Viết lời tựa cho tác phẩm
Không ảnh đảo và bờ biển Việt Nam của kỷ lục gia - nhà báo
Giản Thanh Sơn, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, nhận xét: “Được xem cuốn sách
Không ảnh đảo và bờ biển Việt Nam của Giản Thanh Sơn, thật sự đã gây cho tôi một cảm xúc khó tả về bức tranh tuyệt đẹp của đất nước Việt Nam. Nhìn từ không trung, dải đất hình chữ S như được tô vẽ bằng vô vàn bức ảnh chi tiết về đảo và bờ biển của Việt Nam. Một tập sách khá toàn diện và sống động về chủ đề biển đảo mà hiếm có nhà báo, nhà nhiếp ảnh nào có điều kiện để thực hiện”.
Để có được cuốn sách đầy đặn và độc đáo như vậy, ít ai ngờ rằng nhà báo - nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn đã lên ý tưởng cách đây hàng chục năm. Vì vậy ông rất ý thức trong việc chụp và lưu trữ hàng nghìn tư liệu ảnh biển đảo quý của mình. Ông may mắn được có mặt trên những chuyến bay tháp tùng "được phép" đặc biệt để có thể nhìn biển đảo thật bao quát từ trên không trung, quan sát tường tận cảnh sắc nhiều vùng đất quê nhà phía bên dưới. Ông tâm sự: “Mỗi khi bay đến đâu, nhìn qua ô cửa máy bay tôi lại dâng trào cảm xúc bởi
tình yêu quê hương đất nước. Do đó mỗi góc máy tôi chụp dường như đều có sự gửi gắm tấm lòng của tôi đến với đất mẹ. Vì vậy mà các tác phẩm của tôi tổ quốc luôn hùng vĩ và thiêng liêng”.
Mỗi hòn đảo mang hình quả tim
Nói về cảm nghĩ khi xem sách Không ảnh đảo và bờ biển Việt Nam, nhà thơ - nhà báo nữ Đinh Thu Hiền cho biết: “Nhà báo - nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn có nhiều bộ hình đẹp, và "không đụng hàng". Anh vừa có sức sáng tạo thăng hoa, vừa có tính cần mẫn. Cái duyên của cuộc đời, cùng sự tử tế, đã cho Giản Thanh Sơn ở vị trí tác nghiệp tuyệt vời mà nhiều người chẳng thể có được".
Còn nhà văn Trần Nhã Thụy thì chia sẻ cảm xúc: “Theo tôi, những bức hình biển đảo của Giản Thanh Sơn không giống như những tấm ảnh biển đảo mà ta thường thấy. Nó không được chụp từ bờ ra, cũng không được chụp từ ngoài khơi vào. Không phải là bức ảnh tỉa tót. Những bức ảnh này được tạo tác từ trên cao, vì thế mà có cái nhìn toàn cảnh. Cái toàn cảnh ở đây không phải là panorama, mà là mở rộng hết tầm nhìn và chọn lọc được góc chụp ưng ý, độc đáo nhất. Nhờ chụp từ trên cao, nên mỗi hòn đảo đều lộ ra hết vẻ đẹp của nó. Và thật kỳ lạ, trong mắt tôi, mỗi hòn đảo ở xứ sở này dù lớn dù nhỏ đều có hình dáng như một quả tim”.
Bìa cuốn sách 'Không ảnh đảo và bờ biển Việt Nam' vừa phát hành
|
Trường Sa đẹp và đầy cảm xúc qua góc máy của nhiếp ảnh gia
|
Nhà văn Trần Nhã Thuy nói tiếp: “Ðiều thứ hai, tôi xin được nói về Giản Thanh Sơn. Ðó là một người đàn ông có vóc dáng lãng du, phong trần, nhưng giấu trong mình trái tim nồng ấm, nhân hậu. Không phải bây giờ, khi tàu
Trung Quốc xâm lấn biển Ðông, tình hình nóng bỏng mỗi ngày. Bằng trái tim nghệ sĩ luôn nhạy cảm với cái đẹp, bằng trách nhiệm của một công dân, Giản Thanh Sơn đã âm thầm làm một bộ sưu tập ảnh biển đảo. Lúc đó không ai đặt hàng anh cả, mà chính trái tim anh đã “đặt hàng” tay máy anh. Cho nên, với mỗi hòn đảo, khi chụp Giản Thanh Sơn như đặt trọn trái tim mình vào đó. Cuối cùng, với cá nhân tôi thì mỗi hòn đảo chính là một sinh thể, một trái tim Việt Nam đang đập theo nhịp đập của biển Ðông của đất nước này. Khi chúng ta nhìn mỗi hòn đảo như một trái tim thì bằng mọi cách phải tiếp cho nó nguồn năng lượng. Và tôi nghĩ, việc Giản Thanh Sơn chụp ảnh rồi in thành sách và tổ chức triển lãm ảnh chủ đề về biển đảo cũng là một cách tiếp nguồn năng lượng đến những quả tim đó...”
Được sự đồng ý của nhiếp ảnh gia - nhà báo Giản Thanh Sơn, Thanh Niên xin giới thiệu một số tác phẩm tuyển chọn từ cuốn sách Không ảnh đảo và bờ biển Việt Nam vừa phát hành.
Biển đảo và bờ biển quê hương qua bộ sách của Giản Thanh Sơn dạt dào cảm xúc
|
Bờ biển Nhật Lệ (Quảng Bình)
|
Nhà báo - nhiếp ảnh gia
Giản Thanh Sơn sinh năm 1957, tốt nghiệp cử nhân văn hoa, từng 5 lần được xác lập kỷ lục quốc gia về nhiếp ảnh báo chí. Ông đã tổ chức nhiều cuộc
triển lãm cá nhân và xuất bản nhiều
dự án sách song ngữ Việt - Anh.
Bình luận (0)