Tiến sĩ Ankit Batra, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, Bệnh viện Sharda (Ấn Độ) nói: "Đúng là hầu hết mọi người đều cao hơn một chút vào buổi sáng so với buổi chiều tối. Nguyên nhân là do tác động của trọng lực lên cột sống của con người suốt cả ngày", theo Indian Express (Ấn Độ).
Theo tiến sĩ Batra, khi đứng thẳng, trọng lực sẽ nén các đĩa đệm ở cột sống, khiến chiều cao giảm đi một lượng nhỏ. Khi di chuyển và chịu trọng lượng trong ngày, lực nén này tăng dần lên và đến cuối ngày, chiều cao sẽ giảm đi một ít.
Nói một cách đơn giản, khi hoạt động hằng ngày, như đứng, ngồi và đi lại, cột sống bị nén do lực hấp dẫn tác động lên cơ thể. Tiến sĩ J. Harikishan, bác sĩ đa khoa cấp cao tại Bệnh viện Kamineni, Hyderabad (Ấn Độ) cho biết, sự chèn ép này có thể khiến cột sống mất đi một phần chiều cao.
Hơn nữa, vào ban ngày, các đĩa đệm bị nén lại do các hoạt động chịu trọng lượng. Kết quả là chúng mất đi hàm lượng nước và trở nên "xẹp" hơn, góp phần làm giảm chiều cao.
Tuy nhiên, khi ngủ, cơ thể nằm ngang nên các đĩa đệm có cơ hội được bù nước và trở lại chiều cao bình thường, khiến chúng ta cao hơn một chút khi thức dậy.
Giả sử chiều cao thực tế của một người là 170 cm. Khi thức dậy vào buổi sáng, có thể đo được khoảng 170,5 cm hoặc thậm chí lên tới 171 cm. Khi hoạt động hằng ngày, cột sống bị chèn ép và chiều cao giảm dần. Vào cuối ngày, chiều cao chỉ còn khoảng 169,5 cm hoặc thậm chí thấp hơn.
Tiến sĩ Harikishan gọi đó là "điều bình thường khi trải qua những thay đổi nhỏ về chiều cao trong ngày".
"Đáng chú ý, sự thay đổi về chiều cao này thường nhỏ, khoảng 0,5 đến 1 cm và có thể khác nhau ở mỗi người", tiến sĩ Batra cho biết, theo Indian Express.
Bình luận (0)