Chỉ thị 10 của Chủ tịch UBND TP.HCM về phòng chống dịch Covid-19 có gì lưu ý?

Phan Thương
Phan Thương
19/06/2021 22:27 GMT+7

Theo Chỉ thị 10/CT-UBND (Chỉ thị 10) của Chủ tịch UBND TP.HCM, toàn TP tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 15 /2020 của Thủ tướng Chính phủ , đồng thời tăng cường các biện pháp trọng tâm khác.

Tối 19.6, Chủ tịch UBND TP.HCM ký ban hành Chỉ thị 10 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

Chỉ thị 10 sẽ có hiệu lực từ thời điểm ký

Theo UBND TP.HCM, từ 27.4 đến nay, TP ghi nhận 1.346 ca nhiễm trên địa bàn với nhiều chuỗi lây nhiễm. Đặc biệt, số ca nhiễm trong những ngày gần đây lên đến 3 con số và có những ca bệnh chưa rõ nguồn lây, dự báo sẽ xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng.
Vì vậy, Chỉ thị 10 nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM và đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường.

TP.HCM ban hành Chỉ thị 10: Cấm chợ tự phát, không tập trung quá 3 người để chống Covid-19

Tiếp tục thực hiện Chị thị 15/2020 của Thủ tướng, tăng cường thêm biện pháp

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện nghiêm Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Đồng thời, tăng cường các biện pháp trọng tâm sau:
  • - Dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát.
  • - Không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ triệt để quy tắc 5K của Bộ Y tế. Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu để tập trung quá 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
  • - Yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng. Tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các cá nhân, tổ chức.
  • - Yêu cầu mọi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn. Toàn thể người dân tự giác chấp hành các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, tự bảo vệ bản thân và gia đình.
  • - Tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy nội địa), hạn chế tối đa việc di chuyển của người dân theo chỉ đạo của UBND TP.HCM

Bản tin Covid-19 ngày 19.6: TP.HCM nâng cao biện pháp phòng dịch bệnh

Tạm dừng chợ truyền thống nếu không đảm bảo phòng dịch

Theo Chỉ thị 10, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân TP và nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp được tiếp tục hoạt động nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người lao động tối thiểu 1,5 mét, mang khẩu trang tại nơi làm việc, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn, đảm bảo không gian thông thoáng.
Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị, cơ sở mình, đảm bảo sức khỏe, an toàn tuyệt đối cho người lao động. UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các chợ truyền thống trên địa bàn; tạm dừng hoạt động đối với các chợ truyền thống không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước đảm bảo yêu cầu về giãn cách trong quy trình làm việc; các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn, bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết các công việc thật sự cần thiết và tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế.
Dừng các hoạt động hội họp không cần thiết. Trong trường hợp cần thiết phải tổ chức các cuộc họp, sự kiện, đảm bảo không tập trung quá 10 người trong một phòng, ngoại trừ các cuộc họp đặc biệt quan trọng được chính quyền địa phương cho phép và phải tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế.

Lời hẹn “đoàn viên” bên chốt phong tỏa chống Covid-19 ở quận Bình Tân

Đối tượng nào được đến công sở làm việc?

Cũng theo Chỉ thị 10, sẽ thực hiện việc cách ly, phong tỏa đối với các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát tình hình dịch bệnh tại các địa phương.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước tố chức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như: trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.
Số lượng người làm việc cụ thể tại công sở do Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định và không quá 1/2 tổng số người lao động để đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của đơn vị và chỉ đạo của TP; riêng lực lượng vũ trang và ngành y tế TP đảm bảo 100% quân số. Đối với số lượng cán bộ, công chức, người lao động thuộc lực lượng tham gia phòng, chống dịch các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm phân công, bố trí phù hợp với yêu cầu công tác.

TP.HCM thiết lập vùng phong tỏa phòng, chống Covid-19 ở Hóc Môn

Thiết lập vùng phong tỏa 6 điểm tại Q.Bình Tân và H.Hóc Môn

Đồng thời, trong ngày 19.6, TP.HCM đã ban hành 2 văn bản về việc thiết lập 6 địa điểm phong tỏa tại P.An Lạc (Q.Bình Tân) và H.Hóc Môn.
Cụ thể, UBND TP.HCM chỉ đạo triển khai thiết lập vùng phong tỏa đối với các khu phố 2, 3, 4 thuộc P.An Lạc, Q.Bình Tân, thời gian 14 ngày kể từ 0 giờ ngày 20.6.
UBND Q.Bình Tân sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đảm bảo công tác phòng, chống dịch, an ninh trật tự, tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường, tuyến hẻm ra vào các khu vực thực hiện phong tỏa; đảm bảo cung ứng đầy đủ các nguồn nhu yếu phẩm thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho người dân tại khu vực phong tỏa.
Tương tự, thiết lập vùng phong tỏa tại 3 ấp của H.Hóc Môn: ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3 và một phần ấp Thới Tây 1 (xã Tân Hiệp), thời gian và phương án như các khu phố 2, 3, 4 thuộc P.An Lạc, Q.Bình Tân.

Sáng 20.6: TP.HCM thêm 46 ca Covid-19,tổng cộng ghi nhận 1.842 bệnh nhân

Trong buổi họp báo tối 19.6, ông Dương Anh Đức (Phó chủ tịch UBND TP.HCM) cho biết, TP.HCM sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp phù hợp với tình hình, hoàn cảnh hiện nay. Địa phương không chỉ căn cứ theo các Chỉ thị của Chính phủ mà cơ bản còn dựa trên các quy định của Bộ Y tế về đánh giá mức độ, nguy cơ: Nguy cơ rất cao (màu đỏ), nguy cơ cao (màu cam), nguy cơ (màu vàng) và mức độ bình thường mới (màu xanh). Theo đó, địa phương có mức nguy cơ rất cao sẽ được phong tỏa. Sau cuộc họp báo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký ban hành Chỉ thị 10. 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.