Vì sao nhiều bạn trẻ cố trì hoãn công việc?

11/11/2022 15:43 GMT+7

Nhiều người trẻ thường mắc phải “căn bệnh” trì hoãn khi lên kế hoạch nhưng không bắt tay vào làm ngay. Việc “nuông chiều” bản thân quá mức đã và đang kìm hãm sự phát triển của người trẻ.

Lên kế hoạch rồi để đó…

Trì hoãn là việc người trẻ hay có thói quen chần chừ, rề rà, trốn tránh công việc. Nhiều người lên kế hoạch rất cụ thể nhưng hẹn tới hẹn lui không chịu hành động. Thói quen trì hoãn bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất, có thể là trì hoãn trong việc tập thể dục, trì hoãn việc học, trì hoãn việc đọc sách, trì hoãn trong công việc… thói quen này hình thành lâu dài dần sẽ kìm hãm sự phát triển của người trẻ.

Thói quen trì hoãn đang kìm hãm sự phát triển của người trẻ

THẢO PHƯƠNG

Trì hoãn dường như đã trở thành “căn bệnh” chung của rất nhiều người. Đang làm việc tại bệnh viện Đa khoa Gia đình Đà Nẵng, Võ Thị Tố Nga (24 tuổi) cho biết cô là kiểu người “trùm” trì hoãn, mặc dù biết rõ khi trì hoãn, khối lượng công việc dồn vào nhiều sẽ không thể giải quyết hết.

“Tính trì hoãn đã ăn sâu vào trong người mình, lúc còn đi học thì gần sát ngày thi mới cắm đầu vô học bài, bình thường trong sinh hoạt thì trì hoãn việc tập thể dục. Việc trì hoãn khiến mình hối hận nhất là học ngoại ngữ nên mặc dù đã đi làm rồi nhưng mình vẫn chưa có chứng chỉ tiếng Anh”, Nga nói.

Trong học tập, nhiều bạn trẻ thường có thói quen để “nước tới chân mới nhảy”. Đang là sinh viên năm 4 Trường ĐH Kinh tế - Luật, Nguyễn Thị Thanh Hằng cho hay: “Bình thường giảng viên giao bài tập lớn sẽ cho thời gian từ một tuần tới nửa tháng, nhưng lúc nào mình cũng trì hoãn để sát ngày nộp bài mới chịu làm. Việc làm bài gấp gáp khiến mình làm không tốt và dẫn đến kết quả không như mong muốn”.

Là sinh viên năm cuối Trường ĐH Luật TP.HCM, mặc dù sắp ra trường nhưng vì trì hoãn nên vẫn chưa có bằng tiếng Anh khiến Huỳnh Ngọc Mẫn không khỏi lo lắng: “Mình đang rất hối hận vì đã không đầu tư học tiếng Anh sớm hơn. Bây giờ năm cuối chương trình học nặng hơn và mình cũng sắp đi thực tập nhưng bằng ngoại ngữ thì chưa có. Việc này sẽ ảnh hưởng tới việc thực tập của mình và có thể mình sẽ ra trường không đúng hạn”.

Không chỉ trong học tập, người trẻ còn trì hoãn cả trong công việc: “Một tháng trước mình vừa bỏ lỡ cơ hội có được một công việc tốt vì chần chừ không gửi hồ sơ xin việc sớm hơn. Bây giờ đã đi làm ở công ty khác nhưng tính trì hoãn vẫn “báo hại” mình. Mình hay có thói quen để mai làm vì nghĩ việc không gấp nhưng lúc sếp hỏi thì vẫn chưa làm xong”, đó là chia sẻ của Trần Ngọc Ánh Trúc (22 tuổi), đang làm việc tại một công ty truyền thông ở Q.7.

Vì sao cứ trì hoãn?

