Vì sao trường đại học công lập tăng học phí năm học tới?

Hà Ánh
Hà Ánh
27/10/2021 09:23 GMT+7

Trường đại học công lập chuyển đổi cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Khi đó, đồng thời với việc cắt giảm chi từ ngân sách nhà nước là tăng học phí từ người học.

Theo lộ trình đang thực hiện, nhiều trường ĐH công lập tự chủ sẽ tăng mạnh học phí (HP) từ năm học 2022 - 2023.

Mức trần học phí tăng vọt

Nếu HP năm học 2021 - 2022 cơ bản không tăng so với năm trước đó, thì năm học 2022 - 2023 sẽ tăng vọt. Điều này được thấy rõ trước hết trong Nghị định 81/2021 của Chính phủ ban hành vừa qua (về cơ chế thu chi, quản lý HP đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và miễn giảm HP, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực đào tạo).

Sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm 2020. Đây là một trong những trường đang thực hiện cơ chế tự chủ

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo nghị định này, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026, mức trần HP ĐH sẽ tăng đều mỗi năm.

Cụ thể, năm học 2022 - 2023 HP chương trình đại trà trường chưa tự chủ khối ngành y dược có mức tăng cao nhất so với năm trước đó (tới trên 71%); sẽ từ 14,3 triệu đồng/năm nay lên 24,5 triệu đồng/năm. Các khối ngành còn lại hầu hết tăng từ 20 - 30% so với năm học trước đó (trừ khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên mức tăng trên 15%).

Đáng chú ý, theo nghị định này, trường tự chủ được xác định HP tối đa bằng 2 - 2,5 lần so với mức trần các trường chưa tự chủ. Như vậy, năm học 2022 - 2023 các trường tự chủ HP khối ngành y dược HP sẽ từ 49 đến hơn 60 triệu đồng/năm. Khối ngành thấp nhất như nghệ thuật cũng từ 24 - 30 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, từ 23 trường ĐH được thí điểm đề án tự chủ giai đoạn 2014 - 2017, đến nay hàng loạt trường ĐH công lập khác cũng chuyển sang tự chủ theo tinh thần luật Giáo dục sửa đổi năm 2018.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng vừa tổ chức lấy ý kiến xây dựng đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ ĐH. PGS-TS Trần Lê Quan, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường đang hoàn thiện đề án để trình Hội đồng ĐH Quốc gia TP.HCM phê duyệt cuối năm nay. Theo kế hoạch, trường sẽ tự chủ chi thường xuyên từ năm 2022 và áp dụng mức HP dành cho trường theo nhóm 2 của Nghị định 81. Trong đó một số ngành HP theo mức trần áp dụng khối ngành khoa học sự sống và khoa học tự nhiên (27 triệu đồng/năm - PV), nhưng sẽ có những ngành HP thấp hơn khoảng 5 - 6 triệu đồng so với mức trần trên.

Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM sẽ chuyển qua giai đoạn tự chủ từ năm sau

trường đhkhxh-nv tp.hcm

Mới đây nhất, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM công bố bắt đầu chuyển qua loại hình tự chủ áp dụng với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên. HP của trường này sẽ bắt đầu tăng với sinh viên khóa mới từ năm học 2022 - 2023. Trong đó, chương trình chuẩn bậc ĐH HP sẽ có 2 mức thu theo nhóm ngành: khoa học xã hội từ 16 - 20 triệu đồng/năm, nhóm ngành ngôn ngữ và du lịch 21 - 24 triệu đồng/năm. So với mức HP năm học 2021 - 2022, HP mới gấp khoảng 1,6 - 2 lần tùy ngành. Tuy nhiên, với chương trình chất lượng cao, HP cao gấp 3 lần chương trình chuẩn, dự kiến 60 triệu đồng/năm.

Trường đã tự chủ tăng theo mức nào?

Việc tăng HP không chỉ diễn ra ở trường chuyển đổi loại hình hoạt động mà còn tiếp tục tăng với các trường đã áp dụng trước đó.

