Vì sao miền Nam nắng nóng, miền Bắc giông sét?

06/06/2024 06:28 GMT+7

Nắng nóng quay trở lại Nam bộ và kéo dài cả tuần ngay trong mùa mưa trong khi miền Bắc lại đón mưa to, đặc biệt hàng chục ngàn cú sét.

Nắng rát quay lại trong mùa mưa

Tại TP.HCM, từ cuối tuần trước nắng nóng đã bắt đầu quay trở lại, sức nóng vào giữa trưa rất mạnh, gây cảm giác rát da. Tuy có một số thời điểm trong ngày cường độ nắng giảm nhờ mây đen xuất hiện nhưng không khí oi bức, ngột ngạt vẫn kéo dài đến tối. Đơn cử trong ngày 4.6, thời điểm hơn 20 giờ nhiệt độ đo được là 32 độ C, chiều tối là 36 độ C và ngoài trời buổi trưa nhiệt độ cảm nhận lên tới 40 độ C. 

Chị Nguyễn Minh An, ngụ Q.3, kể: "Mấy ngày đầu tuần tôi có việc phải ra đường vào đầu giờ chiều. Chỉ loanh quanh khu vực trung tâm thành phố chừng hơn 30 phút mà nắng gắt đến hoa cả mắt, thậm chí choáng nhẹ. Không khí oi bức nên có cảm giác đến thở cũng khó khăn. Đến 6 - 7 giờ tối vẫn thấy ứng dụng thời tiết trên điện thoại báo 32 - 33 độ C. Thông thường thì mỗi khi nóng bức người ta cần có những cơn gió mát xua đi cái nóng nhưng đặc biệt là những ngày qua gió cũng mang theo hơi nóng nên càng khó chịu. Ngoài những lúc phải ra đường thì phần lớn thời gian còn lại trong ngày vẫn phải sử dụng máy lạnh để làm dịu đi cái nắng nóng".

Ảnh 1.jpg

Nam bộ vẫn xuất hiện nắng nóng kéo dài trong mùa mưa

Chí Nhân

Nhiều người dân thành phố cũng cảm thấy bất ngờ vì nắng nóng gay gắt quay trở lại ngay trong mùa mưa và kéo dài nhiều ngày liên tiếp. Anh Trần Văn Toàn, ngụ Q. Bình Thạnh, thắc mắc: "Tôi cứ nghĩ là đã vào mùa mưa thì nắng nóng chỉ một, hai ngày rồi hết chứ không ngờ đã kéo dài liên tục 4 - 5 ngày. Đáng nói, nếu trước đây ở TP.HCM ban ngày nắng nóng đến đâu thì chiều tối sẽ dịu lại thì nay đến 4 giờ chiều mà nhiệt độ vẫn ở mức 36 độ C. Buổi tối ngồi trong nhà mà mồ hôi rịn ra nếu không mở máy lạnh".

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết trong những ngày qua khu vực Nam bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Mức nhiệt cao nhất ghi nhận ở Biên Hòa (Đồng Nai) lên đến 37,3 độ C, còn tại TP.HCM nhiệt độ lên tới 37 độ C. Khu vực ĐBSCL, nắng nóng với mức nhiệt lên tới 36,8 độ C ghi nhận đồng thời ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) và Châu Đốc (An Giang). Nắng nóng có khả năng kéo dài đến ngày 8.6.

Nam bộ nắng nóng kéo dài đến cuối tuần

Th.S Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ thông tin: Nắng nóng quay trở lại Nam bộ là do trên cao, áp cao cận nhiệt đới hoạt động mạnh và có trục vắt qua nam Trung bộ và Nam bộ. Áp cao này là nguyên nhân làm cho trời ít mây, nên ban ngày nhiệt độ cao, đồng thời nó cũng khống chế quá trình mạnh lên của gió tây nam trên khu vực Nam bộ. Gió tây nam không phát triển mạnh lên được nên ít mưa, nắng lại có điều kiện phát triển mạnh.

Chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan thông tin thêm: Hiện nay mới là đầu mùa nên lượng mưa còn hạn chế, khiến nền nhiệt chung chưa giảm mạnh. Đến khoảng tháng 7, mưa xuất hiện nhiều hơn và liên tục thì nắng nóng sẽ giảm và nền nhiệt cũng hạ thấp. Bên cạnh đó, hiện nay độ ẩm trong không khí cao nên sự chuyển pha của hơi nước cũng sản sinh ra nhiệt lượng góp phần làm bầu không khí nói chung thêm oi bức. Ngoài ra, tại một đô thị lớn như TP.HCM, do mức độ đô thị hóa cao, phương tiện giao thông và sản xuất phát triển mạnh nên sản sinh rất nhiều nhiệt lượng thải vào bầu khí quyển. Những yếu tố này làm cho nhiệt độ cảm nhận ở TP.HCM luôn cao hơn nhiệt độ khí tượng rất nhiều. Đây chính là hiện tượng mà giới khoa học khí tượng gọi là "đảo nhiệt".

Ảnh 2.jpg

Miền Bắc mưa to, giông sét đặc biệt nhiều trong năm 2024

Tuấn Minh

Miền Bắc mưa to, giông, sét nhiều vì sao?

