Vì sao ISIS-K lại đối đầu Taliban?

La Vi
La Vi
28/08/2021 11:58 GMT+7

ISIS-K xem Taliban là kẻ thù không đội trời chung vì cho rằng lực lượng này là "bội giáo", quay lưng với tôn chỉ hoạt động của phong trào IS: thiết lập một đế chế Hồi giáo toàn cầu.

ISIS-K đã chính thức nhận trách nhiệm gây ra vụ nổ kép bên ngoài sân bay Hamid Karzai ở Kabul khiến 13 lính Mỹ và hơn 90 người Afghanistan thiệt mạng hôm 26.8. 
Hình thành vào năm 2015, nhóm khủng bố này là một nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hoạt động tại Afghanistan và Pakistan. Đây được xem là nhóm phiến quân Hồi giáo thánh chiến cực đoan và bạo lực nhất tại Afghanistan

Vụ đánh bom liều chết tại sân bay Kabul đã khiến hàng chục người thiệt mạng.

Reuters

ISIS-K có liên quan đến Taliban không? 
Có liên quan gián tiếp. Theo các nhà nghiên cứu, cả ISIS-K và Taliban đều có quan hệ mật thiết với một bên thứ ba là mạng lưới Haqqani
Theo tiến sĩ Sajjan Gohel thuộc Quỹ Châu Á - Thái Bình Dương, “một số cuộc tấn công lớn [vào chính phủ Afghanistan] từ 2019 đến 2021 có sự phối hợp giữa ISIS-K, mạng lưới Haqqani của Taliban và các nhóm khủng bố khác”. 
Khi Taliban chiếm Kabul ngày 15.8, lực lượng này đã thả rất nhiều tù nhân, trong đó có các tay súng IS và al-Qaeda
Nhóm ISIS-K vì sao lại thù địch với Taliban? 
Tuy nhiên, trong các năm qua, ISIS-K và Taliban vẫn coi nhau là đối thủ không đội trời chung. ISIS-K xem Taliban là những kẻ bội giáo quay lưng với thánh chiến vì tham vọng chỉ gói gọn trong việc thành lập chính phủ ở Afghanistan. Điều này đi ngược với tôn chỉ hoạt động của phong trào IS là thiết lập một đế chế Hồi giáo toàn cầu. 
Kể từ khi thành lập, ISIS-K đã ra sức chiêu dụ các thành viên của Taliban, đồng thời nhắm vào các địa bàn hoạt động của Taliban trên khắp Afghanistan. Tuy nhiên, Taliban đã cố gắng ngăn chặn mối đe dọa ISIS-K bằng cách truy lùng và tấn công nhân lực và cơ sở của kẻ thù. Các cuộc đụng độ này thường xảy ra song song với các hoạt động quân sự của Mỹ và Afghanistan chống lại ISIS-K, gây tổn thất lớn cho nhóm này. Có lúc Taliban đã tấn công ISIS-K quyết liệt đến mức nhiều thành viên nhóm này chọn ra đầu hàng quân chính phủ để bảo toàn mạng sống. 
Sau khi chiếm được Kabul, Taliban cũng đã tử hình một cựu lãnh đạo ISIS-K Omar Khorasani khi đó đang bị giam giữ trong một nhà tù của chính phủ. 

Các tay súng ISIS-K.

New York Post

Chiến thắng của Taliban đang đặt áp lực lớn buộc ISIS phải chứng tỏ vị thế của mình trong phong trào thánh chiến toàn cầu. Giới lãnh đạo ISIS-K phản đối Taliban chiếm chính quyền và vì vậy sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công gây hỗn loạn nhằm làm bẽ mặt Taliban và gây khó khăn cho nỗ lực kiểm soát Afghanistan. Điều này sẽ khiến ISIS trở nên nguy hiểm hơn nữa. 
Jennifer Cafarella, một nhà nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Chiến tranh, nói với trang Insider rằng: “Khả năng xuất hiện những trận tấn công gây tiếng vang ở Afghanistan cũng như nỗ lực tấn công tại phương Tây là rất cao trong các tuần tới. ISIS sẽ tìm cách làm xói mòn sự cai quản của Taliban và tấn công tính chính danh tôn giáo của Taliban". 
Tướng Kenneth McKenzie, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, hôm 26.8 xác nhận mối đe dọa từ ISIS là “cực kỳ thực tế”. “Chúng tôi tin rằng ISIS-K muốn tiếp tục tấn công, và chúng tôi dự báo những cuộc tấn công kiểu đó sẽ tiếp diễn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.