Văn Miếu “chạy đua” công nghệ trưng bày

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
16/11/2021 06:30 GMT+7

Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa đưa ra nhiều sản phẩm áp dụng công nghệ để thu hút công chúng.

Máy chiếu công nghệ mapping quét những mảng màu, mảng hình lớn lên nhà Thái Học ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) trong tối 15.11. Trên tường công trình này hiện lên những hình ảnh Văn Miếu trong quá khứ, khi những tấm bia tiến sĩ còn chưa có mái che. Cũng có hình ảnh của Văn Miếu do người Pháp ghi lại qua ảnh đen trắng. Hình rồng bay lượn cũng được trình chiếu. Tất cả những hình ảnh đó diễn ra trong khoảng vài phút. “Đây mới là những hình ảnh thử nghiệm. Sau này, chúng tôi còn nhờ các nhà khoa học tư vấn thêm”, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nói.

Trình chiếu mapping tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Phương Nguyễn

Trình chiếu là một phần của hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên nền tảng công nghệ 4.0” vào chiều 15.11. Tại đây, có rất nhiều sản phẩm công nghệ liên quan đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được đưa ra giới thiệu cùng lúc. Chẳng hạn, công nghệ AI được đưa vào để giải đáp cho khách tham quan về di sản này. Khách du lịch có thể hỏi AI về di tích: Văn Miếu - Quốc Tử Giám có từ bao giờ, nhà Thái Học là gì và nhận được câu trả lời ngay bằng một giọng nữ. Hay việc số hóa có thể giúp tạo không gian di tích 3D trên mạng. Khi “bước” vào không gian này, chạm vào các di vật, thông tin về di vật đó sẽ hiện ra.

Th.S Hoàng Quốc Việt, một đối tác công nghệ của dự án, cho biết đơn vị của ông đã số hóa bia và đưa vào các tương tác. “Chúng tôi cũng đưa ra các mẫu bia tiêu biểu để giới thiệu, số hóa 3D không gian kiến trúc. Người xem có thể thấy diện mạo Văn Miếu - Quốc Tử Giám thời Lê, tham quan ở đó 5 phút thôi có thể hiểu được Văn Miếu như thế nào, học sinh cũng có thể thông qua đó để hiểu lịch sử dân tộc”, ông Việt nói. Ông Việt cũng đưa ra giải pháp để tổ chức lớp học online hay việc làm QR Code cho các hiện vật để khách du lịch không theo đoàn có thể tự tìm kiếm nội dung. Công nghệ trình chiếu ánh sáng mapping theo ông có thể giúp giải bài toán kinh tế đêm, tour đêm của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Tận dụng công nghệ kể chuyện di sản

PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, tỏ ra tâm đắc với việc áp dụng công nghệ vào Văn Miếu. Tuy nhiên, theo ông Bài: “Bản thân công nghệ số không tạo ra thông tin, chúng ta phải chủ động tạo ra di sản số cũng như cách kể câu chuyện của di sản. Đồng thời, cũng cần có cơ chế để Văn Miếu - Quốc Tử Giám tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa du lịch trong thời đại công nghệ số”.

Th.S Trương Quốc Toàn, một người tư vấn du lịch, cho biết Văn Miếu - Quốc Tử Giám phải là một trung tâm văn hóa, có chương trình hoạt động hằng tuần, tháng, quý, năm với lịch trình rõ ràng để có thể hút khách quay lại. Ông cũng cho rằng Văn Miếu nên có các liên kết tour chuyên đề nhằm thu hút khách du lịch. Chẳng hạn, có thể tổ chức tour tái hiện cuộc đời một nhà nho. “Hà Nội có làng khoa bảng Đông Ngạc là nơi có nhiều người đỗ đạt. Có thể tổ chức tour về cuộc đời nhà nho, từ khi ở làng rồi đi học đi thi ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, rồi đỗ đạt và làm quan. Có thể tổ chức thăm Hoàng thành Thăng Long - nơi người ấy làm quan…”, ông Toàn gợi ý.

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, lại khá chú ý đến việc máy móc, AI làm sao kể được câu chuyện hay về di tích Văn Miếu, di sản mà Văn Miếu có là các bia tiến sĩ. “Làm sao chuyến thăm phải có cả logic thông tin lẫn sự hấp dẫn. Như thế mới có thể giải được bài toán du lịch không chạm trong thời gian tới”, ông Thắng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.