Vì sao ngày tết lại đánh nhau nhiều?

Thanh Nam
Thanh Nam
26/01/2023 13:55 GMT+7

Năm nào cũng vậy, hễ đến tết, những vụ ẩu đả xảy ra rất nhiều. Nhưng vì sao ngày tết lại đánh nhau nhiều?

Sốc với hàng ngàn vụ đánh nhau dịp tết

Chỉ trong 4 ngày nghỉ tết Quý Mão, gần 92.300 trường hợp cấp cứu, trong đó 1.983 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, 9 trường hợp tử vong.

Cũng thực trạng này, tết 2022, chỉ trong 6 ngày từ 29 đến mùng 5 tết, cả nước có gần 2.900 ca cấp cứu do đánh nhau, trong đó có 195 trường hợp tử vong.

Hay trước đó, vào thời điểm tết 2021, cả nước đã có 2.778 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, trong số đó có 1.173 ca phải nhập viện điều trị, theo dõi và 7 trường hợp tử vong.

Những cái tết từ năm 2020 trở về trước cũng tương tự. Hễ tết đến, lại có hàng ngàn ca cấp cứu vì đánh nhau với không ít thương vong.

Theo chuyên gia tâm lý Vũ Nhật Thịnh (Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, TP.HCM), những con số không biết nói dối. "Qua những số liệu ấy có thể thấy dịp tết đến hiện tượng đánh nhau hình như xảy ra nhiều hơn", ông Thịnh nói.

Nhìn lại những con số hàng ngàn vụ đánh nhau mỗi dịp tết, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh Tuyết (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cũng thốt lên: "Quá bất ngờ. Tết lẽ ra là dịp vui vẻ. Nhưng những câu chuyện buồn lại xuất hiện. Mọi người lại lao vào ẩu đả, đánh nhau nhiều hơn".

Còn chuyên gia tâm lý Huỳnh Thanh Hoa (Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm, TP.HCM) thì chia sẻ: "Cảm thấy sốc khi ngày tết lại xô xát, đánh nhau nhiều. Đây là hiện tượng nhức nhối và thật sự đáng báo động".

Nhóm thanh niên ở Quảng Ngãi bị bắt sau khi đánh người vào dịp Tết Quý Mão này

C.T.V

Vì đâu nên nỗi?

Theo bà Tuyết, lối hành xử hung hãn, lạm dụng bạo lực, dùng "nắm đấm" để giải quyết vấn đề, đặc biệt là vào dịp tết thể hiện một bộ phận người dân, trong đó có giới trẻ thiếu kỹ năng sống một cách trầm trọng.

Nếu như được trang bị đầy đủ kỹ năng sống thì khi gặp chuyện, ví dụ như va quẹt giao thông, xảy ra xung đột, hiềm khích... mỗi người có cách để dằn lòng xuống, có cách xử sự tế nhị, nhẹ nhàng, êm đẹp. "Nhưng thực tế ngược lại. Chỉ vì những tranh cãi, mâu thuẫn nhỏ nhặt, họ cũng lao vào "ăn thua đủ" với nhau", bà Tuyết nói.

Chuyên gia tâm lý Huỳnh Thanh Hoa kể chuyện vừa xảy ra ở quê mình (H.Cần Đước, Long An), sau khi ngà ngà men rượu, một nhóm thanh niên lưu thông trên đường. Thoáng thấy nhóm trạc tuổi đi ngược chiều, nhóm thanh niên này đã bị "ma men dẫn lối" để rồi kiếm chuyện, gây gổ và dẫn đến đánh nhau khiến hai người phải nhập viện.

"Ngày tết uống bia rượu quá đà, không kiểm soát, không làm chủ được bản thân cũng là nguyên nhân khiến các sự vụ đánh nhau xảy ra nhiều", bà Hoa phân tích.

Cũng theo bà Hoa, vấn nạn karaoke tự phát tồn tại quanh năm suốt tháng, nhưng vào dịp tết thì lời ca tiếng hát vang vọng nhiều hơn từ làng trên đến xóm dưới. Có những người hát cả ngày lẫn đêm khiến người khác không hài lòng. Để rồi mâu thuẫn bắt nguồn từ đây và dẫn đến cự cãi, đánh nhau.

