Cổ phiếu mới niêm yết đếm trên đầu ngón tay
Cuối tháng 7 vừa qua, sàn chứng khoán HOSE có thêm 1 cổ phiếu mới là mã ADP của Công ty CP Sơn Á Đông bắt đầu được giao dịch với giá tham chiếu 19.550 đồng/cổ phiếu. Theo công bố trước đó từ HOSE, trong 6 tháng đầu năm 2023, sàn này cũng chỉ có duy nhất một cổ phiếu niêm yết mới là mã PVP của Công ty CP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương. Đây là lượng cổ phiếu niêm yết mới trong một năm thấp nhất lịch sử. Như vậy, sau 7 tháng, HOSE chỉ có thêm 2 cổ phiếu mới.
Tình hình trên sàn HNX khá hơn khi số lượng cổ phiếu niêm yết mới nhiều hơn. Chẳng hạn, trong tháng 7, HNX có thêm 2 cổ phiếu mới là DTG của Công ty CP Dược phẩm Tipharco và VFS của Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt. Dù vậy, số cổ phiếu niêm yết mới trên HNX tính chung trong 7 tháng đầu năm nay cũng chỉ đếm vỏn vẹn đúng một bàn tay với 5 cổ phiếu.
Hầu hết cổ phiếu mới giao dịch trên HNX và HOSE từ đầu năm đến nay đều đã giao dịch trên UPCoM trước đó nên với nhiều nhà đầu tư, đây không hẳn hoàn toàn là "hàng" mới. Dù vậy, việc chuyển sang các sàn niêm yết chính thức cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra luồng sinh khí mới cho cả cổ phiếu nói riêng cũng như sàn chứng khoán nói chung.
Đáng chú ý, trong khi số "hàng" mới lên sàn quá ít thì 2 sàn niêm yết chính thức lại ngừng giao dịch, hủy niêm yết đối với rất nhiều cổ phiếu do vi phạm quy định công bố thông tin, bị thua lỗ... Trong tháng 7, sàn HNX có 2 doanh nghiệp niêm yết mới thì cũng đồng thời hủy niêm yết với 2 doanh nghiệp. Tại thời điểm cuối tháng 7, sàn HNX có 332 mã cổ phiếu giao dịch. So với đầu năm 2023 thì số lượng cổ phiếu giao dịch giảm đi 9 cổ phiếu. Tương tự, sàn HOSE đến cuối tháng 7 có 393 cổ phiếu giao dịch, cũng giảm đi 9 cổ phiếu so với đầu năm.
Thiếu vắng những doanh nghiệp lớn
Không chỉ thiếu về lượng, hoạt động niêm yết mới trên hai sàn niêm yết, nhất là HOSE thời gian qua còn thiếu hẳn những doanh nghiệp lớn. Nhiều doanh nghiệp sau một thời gian công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu nhưng vẫn chưa thực hiện vì nhiều lý do.
Chứng khoán Việt Nam: doanh nghiệp xuống sàn nhiều hơn lên sàn
Chẳng hạn, Công ty CP Tôn Đông Á trong tháng 4 vừa qua đã bất ngờ gửi công văn đến HOSE về việc rút hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu. Lý do xin rút hồ sơ được công ty đưa ra là tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2022 toàn ngành nói chung và công ty nói riêng không khả quan; công ty chưa đáp ứng được các điều kiện niêm yết theo quy định. Trước đó, phương án niêm yết cổ phiếu của công ty này đã được thông qua tại cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 với kế hoạch thực hiện ngay trong cùng năm.
Hay như Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR) - công ty quản lý vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất - vốn được xem là một doanh nghiệp khủng trong ngành dầu khí từ năm 2017 đã đưa ra kế hoạch sau khi giao dịch trên sàn UPCoM 1 năm sẽ chuyển sang sàn niêm yết. Đến nay sau hơn 5 năm, cổ phiếu BSR cũng chỉ giao dịch trên UPCoM. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2023, công ty đã trình cổ đông thông qua việc niêm yết toàn bộ cổ phiếu BSR lên HOSE.
Trong khi đó, những doanh nghiệp nhà nước đang nằm trong danh sách cổ phần hóa thực sự được nhà đầu tư quan tâm như Agribank, Vinacomin - TKV, MobiFone, VNPT, SJC, Vinafood1... thì quá trình thực hiện còn chưa rõ.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, nhận định việc thị trường chứng khoán thiếu "hàng" mới từ đầu năm đến nay chủ yếu do các doanh nghiệp chưa nhận thấy được thời điểm thuận lợi cho việc niêm yết. Bởi mục tiêu chính của doanh nghiệp khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán là nhằm huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động. Thế nhưng, thị trường chứng khoán sau một năm khó khăn cũng chỉ mới hồi phục nhẹ nên còn chưa phù hợp để doanh nghiệp lên sàn huy động vốn với chi phí hợp lý.
Các doanh nghiệp Nhà nước thường có quy mô rất lớn, nên khi thực hiện IPO - phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng - để thoái vốn Nhà nước và sau đó đưa cổ phiếu lên niêm yết thì phải có đối tác chiến lược tham gia. Tuy nhiên, từ 2020 - 2021 khi đại dịch Covid-19 diễn ra và tiếp đến giai đoạn kinh tế thế giới gặp khó khăn, nhiều tập đoàn sản xuất lẫn các nhà đầu tư tài chính cũng thu hẹp hoạt động. Vì vậy, các công ty nhà nước đang chậm lại trong quá trình cổ phần hóa vì khó khăn để tìm ra nhà đầu tư chiến lược.
"Về nguyên tắc chung thị trường có hàng mới sẽ sôi động hơn, có thêm nhiều nhà đầu tư mới chính là cổ đông của các doanh nghiệp hiện nay. Càng có thêm doanh nghiệp lên niêm yết, cổ phiếu chất lượng thì càng thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia và từ đó thúc đẩy thị trường vốn phát triển", TS Đinh Thế Hiển nói thêm.
Bình luận (0)