Vì sao không nên vừa chạy bộ vừa cầm điện thoại?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
14/10/2019 08:29 GMT+7

Điện thoại có thể cung cấp cho người chạy bộ rất nhiều tiện ích, từ việc nghe nhạc đến theo dõi lộ trình và thời gian chạy. Nhưng thói quen vừa cầm điện thoại vừa chạy lại có thể gây chấn thương.

Không những cầm điện thoại mà việc cầm bất kỳ vật dụng nào trên tay khi chạy, chẳng hạn như chai nước, cũng có thể làm tăng nguy cơ chấn thương, theo MSN.
Cầm vật nào đó trên một tay có thể dẫn đến sự mất cân bằng của cơ thể khi chạy, khiến các cơ ở hông, chân và vai bị căng mỏi.
Thay vào đó, nếu có mang theo điện thoại khi chạy thì mọi người nên mang ở thắt lưng thay vì cầm trên tay, huấn luyện viên điền kinh người Anh, bà Alexa Duckworth-Briggs, cho biết.
“Khi bạn cầm thứ gì đó trong tay, nó sẽ gây ra sự mất cân bằng của vận động cơ bắp, ảnh hưởng đến việc phân bổ trọng lượng trên cơ thể và làm giảm hiệu suất tập luyện”, bà Alexa giải thích.
Khi tình trạng mất cân bằng vận động cơ bắp xảy ra thường xuyên, từ ngày này qua ngày khác, sẽ khiến cơ bị căng mỏi. Những nhóm cơ ở chân, hông và vai đặc biệt dễ bị ảnh hưởng. Điện thoại càng lớn và nặng thì cơ càng bị căng mỏi.
Vì khi chạy, tay chúng ta sẽ đánh tay lên xuống. Ban đầu, việc cầm điện thoại trên tay trong tư thế chạy như vậy sẽ không ảnh hưởng gì. Nhưng trong vòng 30 phút tập luyện, người chạy bộ có thể đánh tay lên xuống cả nghìn lần.
Lúc này, chiếc điện thoại trên tay có thể trở nên nặng hơn. Tay sẽ phải dùng lực nhiều hơn và dẫn đến mất cân bằng khi chạy. Để giữ thăng bằng, một số nhóm cơ khác sẽ phải gồng lên, gây mỏi cơ và làm tăng nguy cơ chấn thương, té ngã.
Một nguyên nhân khác nữa mà mọi người không nên cầm điện thoại khi chạy là rất dễ đánh rơi điện thoại. Do đó, cách tốt là nên dùng bao da hay phụ kiện nào đó để mang điện thoại ở thắt lưng, theo MSN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.