Vì sao Khánh Hòa phải lo xử lý sai phạm về đất đai?: Nguy cơ thất thoát 'khủng' từ dự án BT

Hiền Lương
Hiền Lương
19/05/2021 07:06 GMT+7

Để thực hiện hàng loạt dự án hạ tầng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), Khánh Hòa sử dụng nhiều khu đất công có giá trị cao làm vốn đối ứng, nhưng không qua đấu thầu, dẫn đến nguy cơ thất thoát ngân sách.

Những sai phạm liên quan tới đất công của Khánh Hòa đã được Ủy ban Kiểm tra T.Ư và Thanh tra Chính phủ chỉ ra và đã có nhiều cán bộ bị kỷ luật. Đáng nói là đã từng có những sai phạm xảy ra trong thời gian dài nhưng ít được giám sát, phản biện và ngăn chặn kịp thời. Để rồi khi vỡ lở, hậu quả nặng nề và việc giải quyết hậu quả đó như thế nào để không mất tiền ngân sách và kinh tế vẫn phát triển, là điều “đau đầu” nhất của lãnh đạo đương nhiệm tỉnh Khánh Hòa hiện nay.

Bán gần hết đất được giao, hạ tầng đối ứng vẫn chưa hoàn thành

Trong 10 năm qua, Khánh Hòa nổi trội cả nước với 22 dự án BT được cấp phép, cho cơ chế đầu tư. Trong đó có 17 dự án đã ký kết hợp đồng với nhà đầu tư và 5 dự án đã được tỉnh phê duyệt nhưng chưa ký hợp đồng thực hiện.
Khu đất sân bay Nha Trang (cũ) được ví là đất “kim cương” giao cho doanh nghiệp tư nhân không qua đấu thầu, đấu giá ẢNH: HIỀN LƯƠNG

Khu đất sân bay Nha Trang (cũ) được ví là đất “kim cương” giao cho doanh nghiệp tư nhân không qua đấu thầu, đấu giá

ẢNH: HIỀN LƯƠNG

Một trong những sự vụ gây xôn xao nhất là việc UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất sân bay Nha Trang (cũ) làm vốn đối ứng cho Công ty CP tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn; trụ sở xã Tam Phúc, H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) thực hiện các dự án hạ tầng cho tỉnh. Đến nay, Khánh Hòa đã ký hợp đồng BT với Tập đoàn Phúc Sơn làm 3 dự án giao thông (nút giao thông Ngọc Hội; đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội; các tuyến đường, các nút giao thông kết nối với khu sân bay Nha Trang) có tổng mức đầu tư khoảng 3.562 tỉ đồng, dùng hơn 20 ha đất sân bay Nha Trang (cũ) đã giao để làm vốn đối ứng, với giá tạm tính là 3.261 tỉ đồng. Cả 3 dự án giao thông này đều đang chậm tiến độ, trong khi Tập đoàn Phúc Sơn đã làm hạ tầng dự án Trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ tài chính - du lịch Nha Trang với quy mô 1.300 lô đất ở và hàng trăm lô biệt thự đơn lập tại sân bay Nha Trang (cũ).
Đáng nói hơn, dự án BT hạ tầng chưa hoàn thành, quyết toán nhưng đa phần đất tại dự án, Tập đoàn Phúc Sơn đã bán hết từ nhiều năm trước đây. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, hiện nay chủ đầu tư đã bán gần hết quỹ đất đã giao tại sân bay với giá bán trên dưới 100 triệu đồng/m2.
Nguyên nhân tài sản công “bốc hơi” xuất phát từ việc tỉnh Khánh Hòa giao đất, giao dự án cho Tập đoàn Phúc Sơn đều không qua đấu giá, đấu thầu. Một số nguyên cán bộ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa từng góp ý, cảnh báo nguy cơ gây lãng phí, thất thoát trong việc đổi đất làm các dự án BT của Tập đoàn Phúc Sơn. Thậm chí, nhiều cán bộ chủ chốt qua các thời kỳ đã gửi đến lãnh đạo T.Ư tố cáo những sai phạm của địa phương, nhưng sau nhiều lần kiến nghị mới có các cuộc thanh, kiểm tra.

