Vì sao TP.HCM phải ra chỉ thị đặc thù?

20/06/2021 06:11 GMT+7

Trước khi Chủ tịch UBND TP.HCM ban hành Chỉ thị 10 (khẩn), trưa 19.6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp bàn.

Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, tính riêng từ 6 giờ ngày 18.6 đến 6 giờ ngày 19.6, TP.HCM ghi nhận 104 trường hợp nghi nhiễm Covid-19, gồm 17 người trong khu phong tỏa, 42 người trong khu cách ly, 32 người khi mở rộng xét nghiệm ở Q.Bình Tân, 6 ca bệnh đang điều tra nguồn lây.
Con số này vượt xa so với dự liệu trước đó (có thể chỉ khoảng 40 - 50 ca phát sinh từ F1 được cách ly tập trung). Hơn nữa, đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng vi rút Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc, từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại.

Bản tin Covid-19 ngày 20.6: Chỉ thị 10 cùng chiến dịch vắc xin thần tốc

Các chuỗi dịch lớn ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư và rải rác trong các khu công nghiệp, nhân viên y tế và nhân viên văn phòng. Tính đến sáng qua 19.6, đã có 1.661 ca bệnh đã được Bộ Y tế công bố, trong đó hầu hết tập trung ở đợt dịch thứ 4 (và cả trong giai đoạn giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 31.5 đến nay).
Đó chính là một trong những lo ngại lớn nhất, buộc TP.HCM phải siết chặt thêm các biện pháp theo hướng nâng cao hơn mức độ nhằm “đuổi kịp” và chặn đứng lây lan dịch bệnh, có thể khống chế dịch bệnh trong tuần tới, khống chế các chuỗi lây nhiễm dịch chưa rõ nguồn lây.
Theo đó, phương án dập dịch của TP.HCM tập trung theo hướng: khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm sàng lọc, tuân thủ nghiêm giãn cách, đặc biệt là đẩy mạnh tiêm vắc xin Covid-19 đạt mức miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất có thể.

TP.HCM ban hành Chỉ thị 10: Cấm chợ tự phát, không tập trung quá 3 người để chống Covid-19

Phong tỏa thêm nhiều nơi

Tại buổi họp báo vào tối 19.6 thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh số ca nhiễm vẫn tăng lên mỗi ngày ở mức 3 con số, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho hay, sau 20 ngày giãn cách xã hội, rất nhiều ổ dịch trong đầu đợt dịch thứ 4 đã cơ bản được kiểm soát, nhưng phát sinh một số điểm mới ở Q.Bình Tân và H.Hóc Môn.
Để chặn đứng nguồn lây lan từ các ổ dịch mới ra cộng đồng, TP.HCM quyết định phong tỏa 3 khu phố: 2, 3, 4 của P.An Lạc (Q.Bình Tân) và ấp Tân Thới 2, ấp Tân Thới 3 và một phần ấp Thới Tây 1 của xã Tân Hiệp (H.Hóc Môn) trong vòng 14 ngày, kể từ 0 giờ ngày 20.6. “Nguyên tắc phong tỏa là người dân không đi ra, không đi vào khu vực này, người trong khu phong tỏa phải giãn cách”, ông Đức nói.
Theo thống kê sơ bộ của Q.Bình Tân, 3 khu phố bị phong tỏa rộng khoảng 171 ha với hơn 17.400 hộ dân và gần 56.000 nhân khẩu, có 4 đơn vị hành chính và 36 doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Riêng UBND P.An Lạc sẽ bố trí 1 hướng di chuyển để cán bộ, công chức đến trụ sở và đi thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn. Dự kiến, UBND Q.Bình Tân sẽ tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường, tuyến hẻm ra vào khu vực trên với 22 chốt, mỗi chốt 3 người/ca, ngày 3 ca.
Theo ông Dương Anh Đức, hoàn cảnh của TP.HCM hiện nay khác nhiều so với thời điểm Thủ tướng ban hành 2 chỉ thị 15 và 16 (vào cuối tháng 3.2020) để áp dụng trên toàn quốc. Do đó, TP.HCM sẽ không áp dụng cứng nhắc mà cân nhắc các biện pháp phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trên địa bàn theo sự hướng dẫn, tham vấn của Bộ Y tế, và khi được Chính phủ đồng ý.

Bản tin Covid-19 ngày 19.6: TP.HCM nâng cao biện pháp phòng dịch bệnh

Siết chặt kỷ cương

Chống dịch với những quy định siết chặt hơn, ông Dương Anh Đức khẳng định, đối với cơ quan, lực lượng chức năng, quan điểm nhất quán của UBND TP.HCM là xem xét, cân nhắc nếu ai làm tốt (chấp hành quy định mới) thì có động viên, khen thưởng; nếu làm không tốt thì phê bình, nhắc nhở và sẽ áp dụng biện pháp cao hơn nữa nếu có vi phạm. Tuy nhiên, trong thời gian chống dịch cần phải xốc lại tinh thần làm việc, rất cần sự hợp tác của người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.