Chiêu lừa đảo 'con nhập viện': 80% cá nhân tự để lộ thông tin
Công an TP.HCM và Hà Nội đang tích cực điều tra loạt vụ việc phụ huynh bị lừa đảo bằng chiêu trò "có con đang cấp cứu". Số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng tỉ đồng.
Mới đây nhất, Công an Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội) công khai 2 số tài khoản ngân hàng liên quan đến hành vi lừa đảo nói trên, nhằm khuyến cáo người dân cảnh giác, gồm: 0823763009 Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), chủ tài khoản Trịnh Công Bạc; 0927680306 Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), chủ tài khoản Trần Quang Vinh.
Nhiều người đặt câu hỏi vì sao đã có thông tin về số điện thoại và số tài khoản ngân hàng nhưng vẫn chưa lần ra được tung tích của kẻ lừa đảo; bởi chỉ cần số tài khoản ngân hàng là có thể dễ dàng truy ra chủ tài khoản, thông tin cá nhân của người đứng sau…
Truy theo dòng tiền rất khó khăn
Trao đổi với Thanh Niên, thượng tá, TS Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu về tội phạm, khẳng định rằng: "Không có đối tượng lừa đảo nào lại sử dụng số điện thoại hoặc số tài khoản chính chủ để thực hiện hành vi phạm tội".
Với số điện thoại, ngoài việc sử dụng các sim rác dễ dàng mua được, các đối tượng có thể sử dụng phần mềm để giả lập bất cứ số điện thoại nào mà chúng muốn. Bằng việc giả lập này, cuộc gọi tưởng là thực hiện qua mạng viễn thông, nhưng thực tế lại là cuộc gọi thông qua mạng internet bằng các ứng dụng điện tử. Thậm chí, đối tượng còn có thể giả giọng nói để xóa dấu vết.
Với tài khoản ngân hàng, hiện nay việc mua bán dữ liệu tài khoản diễn ra khá phổ biến và phức tạp. Nhiều người, bao gồm sinh viên, vì điều kiện kinh tế khó khăn mà sẵn sàng mua sim rác và cầm CMND/CCCD đến ngân hàng để mở nhiều tài khoản đứng tên mình.
Sau khi có các số tài khoản, người sở hữu sẽ rao bán cùng với số sim rác. Các đối tượng tội phạm sẽ lập tức thu mua về để sử dụng cho những hành vi phạm pháp.
Là người từng có nhiều năm công tác trong lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, thượng tá Hiếu cho hay, ông và đồng đội từng nhiều lần truy theo dòng tiền, tìm ra được chủ tài khoản, nhưng kết quả cho thấy người này không liên quan gì đến vụ án.
"Người ta thừa nhận số tài khoản đó là của mình, nhưng đã bán cho người khác từ lâu. Việc mua bán diễn ra qua mạng internet, người bán và người mua không hề biết mặt nhau, giao hàng cũng qua khâu ship trung gian", vị thượng tá chia sẻ.
Sau khi nạn nhân chuyển tiền vào số tài khoản chỉ định, đối tượng phạm tội sẽ tiếp tục chuyển qua các kênh trung gian như ví điện tử, từ đó thực hiện các lệnh mua bán tiền ảo. Đến bước này, việc truy theo dòng tiền là vô cùng khó khăn.
Thu gom tài khoản ngân hàng để phạm tội
Chia sẻ từ thượng tá, TS Đào Trung Hiếu đã phản ánh về một trong những thủ đoạn mà đối tượng lừa đảo thường sử dụng để che giấu dòng tiền chiếm đoạt từ các nạn nhân. Thực tế, thời gian qua, rất nhiều vụ việc như vậy đã bị triệt phá và xử lý.
Tháng 9.2022, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt nhóm 7 bị cáo từ 4 - 9 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo hồ sơ, một phụ nữ tại Hà Nội nhận được cuộc gọi mạo danh, dọa chị này đang bị điều tra trong một vụ án hình sự, yêu cầu chuyển tiền để xác minh. Vì nhẹ dạ, cả tin, người phụ nữ đã chuyển tiền, dẫn tới mất gần 12 tỉ đồng.
Kết quả điều tra cho thấy, nhóm bị cáo được một phụ nữ ở Đài Loan (Trung Quốc) thuê mở tài khoản. Số tiền mà người phụ nữ ở Hà Nội bị lừa sẽ được chuyển vào các tài khoản này, rồi chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản khác, đích đến cuối cùng là người phụ nữ ở Đài Loan. Đến nay, do chưa xác định được người phụ nữ tại Đài Loan đang ở đâu, có phải là người gọi điện lừa đảo hay không… nên chưa thể tìm ra kẻ chủ mưu trong vụ việc.
Hay như tháng 10.2022, Công an TP.Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) triệt phá một đường dây mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng. Theo đó, một nhóm đối tượng tại Việt Nam sẽ thu mua số tài khoản ngân hàng rồi bán lại cho một đối tượng sinh sống tại Campuchia. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện một số tài khoản bị mua bán nêu trên có lượng tiền giao dịch rất lớn, cá biệt trong vòng 3 tháng phát sinh giao dịch gần 90 tỉ đồng, nghi vấn hoạt động phạm tội đánh bạc, lừa đảo qua mạng.
Một thủ đoạn khác, các đối tượng tội phạm đưa ra nhiều lý do, xin chụp ảnh chân dung, chụp ảnh CCCD hoặc thuê, mua tài khoản ngân hàng của người dân. Sau khi có dữ liệu, các đối tượng sẽ trực tiếp sử dụng hoặc bán cho bên thứ ba (kể cả người nước ngoài) để sử dụng vào mục đích phạm tội như lừa đảo đánh bạc, tổ chức đánh bạc…
Nhận cuộc gọi "con đang cấp cứu", phụ huynh cần làm gì?
Theo thượng tá Đào Trung Hiếu, để tránh trở thành nạn nhân, phụ huynh cần nâng cao ý thức cảnh giác, tuyệt đối không dễ tin những gì nghe được, đọc được.
Nếu nhận được cuộc gọi thông báo con em mình bị tai nạn, phụ huynh hãy lập tức truy hỏi: "Anh là ai, làm gì ở trường, dạy ở đâu, lớp nào, có quen giáo viên cùng trường không, số điện thoại hoặc tên hiệu trưởng là gì…?". Với những câu hỏi này, đối tượng sẽ biết mình đang bị kiểm tra, rất dễ lộ ra sơ hở, bởi chúng chỉ có một vài thông tin về học sinh và phụ huynh chứ không thể có toàn bộ những dữ liệu nêu trên.
Phụ huynh cũng có thể gọi điện thoại cho con hoặc cho giáo viên, nếu con không có điện thoại hoặc giáo viên không dùng điện thoại trong giờ dạy thì có thể gọi phòng y tế hoặc đường dây nóng của trường, hoặc trực tiếp đến trường.
Nếu đối tượng nói đã đưa con đến bệnh viện, phụ huynh có thể hỏi là đưa đến bệnh viện nào, khoa nào, rồi có thể gọi vào số đường dây nóng của bệnh viện hoặc khoa đó để hỏi thêm thông tin có đúng không.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần khẩn trương xác minh các vụ việc đã xảy ra; phát thông báo phòng ngừa tội phạm (không chỉ ngành công an mà cả giáo dục, y tế…), triển khai tuyên truyền đến từng cơ sở giáo dục, từng lớp học, từng nhóm phụ huynh học sinh.
Bình luận (0)