Vì sao nhiều người trẻ tốt nghiệp ra trường nhưng chẳng chịu đi làm?

Thanh Nam
Thanh Nam
20/11/2022 15:33 GMT+7

Có những người trẻ tốt nghiệp ra trường nhưng chẳng chịu đi làm. Có khá nhiều lý do cho quyết định ấy.

Bên cạnh nhiều người trẻ muốn đi làm ngay sau khi tốt nghiệp, hoặc trong thời gian học, thì vẫn có những người tốt nghiệp ra trường nhưng chẳng chịu đi làm

LÊ THANH

Vì... chưa thích

Ra trường trước thời hạn 1 năm, nhưng đến nay Lê Thị Thùy Như (cựu sinh viên Trường ĐH Văn Lang) vẫn cho phép bản thân... thất nghiệp. Hỏi lý do, Như trả lời ngắn gọn: "Vì chưa thích". Ngày ngày, nếu như bạn bè cùng lớp, cùng khóa đang tất bật với bài vở trên giảng đường, với những kỳ thực tập, thì cô gái này dành thời gian để nghỉ ngơi sau một thời gian dài miệt mài "chỉ có học và học".

Câu chuyện của Như khá phổ biến hiện nay. Nhiều người trẻ tốt nghiệp ra trường nhưng chưa quá mặn mà với việc tìm kiếm công việc để làm. Thay vào đó, họ dành nhiều thời gian để thư giãn hoặc du lịch hay tìm học, dồn vào sự quan tâm đến những sở thích, niềm đam mê khác...

Trương Hoàng Sự, cựu sinh viên Trường CĐ Cao Thắng (TP.HCM) cũng ra trường hai năm. Tuy nhiên Sự không chạy đôn chạy đáo tìm việc làm như bạn bè. Ngược lại, chàng trai này dành thời gian để chơi thể dục thể thao cũng như tham gia hai khóa học vẽ và chơi đàn guitar.

"Tôi rất thích hai bộ môn ấy. Nhưng khi còn học, không có nhiều thời gian. Đến khi ra trường, thời gian rảnh rang hơn, nên tôi chú tâm học", Sự kể. Hỏi bao giờ sẽ đi làm theo chuyên môn chính được học ở trường? Sự cười: "Khi nào thích sẽ đi làm. Còn hiện tại, chưa thích".

Một trường hợp khác, Trần Anh Khoa (cựu sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng) cũng cho biết đã tự... thất nghiệp hơn một năm nay. Dù trước đó, khi mới ra trường, Khoa đã từng có ý định đi làm. "Tôi đã từng đi phỏng vấn nhiều nơi. Cũng có những công ty nhận tôi làm. Nhưng rồi tôi thấy... cứ từ từ đi làm. Như bây giờ, tôi có nhiều thời gian để làm những thứ mình thích như chơi bóng rổ, tập gym, học tiếng Trung... Nếu đi làm sẽ không thể làm những điều đó. Rồi một lúc nào đó tôi sẽ đi làm, nhưng không phải bây giờ", Khoa cho biết.

Từng mong ước sẽ xuất bản một cuốn tản văn về Sài Gòn, về những ghi chép được trong cuộc sống của chuỗi ngày trọ học tại thành phố đông dân, nên Đào Thanh Chiến (cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cũng từng chần chừ và lưỡng lự trước câu hỏi: có nên đi làm ngay sau tốt nghiệp hay không? Sau đó, Chiến quyết định chưa vội đi làm, để "dốc sức" làm bản thảo cho cuốn sách đầu tay. Chiến nói: "Tôi dự định tháng 7 năm sau cuốn sách sẽ trình làng. Khi đó tôi sẽ tìm công việc đúng chuyên môn".

Có những người trẻ muốn dành thời gian nghỉ ngơi, thỏa sức với những đam mê... trước khi lao vào công việc

X.P

Do không bị áp lực cuộc sống

Có những người trẻ tâm sự, sở dĩ họ chưa đi làm là vì do họ không bị áp lực cuộc sống đè nặng, không bị bủa vây bởi những nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền, cũng như không phải bận tâm "phải nhanh chóng kiếm tiền cho bằng được" như nhiều người khác.

Đỗ Đức Mạnh (cựu sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng) kể chuyện hiện nay vẫn "ăn bám bố mẹ", còn bằng cử nhân vẫn đang cất ở phòng trọ. Mạnh nói rằng muốn tận hưởng quãng thời gian "vô lo" này để trước khi bắt đầu vào guồng quay với những công việc bận bịu, với những áp lực chạy deadline...

Nguyễn Quốc Bảo (cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM) tâm sự hàng tháng vẫn được bố mẹ ở TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai) gửi tiền chu cấp đều đặn để trang trải cuộc sống ở TP.HCM.

"May mắn là tôi không vướng bận kinh tế quá nhiều như bạn bè nên cuộc sống dễ thở hơn. Khi biết tôi đã ra trường mà chưa đi làm, bố mẹ có hỏi lý do. Tôi chia sẻ thật là chưa toàn tâm toàn ý để đi làm, sợ đi làm rồi cũng nhảy việc, một khi thích đi làm thật sự sẽ xin việc. Bố mẹ hoàn toàn thông cảm với điều đó. Có thể, qua tết tôi mới rải đơn xin việc. Còn giờ đây, tôi dành nhiều thời gian để luyện thi chứng chỉ tiếng Anh IELTS, học những khóa về marketing... Biết đâu đó, khi tôi có thêm kiến thức, lúc xin việc sẽ có được công việc với mức lương cao hơn".

Cũng có những trường hợp không quá vội vàng "lao vào đời và kiếm cơm, lao vào đời tìm cơ hội" vì chưa tự tin về bản thân nên còn trì hoãn kế hoạch bắt tay vào công việc. Họ lo sợ những kiến thức được học trên giảng đường không giúp họ hoàn thành được yêu cầu công việc của các doanh nghiệp, công ty. Thế là "chưa chịu đi làm" trở thành phương án an toàn, để họ có thêm thời gian góp nhặt kiến thức từ những tài liệu trên internet, thu gom những kinh nghiệm thực tế từ những người đã đi làm... trước khi đi làm một cách chỉn chu.

Bà Nguyễn Huỳnh Tố Châu, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm (TP.HCM) cho rằng câu chuyện nhiều người trẻ tốt nghiệp ra trường nhưng chẳng chịu đi làm là hiện tượng có thật và khá phổ biến hiện nay.

"Mỗi người trẻ đều có những lý do riêng cho quyết định của họ. Không thể phán xét họ không có trách nhiệm với bản thân hay gia đình. Càng không thể nói việc chần chừ đi làm kiếm tiền là sai lầm, là phí hoài thời gian. Vì chắc chắn, mỗi quyết định đều có nguyên nhân mà tự họ cho là đúng. Riêng bản thân tôi nghĩ, cần tôn trọng quyết định của mỗi người. Họ chưa đi làm để học thêm nhiều kiến thức mới mẻ, hoặc dành quãng thời gian để theo đuổi những sở thích, đam mê thì đâu có gì sai? Vả lại, nếu đi làm mà chưa có tâm lý sẵn sàng thì thật khó để hoàn thành công việc. Một khi họ cảm thấy bản thân tự tin đáp ứng yêu cầu công việc, bắt nhịp được với văn hóa doanh nghiệp rồi mới đi làm thì đó cũng là sự lựa chọn hợp lý", bà Châu nói về câu chuyện tốt nghiệp ra trường nhưng chẳng chịu đi làm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.