Nhiều vụ đánh nhau ngày tết có nguyên nhân từ những cãi vã trong những canh bạc đỏ đen

X.P

Ông Thịnh cho rằng vào dịp tết, ở nhiều địa phương trên cả nước vẫn còn xuất hiện tệ nạn cờ bạc đỏ đen với các hình thức bầu cua tôm cá cho đến xóc đĩa, đá gà, đánh bài... "Những người thắng đắc chí, những người thua điên đầu. Sự đối lập trong tâm lý của hai bên như thế dễ khiến xảy ra xung đột. Và từ một câu nói có thể "châm lửa" thành một cuộc đánh nhau. Tôi nghĩ, trong 1.983 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau vào tết 2023 này có những trường hợp đánh nhau vì cãi cọ trong những chiếu bạc", ông Thịnh phân tích.

Vị chuyên gia tâm lý này cũng nói thêm: "Câu chuyện ép uống cũng là nguyên nhân khiến xảy ra mâu thuẫn. Khi bên nào cũng "sừng sừng", cũng "ngà ngà say" thì họ dễ nổi quạu, thích đụng tay đụng chân để hành hung lẫn nhau".

Cũng theo các chuyên gia tâm lý, truyền thống kính trên nhường dưới đang bị một bộ phận người trẻ ngó lơ, thế nên trong nhiều vụ đánh nhau, người nhỏ tuổi không chùn tay mà đánh cả người cao tuổi...

Nhiều vụ đánh nhau ngày tết xuất phát từ nguyên nhân... karaoke tự phát

Đ.T

Người trẻ hung hăng hơn?

Ông Thịnh nói thêm: "Không thể phủ nhận một thực tế, một bộ phận người trẻ hiện nay dường như hung hăng hơn. Vì không biết ứng xử nên đã hành xử như côn đồ. Gặp bất kể chuyện gì cũng lôi nắm đấm ra nói chuyện. Rất nhiều câu chuyện thực tế cho thấy vì những mâu thuẫn rất nhỏ, nhưng có người lại dùng những hung khí để đoạt mạng người khác. Đây là điều hết sức đáng buồn".

Bà Hoa nói thêm: "Cuộc sống ngày càng gấp gáp và đầy rẫy những áp lực bủa vây, khiến con người luôn muốn sống nhanh, sống vội. Khi gặp bất kỳ vấn đề gì, họ cũng muốn giải quyết một cách nhanh, gọn, lẹ. Nghĩa là khi có hiềm khích, mâu thuẫn, họ không muốn tốn thời gian để giải thích, nói chuyện nhẹ nhàng... mà lao vào choảng nhau. Cứ nhìn xem ngoài đời, có vô số vụ chỉ vì những va quẹt nhỏ mà hai bên rút dây nịt, tháo nón bảo hiểm để đánh đối phương. Thiết nghĩ, cần sống chậm lại, đặc biệt là với giới trẻ".

"Ngoài ra, việc ngày tết lại đánh nhau nhiều còn vì nguyên nhân là không ít người trẻ có tính hiếu chiến, ra vẻ. Nhất là khi đi với bạn bè, đặc biệt là người yêu, muốn tỏ vẻ nên thể hiện sự hiếu chiến. Họ không nhượng bộ trong những mâu thuẫn, họ muốn đánh đối phương để chứng minh bản thân hơn người khác. Để rồi, các vụ đánh nhau xảy ra nhiều hơn", bà Hoa chia sẻ thêm.

Chặn thực trạng này bằng cách nào?

"Mỗi người hãy trau dồi kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, hãy hoàn thiện nhân cách của bản thân để trở thành một con người có văn hóa. Và hơn hết, hãy hiền hòa, khoan dung, biết yêu thương người khác", Đặng Thị Mỹ Thanh, giáo viên môn giáo dục công dân, Trường THPT Trung Phú (TP.HCM).

"Mỗi người hãy rèn luyện cho bản thân một tính cách. Đó là nhường nhịn. Nhường nhịn sẽ là chìa khóa tháo gỡ vấn nạn đánh nhau vào ngày tết", Huỳnh Thanh Nhị, giáo viên môn giáo dục công dân, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (tỉnh Quảng Ngãi).

"Vào dịp tết, lẽ ra phải cư xử có văn hóa thì nhiều người lại đánh nhau. Tại sao phải đánh nhau để biến bản thân trở thành người hung hãn, lưu manh, côn đồ và coi thường pháp luật? Hãy biết kiểm soát cảm xúc bản thân, hãy tuân thủ luật pháp. Có như vậy thì nạn đánh nhau vào ngày tết sẽ giảm theo thời gian", Nguyễn Lê Đỗ Thảo, giáo viên dạy môn giáo dục công dân, Trường THCS Nguyễn Du (Gia Lai).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.