Vậy lý do vì sao ngày càng có nhiều người trẻ “mắc bệnh” trì hoãn? Trả lời cho câu hỏi này, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Khoa Xã hội và nhân văn, Trường ĐH Văn Lang lý giải: “Có rất nhiều lý do dẫn đến sự trì hoãn. Về khách quan, có thể công việc cần làm quá khó khiến cá nhân chưa thể tìm ra phương án giải quyết hiệu quả trong thời gian ngắn. Vì thế người trẻ cần nhiều thời gian hơn để suy nghĩ tìm giải pháp. Cũng có thể vì các bạn còn trẻ, năng động nhiệt huyết nên được nhiều người tin tưởng giao phó nhiều đầu việc trong cùng một lúc khiến họ không thể “ba đầu sáu tay” để hoàn thành đúng hạn. Hoặc thậm chí, bản thân người trẻ thiếu những trải nghiệm thực tế nên khi nhận lãnh những nhiệm vụ, công việc sẽ không thể nào “lường” hết những tình huống phát sinh gây ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành kế hoạch”.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Khoa Xã hội & nhân văn, Trường ĐH Văn Lang

nvcc

Theo thạc sĩ Đào Lưu, việc trì hoãn cũng xuất phát từ bản thân người trẻ: “Họ chưa tìm thấy động lực, ý nghĩa để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu công việc. Sự lười biếng, tâm lý ỷ lại với tư tưởng “có trễ xíu chắc cũng không sao” cũng là yếu tố dẫn đến sự trì hoãn. Hoặc bản thân người trẻ không có một kỷ luật khắt khe với bản thân, làm việc tùy hứng. Tóm lại, có thể thấy dù là lý do khách quan hay chủ quan thì nếu bản thân người trẻ không có những nỗ lực, sự khắt khe và kỹ năng hoạch định thì rất dễ có thói quen trì hoãn”.

Nếu cứ tiếp tục trì hoãn, bạn sẽ hối hận…

Thói quen trì hoãn kéo dài sẽ gây ra rất nhiều hệ quả xấu. Thạc sĩ Đào Lưu cho biết ảnh hưởng dễ thấy nhất của thói quen trì hoãn là không hoàn thành nhiệm vụ, công việc đúng tiến độ, trong một số trường hợp sẽ bị điểm kém, rớt môn (nếu còn đi học) và có thể bị khiển trách, mất việc (nếu đã đi làm). Một người có thói quen trì hoãn sẽ mất đi sự tin tưởng của người khác. Hơn nữa, đôi lúc sự trì hoãn sẽ làm ta mất đi những cơ hội, như: tốt nghiệp sớm, được nhận vào làm ở những nơi tốt hoặc cơ hội tăng lương, thậm chí là nhận được cái gật đầu đầu ý của người mà ta thương thầm bấy lâu.

Vậy cần làm gì để loại bỏ “căn bệnh” trì hoãn này? Thạc sĩ Đào Lưu cho biết: “Để khắc phục thói quen trì hoãn thì trước tiên phải xác định nguyên nhân của nó nằm ở đâu. Nếu là nguyên nhân chủ quan thì cần phải đặt ra những kế hoạch, kỷ luật nghiêm khắc với chính mình. Luôn tự tạo động lực hoàn thành công việc đúng hạn cho bản thân bằng những hình thức tự thưởng. Tác phong làm việc chuyên nghiệp, không tùy hứng. Chế độ nghỉ ngơi, thư giãn và đảm bảo một sức khỏe tốt về mặt thể chất và tinh thần cũng góp phần loại bỏ thói quen trì hoãn”.

Thạc sĩ Đào Lưu cũng nói thêm: “Nếu nguyên nhân trì hoãn xuất phát từ các yếu tố bên ngoài, chúng ta không thể nào loại bỏ được mà chỉ có thể làm giảm đi ảnh hưởng của nó. Ví dụ: bạn có thể sắp xếp công việc, phân chia thời gian hợp lý hơn. Biết từ chối nếu năng lực của bản thân có giới hạn. Quan trọng nhất, bạn hãy luôn không ngừng học hỏi và trau dồi bản thân để nâng cao năng lực của chính mình”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.