Vì sao nhiều người 'chịu khổ' đưa thú cưng về quê ăn tết?

Phan Diệp
Phan Diệp
07/02/2024 09:53 GMT+7

Ở TP.HCM, dịch vụ nhận giữ thú cưng để chủ nhân an tâm về quê ăn tết rất nhiều. Tuy vậy, nhiều người chấp nhận chi thêm tiền và thời gian di chuyển để đưa bằng được thú cưng về quê cùng mình. Lý do vì sao?

"Phải đưa thú cưng về quê ăn tết"

2 tháng trước tết, Trần Thị Diệu (28 tuổi, ở TP.Thủ Đức) bắt đầu tìm cách đưa chú chó cưng tên Xù về quê ăn tết cùng mình. Đầu tiên, Diệu lên mạng xã hội, vào các hội nhóm tìm hiểu các dịch vụ vận chuyển thú cưng. Cô gái cho biết, từ tàu hoả, xe khách, cho đến máy bay đều có dịch vụ vận chuyển thú cưng. Mỗi phương tiện lại có ưu, nhược điểm khác nhau.

Nếu đi tàu, cô gái có thể mang Xù theo nhưng phải đảm bảo vệ sinh. Sợ chú chó làm ảnh hưởng đến người khác nên Diệu không chọn cách này. Nếu đi xe khách giường nằm, Xù sẽ được nhốt trong lồng, đặt dưới gầm xe như những kiện hành lý. Thương chó cưng của mình vất vả, cô quyết định loại phương án này.

Vì sao nhiều người 'chịu khổ' đưa thú cưng về quê ăn tết?- Ảnh 1.

Chú chó Xù được chủ nhân chở đi spa cắt lông trước khi về quê ăn tết.

Phan Diệp

Mọi năm, Diệu về quê bằng máy bay. Vì thế, cô cũng thử tìm hiểu dịch vụ vận chuyển thú cưng đường hàng không. Vé máy bay dành cho người dịp tết vốn dĩ đã đắt. Tiền vận chuyển thú cưng cũng gần bằng vé một người, chưa kể phải sắm lồng chuyên dụng… Chi phí đi lại tốn gấp đôi, Diệu tưởng chừng hết cách.

May mắn, trong quá trình tìm hiểu, Diệu đọc được thông báo tìm người đi chung xe hơi 4 chỗ về Quảng Nam dịp tết nên đã liên hệ ngay. Với mức giá chỉ hơn 1 triệu đồng, lại có thể ôm Xù trong lòng, Diệu quyết định chịu vất vả.

Theo kế hoạch, công ty của Diệu đến ngày 27 tháng chạp mới nghỉ tết nhưng cô xin phép về sớm hơn. Cận tết, Diệu chuẩn bị một số vật dụng quan trọng như tã, thức ăn nhanh, dây xích… cho chó để chuẩn bị về quê. Chiều 26 tết, Diệu cùng chú chó đã về đến nhà, thời gian di chuyển mất 15 tiếng, thay vì chỉ hơn 1 tiếng nếu đi máy bay.

Vì sao nhiều người 'chịu khổ' đưa thú cưng về quê ăn tết?- Ảnh 2.

Xù được chụp hình đón tết.

Phan Diệp

Trái ngược với Diệu với tâm trạng khá lo lắng khi cùng Xù về quê thì vợ chồng anh Dương Công Nam (40 tuổi, ở Q.Tân Phú) lại cảm thấy khá thoải mái với một quyết định "không giống ai".

Thay vì cả nhà 4 người sẽ đi chung chuyến máy bay về quê Khánh Hoà ăn tết, thì 5 năm nay chỉ có vợ con anh đi chung chuyến. Riêng anh Nam sẽ tự lái ô tô quãng đường gần 500 km từ TP.HCM về quê cùng chú chó tên Ki 7 tuổi.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, cả tháng nay, trên các hội nhóm về thú cưng trên mạng xã hội mỗi ngày có hàng chục bài đăng hỏi tìm phương tiện đưa thú cưng về quê ăn tết. Bên cạnh đó, những người làm dịch vụ vận chuyển cũng tích cực đăng bài, giới thiệu khách hàng.

Chị Phan Thị Mai (33 tuổi, ở Q.Tân Bình) có thâm niên làm dịch vụ vận chuyển thú cưng đã 7 năm cho biết nhu cầu vận chuyển chó, mèo ngày càng nhiều. Đặc biệt, năm nay lượng khách nhắn tin trên fanpage có ngày lên đến gần cả trăm người.

