Vì sao Nga quan tâm đến Ukraine?

24/01/2022 06:45 GMT+7

Ukraine trở thành tâm điểm căng thẳng trong quan hệ của Nga với phương Tây sau khi cả hai bên tung ra nhiều tuyên bố cứng rắn, và hành động tăng cường hàng vạn binh sĩ Nga ra sát biên giới với Ukraine.

Dưới đây là 3 lý do giải thích vì sao ông Putin lại rất quan tâm đến vấn đề của Ukraine và kiên quyết đối đầu trong vấn đề này.

Lịch sử

Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Nga mất đi sự kiểm soát đối với 14 nước Cộng hoà. Nhưng trong số đó, Ukraine có lẽ là mất mát cay đắng nhất với Nga.

Nhiều người Nga cảm thấy giữa mình và Ukraine tồn tại một mối liên kết mà họ không cảm nhận được đối với các quốc gia khác thuộc khối Liên Xô cũ.

Hai quốc gia vốn đã có mối liên hệ từ thế kỷ thứ 9 và sử dụng ngôn ngữ gần giống nhau.

Ông Putin đã từng nói rằng người Nga và Ukraine là cùng một dân tộc, cùng chia sẻ một “không gian lịch sử và tinh thần duy nhất”.

Địa chính trị

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã mở rộng về phía đông bằng cách tiếp nhận 14 quốc gia mới vào tổ chức phòng thủ chung, bao gồm các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Nga xem đây là xâm phạm có tính đe dọa hướng về biên giới của họ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng: “Việc Mỹ NATO xây dựng lực lượng quân sự sát biên giới Nga là một mối quan ngại lớn”.

Dù chưa phải là thành viên của NATO, nhưng Ukraine đã được hứa hẹn sẽ được cho gia nhập.

Kể từ khi cựu Tổng thống Viktor Yanukovych, người có khuynh hướng thân Nga, bị lật đổ vào năm 2014,

Ukraine càng ngày càng tiến gần hơn về phía của phương Tây, và đã tổ chức tập trận chung với NATO.

Ông Putin nói rằng mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Ukraine và NATO có thể biến nơi này trở thành bệ phóng cho tên lửa NATO nhắm vào Nga.

Ông muốn có sự đảm bảo về vấn đề an ninh từ phía phương Tây, bao gồm việc huỷ bỏ lời hứa cho Kiev gia nhập vào NATO.

Suy nghĩ và động lực của ông Putin

Trong cương vị lãnh đạo, có thể Tổng thống Putin xem một nước Ukraine thân phương Tây là mối đe dọa vì có thể "tạo cảm hứng" cho những nhóm phản đối trong nước.

Với việc buộc phương Tây phải bán tín bán nghi về khả năng Nga đưa quân vào Ukraine, Tổng thống Putin đã đưa Nga lên vị trí ưu tiên trong nghị sự quốc tế và buộc Tổng thống Joe Biden phải tham gia một hội đàm video vào tháng 12.2021.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, ông Putin bày tỏ sự tiếc nuối về sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết và cũng như sự biến mất của “nước Nga lịch sử”.

Một số nhà phân tích cho rằng những tuyên bố như vậy cho thấy ông Putin có thể đang xem Ukraine là “một việc chưa hoàn thành” và vẫn muốn đặt Ukraine trong tầm ảnh hưởng của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.