Vị quê trong tấm bánh tròn

24/11/2020 10:00 GMT+7

Trời đã vào đông, tôi chợt ấm lòng khi bất giác nghe giai điệu quen thuộc vang lên lời bài hát Về Đô Lương quê em của tác giả Minh Lý được nhạc sĩ Hồ Hữu Thới phổ nhạc...

“Anh có về Đô Lương quê em
Về với yêu thương, miền trung du xứ Nghệ
Sông Lường trong xanh chảy mềm như lụa
Nối đôi bờ câu ví giặm giận thương
Ta cùng say chè xanh nồng hương
Với bánh đa vừng ngọt ngào hương lúa”
Điệu nhạc ngân nga gợi trong tôi về một thứ quà quê - đặc sản xứ Lường: chiếc bánh đa vừng gợi thương, gợi nhớ...
Chiếc bánh đa vừng đưa tôi về với ngày xưa yêu dấu. Là những buổi trưa chị em tôi đi đón mẹ tận cổng làng. Sáng mai, mẹ đi chợ sớm, trên vai mẹ gánh mớ trầu không, mớ chanh, hay buồng cau đi bán tận chợ Lường. Cả buổi hôm đó chị em tôi lóng ngóng nghe tiếng bàn chân mẹ, cũng có khi sự kiên nhẫn có giới hạn thế là mấy chị em đi quãng thật xa đón mẹ. Vui gì hơn khi thấy bóng mẹ thấp thoáng đằng xa. Vui hơn là khi vừa về đến nhà mẹ vội đặt gánh xuống lấy chiếc bánh đa tròn chia phần cho mấy đứa. Miếng bánh đa nhỏ dần trong sự tiếc nuối. Tôi cứ sợ ăn đến miếng cuối cùng. Bánh đa vừng sao mà ngon, sao mà thơm đến vậy. Và niềm vui mẹ về chợ còn lâng lâng tận đến giờ.
Tôi nhớ ngày hè, cái nắng miền Trung thật khốc liệt. Ngày ấy còn chưa có điện. Đúng là “Gió Lào thổi rạc bờ tre” (Nguyễn Bùi Vợi). Nắng. Nắng như dữ dội hơn trong mùa dỡ lạc. Hầm hập. Thật là khó chịu. Vậy nhưng những buổi trưa hàng xóm láng giềng vẫn không quên mời nhau uống nước chè chát. Bát chè xanh sánh đặc, thêm đĩa lạc luộc và mấy chiếc bánh đa vừng, tình nghĩa xóm làng càng thêm bền chặt. Câu chuyện cứ râm ran, râm ran mãi...
Bánh đa vừng quê tôi được làm bởi tình quê đằm thắm. Người dân quê chọn lựa kỹ càng hạt gạo, hạt vừng thơm ngon nhất. Cái tình quê như màu trắng của bột gạo, vừng đen thơm phức hay tình người thơm thảo gửi vào trong đó. Bên bếp lửa rực hồng, cô tráng bánh đôi má hây hây thêm phần duyên dáng. Tay thoăn thoắt vớt bánh một cách điệu nghệ. Rồi dưới ánh nắng vàng ươm, những hình tròn như được cậu bé tinh nghịch xoay chiếc com pa một cách khéo léo. Từng hình tròn được xếp ngay hàng thẳng lối, lớp vừng đen rải dày và đều đặn lấp lánh, lấp lánh... Đó là lúc những chiếc bánh đa được đem phơi nắng. Nắng phải to, bánh mau chóng khô cong lại, đó mới là những chiếc bánh đa ngon.
Thế nhưng công việc này cũng vất vả, khó khăn. Họ phải dậy từ khi còn mờ đất để chuẩn bị cho mẻ bánh. Từng chiếc bánh được đặt cẩn thận trên rả phơi để thật khô mới quạt và dùng được. Vất vả nhất là khi trời đang nắng bỗng chuyển mưa, bánh đa phải được nắng mới thơm ngon, nếu gặp nước thì chỉ có thể bỏ đi. Thứ bánh mang đậm nghĩa tình, thứ bánh dành trọn yêu thương! Thứ quà quê dân dã ấy đã trở thành món quà trao gửi những người thân ở xa hay những người bạn mà mình quý mến. Bánh đa vừng mang trọn tình quê, mang trọn tấm lòng người quê với sự trân quý chân thành.
Chúng tôi cũng tự hào bởi thứ quà dân dã của quê nhà ngày nay đã được nhiều người biết đến. Bánh đa theo những chuyến xe ra bắc vào nam. Bánh còn có mặt trên các chuyến bay để đến với bè bạn năm châu. Bánh đa vừng ngày nay để đổi vị đổi kiểu, người dân quê đã sáng tạo để hấp dẫn hơn. Vẫn các nguyên liệu cơ bản từ hạt gạo trắng ngần, từ hạt vừng đen thơm phức nhưng có thêm ít hạt tiêu và tỏi giã nhỏ, có khi là thứ bánh đa gấc đỏ tươi... Bạn hãy nhấm nháp miếng bánh đa giòn tan. Hãy nhai thật kỹ. Mùi thơm, vị béo cứ thấm vào lòng. Trời mùa đông bạn hãy thưởng thức bánh đa vừng xứ Lường kèm với tương ớt mới tuyệt làm sao. Vị ngọt, bùi và cả cay cay nơi đầu lưỡi đủ để bạn xuýt xoa và sẽ không chỉ thưởng thức một lần. Tôi nhớ như in lần du lịch Phú Quốc, lần đầu tiên tôi được thưởng thức món gỏi cá trích nổi tiếng nơi đây, tôi tròn mắt ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc bánh đa quê mình xuất hiện ở nơi này. Đúng là bánh đa chợ Lường không lẫn vào đâu được. Không biết có phải họ nghe giọng miền Trung trọ trẹ mà đưa thêm món này không? Thôi kệ. Được nhìn chiếc bánh đa vừng tôi như thấy hình ảnh quê nhà thật gần gũi, thân thương.
Đã bao năm tôi xa quê nhưng vị thơm của chiếc bánh đa vừng còn vương mãi. Bạn đã biết đến mảnh đất Đô Lương - Nghệ An miền trung du xứ Nghệ? Hãy về với xứ Nghệ yêu thương để thưởng thức món bánh đa vừng thơm thảo. Mời bạn về xứ Lường quê mình, bạn nhé! Chiếc bánh đa vừng cùng bát nước chè xanh thơm mát sẽ khiến bạn nhớ về mảnh đất này. Mình tin là vậy!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.