Hôm qua, nhiều tỉnh/thành ở miền Bắc mưa to. Đáng nói tại TP.Hà Nội, cơn mưa lớn sáng 5.6 kéo dài đã gây ngập lụt tại nhiều tuyến đường như: Hoàng Quốc Việt (Q.Cầu Giấy); Nguyễn Trãi, Vành đai 3, Triều Khúc, Lương Thế Vinh (Q.Thanh Xuân)... có đoạn nước cao lút cả bánh xe máy. Đặc biệt, một số tuyến phố ngập sâu 40 - 50 cm như Triều Khúc, Lương Thế Vinh đã làm hàng loạt phương tiện chết máy, nước mưa cũng tràn vào nhà dân.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết tại miền Bắc và khu vực bắc Trung bộ mưa to đến rất to xảy ra ở nhiều nơi. Tính đến 14 giờ ngày 5.6, lượng mưa trong 24 giờ đo được tại một số nơi ở mức rất cao như: Bản Giang (Lai Châu) là 220,4 mm, Bản Qua (Lào Cai) là 306,4 mm, Phan Thanh (Yên Bái) là 236,4 mm, Xuân Minh (Hà Giang) là 203,4 mm, Lòng Dinh (Quảng Ninh) là 212 mm… Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất có thể uy hiếp đến tính mạng người dân và gây tắc nghẽn giao thông cục bộ; mức độ rủi ro thiên tai ở cấp độ 1.

Đặc biệt, sáng 5.6 cơ quan chức năng ghi nhận lượng sét đặc biệt nhiều, lên tới hàng chục ngàn cú giông sét. Ông Nguyễn Đức Phương, Trưởng phòng Radar thời tiết, Trung tâm mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia (Bộ TN-MT), cho biết: Hà Nội và các vùng lân cận như Hải Dương, Hưng Yên đã xuất hiện tổng cộng 10.511 cú sét, trong đó 7.153 cú sét đánh xuống đất. Thời điểm nhiều sét nhất là từ 7 - 8 giờ với 2.855 cú sét đánh xuống đất, trung bình cứ 10 phút có 475 cú sét. Thậm chí, có thời điểm trong 1 giây có tới 10 cú sét được ghi nhận (lúc 8 giờ 25 phút 47 giây).

"Với trung bình 475 cú sét/ 10 phút là hoàn toàn bình thường. Trước đó trong tháng 5, cũng xuất hiện 2 đợt giông sét mạnh ở đồng bằng Bắc bộ. Đợt 1, lúc 15 - 18 giờ ngày 19.5 tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam; trong đợt này vào cao điểm có đến 3.040 cú sét/10 phút. Một đợt khác xảy ra tại Yên Bái lúc 17 - 19 giờ ngày 30.5", ông Phương nói.

Sét đánh xuống đất 475 lần trong 10 phút ở Hà Nội là 'bình thường'

Giải thích nguyên nhân sét đặc biệt nhiều bất ngờ xuất hiện trên khu vực Bắc bộ, chuyên gia Lê Thị Xuân Lan cho biết: Do rãnh thấp gió mùa vắt ngang qua miền Bắc và khu vực Hà Nội. Những năm trước, rãnh thấp này nằm dọc sông Trường Giang (Trung Quốc) gây mưa to và lũ lụt nghiêm trọng cho nhiều địa phương ở nước này. Năm nay nó dịch chuyển xuống phía nam và ảnh hưởng đến miền Bắc nước ta. Dọc theo rãnh thấp này là một chuỗi những ổ mây giông liên kết với nhau tạo ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa to, giông, sét liên tục. Rãnh thấp này có thể tiếp tục phát triển mạnh hơn trong tháng 6 - 7, gây mưa lớn, giông, sét và lũ lụt trên một khu vực rộng lớn kéo dài vài trăm ki lô mét. Chính vì vậy người dân cần hết sức lưu ý phòng tránh các hiện tượng thời tiết cực đoan trong thời gian tới.

Theo dõi cảnh báo sét ở đâu ?

Trung tâm mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia đang vận hành hệ thống mạng lưới phát hiện, định vị, sét hiển thị trên website hymetnet.gov.vn. Trang web này có thể theo dõi liên tục các thông tin về sét và radar thời tiết. Người dân có thể theo dõi các cảnh báo nguy cơ sét trên trang web và các vùng cảnh báo phản hồi vô tuyến mây của radar thời tiết để phòng tránh các rủi ro do giông sét gây ra.

La Nina xuất hiện nhưng nhiệt độ vẫn tăng

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết có đến 60% La Nina sẽ xuất hiện trong thời gian từ tháng 7 - 9 tới. Tuy nhiên, bà Ko Barrett, Phó tổng thư ký WMO, nhận định: Thời tiết sẽ tiếp tục khắc nghiệt hơn do nhiệt độ và độ ẩm tăng thêm trong bầu khí quyển. Trong 9 năm qua, nhiệt độ trái đất liên tục ấm lên ngay cả khi có La Nina xuất hiện và kéo dài từ 2020 - 2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.