"Vì dịch vụ của chúng tôi chỉ chuyên vận chuyển thú cưng, không chở người nên nhiều khách không lựa chọn. Nhiều người muốn đi cùng thú cưng của mình", chị Mai nói.

Tăng ca hết công suất không hết đơn hàng, nghề tân trang hàng hiệu 'hốt bạc' mùa tết

"Vì chó là người thân"

Diệu chia sẻ, có nhiều lý do để cô dẫn Xù về nhà ăn tết. Bởi, chú chó gắn bó với Diệu gần 2 năm, đã thật sự trở thành một phần trong cuộc sống của cô gái độc thân. Tuy nhiên, về bằng cách nào thì Diệu mất gần 2 tuần mới lo liệu ổn thoả.

Diệu là nhân viên trong một công ty truyền thông, thu nhập đủ trang trải cuộc sống và biếu ba mẹ chút ít hằng tháng, không quá dư giả. Cô gái sống một mình trong căn trọ hơn 10m2. Hai năm trước, Xù bị bỏ rơi đi lang thang, ai cho gì ăn đó gần khu trọ.

Thương chú chó, Diệu thường mua thức ăn cho nó. Lâu dần, chú chó xem cô là chủ lúc nào không hay. Cứ tối đến lại theo cô vào phòng trọ nằm ngủ.

"Năm ngoái, vì mới nuôi, mình không biết những chỗ nhận trông giữ thú cưng. Tết đến, mình gửi Xù sang nhà bạn để về quê 2 tuần. Hằng ngày, người bạn gửi video cho mình và nói Xù không chịu ăn, buồn bã", Diệu kể.

Vì sao nhiều người 'chịu khổ' đưa thú cưng về quê ăn tết?- Ảnh 3.

Vợ chồng ông Phạm Mộng (45 tuổi, ở Q.Thủ Đức) tết này cũng đưa chú chó về quê Tiền Giang ăn tết. Vợ chồng ông làm thợ hồ, xin chú chó từ một chủ đầu tư công trình đem về nuôi.

Phan Diệp

Sau tết, Diệu vào lại thành phố. Đến đón Xù, chú chó mừng rỡ, chạy ra vẫy đuôi một hồi lâu vì gặp lại chủ nhân. Cô gái biết thật sự, chú chó nhớ mình trong những ngày vắng chủ.

Còn với anh Nam, cũng như mọi năm, anh luôn là người cuối cùng trong gia đình đoàn tụ người thân. Và, khi ăn tết xong, anh cũng là người đầu tiên tạm biệt gia đình, vào lại TP.HCM sớm hơn vợ con. Nhiều người cho rằng vợ chồng anh "bày vẽ" khi tốn thời gian chở chó về quê ăn tết. Tuy nhiên, từ lâu, gia đình anh không đơn thuần xem Ki là vật nuôi.

"Chú chó lớn lên cùng những đứa con của tôi. Tôi xem Ki là thành viên trong gia đình nên không thể để nó ở lại thành phố dịp tết được", anh Nam cho biết.

Vì sao nhiều người 'chịu khổ' đưa thú cưng về quê ăn tết?- Ảnh 4.

Ông Hận và chú chó Nu một ngày cuối năm.

Phan Diệp

Nếu nhiều người cho rằng chỉ "người có điều kiện" mới "chịu chi" tiền bạc lẫn thời gian để đưa chó về quê thì ông Nguyễn Hồng Hận (52 tuổi, ở TP.Thủ Đức) chứng minh điều ngược lại.

Ông Hận khuyết tật 2 chân, ngồi xe lăn điện đi bán vé số mỗi ngày kiếm được khoảng 250.000 đồng. Phần cơm trưa 25.000 đồng, ông chỉ dám ăn một ít, phần nhiều để dành cho chú chó tên Nu mà ông xem như con của mình.

Chú chó Nu vốn ngoan, chịu rọ mõm và không sủa bậy nên những vị khách quen của ông ai cũng thương. Thương Nu, tết này ông Hận sẽ dẫn Nu theo về quê. Đường từ TP.HCM về quê Sóc Trăng quê ông chỉ mất vài tiếng, vì thế, ông gọi điện nhà xe xin phép được đưa Nu theo cùng mình.

Ông tâm sự: "Hơn 20 năm kể từ ngày rời quê lên TP.HCM bán vé số, mấy tháng qua là khoảng thời gian tôi thấy vui nhất vì có Nu bầu bạn. Mẹ tôi cũng rất quý nó, mỗi lần gọi điện bà hay hỏi thăm nên tết tôi phải đưa nó về quê ăn tết".

Gặp gỡ cuối năm: Đôi vợ chồng 20 năm xa quê, bán hủ tiếu gõ hết lòng vì con

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.