Vì sao hòa đàm cho xung đột Ukraine khó xảy ra trong tương lai gần?
Khi một năm bị chi phối bởi xung đột Nga - Ukraine sắp kết thúc, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông sẵn sàng đàm phán hòa bình bất chấp bằng chứng ngược lại. Kyiv và phương Tây cho rằng đó chỉ là cái cớ để kéo dài thời gian, chứng tỏ triển vọng đàm phán trong tương lai gần vẫn còn xa vời.
Tự động phát
“Nga sẵn sàng đàm phán với các bên tham gia vào quá trình này về các giải pháp có thể chấp nhận được”. Đó là phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25.12. Chỉ vài ngày trước đó, ông cũng tuyên bố muốn chấm dứt chiến tranh.
Bình luận của ông đã bị Ukraine và Mỹ bác bỏ và xem đó là động thái không thực lòng. Và dù phía Ukraine cũng tuyên bố để ngỏ khả năng hòa đàm, các điều kiện Kyiv đặt ra cũng khó được Moscow chấp nhận.
Ngay cả khi tỏ ý sẵn sàng đàm phán, nhà lãnh đạo Nga hôm 25.12 đã từ chối đề cập đến Ukraine với tư cách là một bên liên quan và tiếp tục đưa ra lời đề nghị đàm phán trên cơ sở Nga đang phải tự bảo vệ mình khi tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Các binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn pháo binh hạng nặng số 43 bắn một quả đạn từ pháo tự hành 2S7 Pion ở tiền tuyến Bakhmut (Ukraine), ngày 26.12.2022 |
reuters |
Theo báo cáo đánh giá của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW, Mỹ), ông Putin chỉ cho thấy ý muốn thảo luận và đàm phán với phương Tây chứ không phải với Ukraine, vì ông cáo buộc Ukraine chỉ là quân cờ của phương Tây.
ISW nhận định: “Tuyên bố ngày 25.12 của ông Putin là một phần của chiến dịch thông tin cố ý nhằm hướng phương Tây đến việc thúc đẩy Ukraine phải có những nhượng bộ ban đầu”.
Trong khi đó, kể từ cuối mùa hè, Ukraine đã tiến hành một loạt các cuộc phản công mang tính quyết định ở mặt trận miền đông và nam, đẩy lùi các lực lượng Nga và củng cố sự lạc quan của phương Tây rằng Kyiv có thể giành thắng lợi.
Một chiếc xe tăng Nga bị phá hủy ở Yampil (Ukraine), ngày 28.12.2022 |
reuters |
Vì vậy, khó có khả năng Kyiv hoặc phương Tây tính đến chuyện đạt một thỏa thuận mà theo đó Ukraine bị mất lãnh thổ.
Với sự thành công của quân đội Ukraine trong những tháng gần đây, sự đoàn kết trong lập trường của NATO, và mong muốn của Kyiv về việc thiết lập lại biên giới trước năm 2014, có rất ít dấu hiệu cho thấy sẽ có đàm phán dẫn đến hòa bình trong giai đoạn hiện tại.
Một bước ngoặt quyết định trên chiến trường vào năm mới có thể buộc phải thay đổi cách tính toán. Tuy nhiên, tình hình thực địa cho thấy cả Nga và Ukraine đều có vẻ đã sẵn sàng cho một cuộc xung đột kéo dài.
Bình luận (0)