Lấy đất “vàng” đổi dự án “tí hon”

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Mai Xuân Thưởng (TP.Nha Trang) theo hình thức BT chỉ có chiều dài 970 m, nhưng vốn đầu tư lên đến hơn 47 tỉ đồng. Đáng nói, để làm được con đường này, tỉnh Khánh Hòa phải hoán đổi gần 10.000 m2 đất mặt biển tại một khu đô thị ven biển.
Tháng 5.2013, dự án mở rộng đường Mai Xuân Thưởng được UBND tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị hồ sơ pháp lý để thực hiện. Tháng 10.2013, dự án chính thức được bắt đầu và đến tháng 6.2014 thì hoàn thành. Điều kỳ lạ là sau khi đường đi vào hoạt động gần một năm (đến ngày 1.4.2015), UBND tỉnh Khánh Hòa mới ký hợp đồng BT với Công ty CP Khách sạn Bến du thuyền, với giá trị hợp đồng khoảng 47,5 tỉ đồng.
Để hoàn vốn khoản tiền mà chủ đầu tư bỏ ra, từ tháng 10.2015, ông Nguyễn Chiến Thắng, thời điểm đó là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký văn bản thỏa thuận phương án kiến trúc quy hoạch dự án hợp phần 1 - Trung tâm bến du thuyền Hoàng gia (Swisstouches La Luna Resort Nha Trang). Theo đó, Công ty CP Khách sạn Bến du thuyền sẽ được giao đất gồm: khu A (gần 6.000 m2), khu B (hơn 3.800 m2) tại khu đô thị Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang để làm dự án.
Đến ngày 12.4.2016, UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quyết toán dự án BT đường Mai Xuân Thưởng với tổng chi phí hơn 45 tỉ đồng. Chưa đầy 1 tháng sau, tỉnh Khánh Hòa chính thức phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất ở (không hình thành đơn vị ở) cho khu A, B (hơn 9.800 m2) với giá gần 4,7 triệu đồng/m2 để chủ đầu tư hoàn vốn dự án BT. Trong khi đó, bảng giá bán căn hộ tại dự án Swisstouches La Luna Resort Nha Trang được bán ra từ 52 - 58 triệu đồng/m2, trung bình 1,6 - 1,8 tỉ đồng/căn hộ. Với 1.992 căn hộ cao cấp tại dự án Swisstouches La Luna Resort Nha Trang, thì chủ đầu tư có thể thu về trên 3.000 tỉ đồng.
Điều mà dư luận thắc mắc là tại sao giá đất ở mặt tiền hướng biển Nha Trang, nhưng tỉnh Khánh Hòa áp giá chỉ gần 4,7 triệu đồng/m2 cho doanh nghiệp tư nhân để hoàn vốn dự án BT, thấp hơn cả đất đường hẻm trong các khu dân cư. Tại thời điểm sau khi tỉnh Khánh Hòa giao đất, giao dịch bất động sản mặt tiền đường biển khu vực liền kề dự án Swisstouches La Luna Resort Nha Trang có giá trên 200 triệu đồng/m2. Các khu dân cư lân cận dự án cũng đã dao động khoảng 32 - 40 triệu đồng/m2.
Một dự án BT khá đình đám khác liên quan đến Tập đoàn Mường Thanh. Năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Công ty CP đầu tư Thiên Triều thực hiện dự án khu phức hợp Thiên Triều theo hợp đồng BT. Đổi lại, chủ đầu tư xây dựng đường Lý Thái Tổ (H.Cam Lâm) với giá trị quyết toán chỉ 41,2 tỉ đồng. Để hoàn vốn, tỉnh Khánh Hòa đồng ý giao khu đất rộng hơn 22.000 m2 thuộc P.Vĩnh Phước (TP.Nha Trang) cho nhà đầu tư. Khu đất này có vị trí trực diện biển đường Phạm Văn Đồng, nhưng chỉ được định giá trung bình 1,8 triệu đồng/m2, thời gian sử dụng 50 năm.
Do Công ty CP đầu tư Thiên Triều chậm nộp tiền thuê đất nên ngày 21.10.2015, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thời điểm đó, ký quyết định thu hồi lô đất trên của Công ty CP đầu tư Thiên Triều và giao Công ty CP đầu tư Viễn Triều Nha Trang. Sau đó, Tập đoàn Mường Thanh mua lại cổ phần từ Công ty CP đầu tư Viễn Triều Nha Trang để tiếp tục thực hiện dự án BT và xây dựng khu phức hợp với tên gọi mới là Mường Thanh Viễn Triều. Hiện nay, Tập đoàn Mường Thanh đã xây dựng lên đây tổ hợp căn hộ, khách sạn với hàng ngàn căn và đã bán xong.
Liên quan đến dự án này, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Công an tỉnh Khánh Hòa xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định một số nội dung: chuyển giá trị quyết toán dự án và thay đổi chủ đầu tư từ Công ty CP đầu tư Thiên Triều sang Công ty CP đầu tư Viễn Triều Nha Trang nhưng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ; xác định giá đất không đúng phương pháp và tỷ lệ phần trăm, nên giá đất đã được xác định là không đủ căn cứ pháp luật; không tổ chức thu số tiền thuê đất 11,21 tỉ đồng… (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.