu cảm và trưởng thành hơn từng ngày. Góc nhỏ của giảng đường Khoa học Xã hội và Nhân văn nhưng làm sáng cả tên tuổi của Sài thành với môi trường giáo dục. Nó vẫn còn nhớ những bài giảng chở đầy nhiệt huyết vì trong đó có cả cái tâm của những người thầy đáng kính: thầy Hoàng Như Mai, cô Phan Thu Hiền, thầy Huỳnh Như Phương... để rồi trong suốt chừng ấy năm xa nơi ấy hình ảnh của thầy, của cô, của ngôi trường ấy như một vọng âm sâu sắc gắn chặt trong trái tim nó.
Cho đến giờ trên bục giảng, nó vẫn say mê khi nhắc về Sài Gòn. Bài học nó muốn truyền giảng đến bao thế hệ học trò để tiếp thêm nguồn động lực cho học sinh là bài học về cuộc đời mà nó đã trải qua. Sài Gòn qua bài giảng của nó còn là một chân trời rộng mở, là nơi đón nhận bao nhiêu sự cố gắng, nỗ lực, là chân trời mà “lũ” học sinh có thể thoã chí sáng tạo, học tập, nghiên cứu và thay đổi cuộc đời bằng chính đôi chân của mình.
18 năm rời xa nhưng mãi mãi những ký ức về Sài Gòn không bao giờ xa rời nó. Nó tự hào vì 18 năm ấy, dẫu không có bước chân quen thuộc của nó còn in dấu nhưng nó lại có nghìn nghìn bước chân trưởng thành của bao lớp thế hệ học sinh đã thay nó vẽ tiếp những ước mơ và cả hành trình khát vọng mà nó vẫn còn dang dở để có thể tô thêm cho cho một Sài Gòn tươi đẹp.
Hành trình của nó là những bài giảng say mê với những đôi mắt đáng yêu như biết nói. Cuộc sống muôn màu nhưng có lẽ món quà vô giá của nó là duyên để đến với nghề giáo. Những lúc lay lắt nhất, nó vẫn thấy mình hạnh phúc vì bên nó vẫn có một người luôn dõi theo và luôn hát cho nó nghe ca khúc mà nó yêu thích nhất cuộc đời mình: “Em ơi hãy lắng nghe, nghe thành phố thở... Như là cuộc sống như là tình yêu và nỗi nhớ, suốt đời, suốt đời mang theo”. Một góc nhỏ vậy thôi, nhưng có lẽ giáo dục chính là cái nôi để tạo nên cái đẹp vĩnh cửu - cái đẹp của Sài Gòn - thành phố tôi yêu!
|
Bình luận (0)