Đây là lý giải của Bộ LĐ-TB-XH trong Tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Bộ LĐ-TB-XH trình Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu tháng và lương tối thiểu theo giờ từ 1.7.2022 |
T.HẰng |
Không có căn cứ để tính hệ số bổ sung
Theo tờ trình vừa gửi Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành và một số hiệp hội, cơ quan này giữ nguyên phương án đề xuất về mức lương tối thiểu giờ tăng từ 1.7, chia theo 4 vùng: vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Bộ LĐ-TB-XH cho biết, đây là loại hình lương tối thiểu được quy định mới nhằm triển khai quy định của bộ luật Lao động năm 2019. Các mức lương tối thiểu giờ được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của bộ luật Lao động.
Việc áp dụng phương pháp quy đổi tương đương nêu trên phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta khi lần đầu tiên quy định mức lương tối thiểu giờ, tránh tạo ra sự xáo trộn việc trả lương cho người lao động, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp.
Trước một số ý kiến cho rằng cần xem xét lại phương pháp xác định lương tối thiểu giờ và phải cộng thêm hệ số bổ sung để đảm bảo quyền lợi cho nhóm lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian tại tờ trình, Bộ LĐ-TB-XH lý giải, theo kinh nghiệm quốc tế thì mức lương tối thiểu giờ có thể quy đổi từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật theo 3 cách: quy đổi tương đương, quy đổi cao hơn (có tính thêm hệ số bổ sung) và quy đổi thấp hơn. Nếu quy đổi thấp hơn sẽ không bảo vệ được người lao động.
Tại Việt Nam, pháp luật lao động không quy định phân biệt chế độ giữa người lao động làm việc trọn thời gian (áp dụng lương tối thiểu tháng) và người lao động làm việc không trọn thời gian (áp dụng lương tối thiểu giờ). Do đó, không có căn cứ để tính hệ số bổ sung cộng thêm vào mức lương tối thiểu giờ.
Hơn nữa, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng: “Nếu tính thêm hệ số bổ sung để có mức lương tối thiểu giờ cao hơn thì người lao động sẽ chuyển từ hưởng lương tháng, làm việc trọn thời gian, ổn định sang hưởng lương giờ, tạo ra sự xáo trộn lớn về quan hệ lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và có thể ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc”.
Từ thực tế này, các chuyên gia Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã khuyến nghị Việt Nam chọn phương pháp quy đổi tương đương, nhất là trong lần đầu triển khai quy định về mức lương tối thiểu giờ để tránh xáo trộn, sau đó tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện.
Tăng lương tối thiểu từ 1.7 là cần thiết
Về mức lương tối thiểu tháng và thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất với Chính phủ, việc điều chỉnh lương tối thiểu tháng hiện nay là rất cần thiết, mức điều chỉnh lương tối thiểu tháng tăng 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng).
Thời điểm điều chỉnh từ 1.7. 2022 đã được Hội đồng tiền lương quốc gia, gồm cả đại diện người sử dụng lao động tại T.Ư và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phân tích, thương lượng và thống nhất khuyến nghị với Chính phủ.
Việc xác định mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên dựa trên cơ sở tăng 5,3% để bảo đảm đủ mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ và tăng thêm 0,7% để cải thiện thêm tiền lương cho người lao động. Mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Vì vậy, Bộ LĐ-TB-XH giữ nguyên như dự thảo lấy ý kiến các bộ, ngành trước đó. Các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng, vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng.
Bình luận (0)