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng bắt đầu thực hiện tự chủ từ năm 2021. HP được công bố ngày 27.9 trên trang thông tin điện tử áp dụng với sinh viên trúng tuyển năm nay là 24 triệu đồng/năm cho chương trình chính quy đại trà. Theo lộ trình dự kiến, năm học 2022 -2 023 HP trường này tăng lên 27,5 triệu đồng/năm và tiếp tục tăng lên mức 30 triệu đồng/năm trong 2 năm sau đó. Với các chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế, chuyển tiếp quốc tế, tăng cường tiếng Nhật, HP lên tới 50 - 66 triệu đồng/năm cho khóa tuyển sinh 2021, 55 - 72 triệu đồng/năm cho khóa tuyển sinh 2022. Lộ trình dự kiến 2 năm sau đó HP các chương trình này trong khoảng 60 - 80 triệu đồng/năm.

Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM cũng chính thức áp dụng HP mới từ năm học 2021 - 2022. Cụ thể, sinh viên chương trình chính quy đóng HP 25 triệu đồng/năm, chương trình chất lượng cao

35 triệu đồng/năm và tiên tiến 45 triệu đồng/năm. Theo lộ trình dự kiến, HP cho sinh viên khóa tuyển sinh 2022 sẽ ở mức 30 triệu đồng/năm (chính quy), 40 triệu đồng/năm (chất lượng cao) và 50 triệu đồng/năm (tiên tiến). Hai năm học tiếp theo, HP dự kiến tăng từ 35 - 55 triệu đồng/năm tùy chương trình.

Năm học 2021 - 2022, Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM cũng bắt đầu thu HP theo đề án được duyệt, từ 18,5 - 20,5 triệu đồng/năm (đại trà) và 29,8 - 46,3 triệu đồng/năm (chất lượng cao). Theo lộ trình tăng HP theo đề án, năm 2022 tăng lên 22,6 triệu đồng/năm; năm 2023 là 24,8 triệu đồng; năm 2024 là 27,3 triệu đồng và năm 2025 là 30 triệu đồng.

Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng thu HP các chương trình chất lượng cao từ 55 - 88 triệu đồng/năm tùy ngành.

Ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, nhiều trường ĐH khác ở TP.HCM đã thực hiện tự chủ từ nhiều năm trước như: Kinh tế, Công nghiệp, Công nghiệp thực phẩm, Tài chính - Marketing, Sư phạm kỹ thuật, Mở, Y dược.

PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết trường đã có 2 năm thực hiện đề án tự chủ từ năm 2020. Theo đề án được phê duyệt, HP năm học tới trường sẽ tăng 5%/năm với sinh viên khóa mới, dự kiến trên 19 triệu đồng/năm và không thay đổi trong toàn khóa học.

Học phí thạc sĩ, tiến sĩ và các hệ đào tạo khác

Theo Nghị định 81/2021, mức trần HP đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở giáo dục đại học công lập được xác định bằng mức trần HP đào tạo ĐH với trường chưa tự chủ nhân hệ số 1,5 đối với đào tạo thạc sĩ, nhân hệ số 2,5 đối với đào tạo tiến sĩ.

Mức HP đào tạo hình thức vừa làm vừa học; đào tạo từ xa được xác định trên cơ sở chi phí hợp lý thực tế với mức thu không vượt quá 150% mức thu HP so với hệ đào tạo chính quy tương ứng.

Trường hợp học trực tuyến, cơ sở giáo dục ĐH xác định mức thu HP trên cơ sở chi phí phát sinh thực tế hợp lý, tối đa bằng mức HP của cơ sở giáo dục ĐH tương ứng từng khối ngành theo mức độ tự chủ.

Quý Hiên

Ngoài tăng học phí, trường ĐH tự chủ sẽ thay đổi ra sao?

Theo TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, khi chuyển sang tự chủ, việc tăng HP một phần để duy trì hoạt động của trường, bù đắp các khoản chi thường xuyên trước đây được cấp từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, trường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hoạt động dạy học và nghiên cứu khoa học… Trường tiến tới có những lớp học được chia nhỏ, sinh viên được tiếp cận cơ sở vật chất tốt nhất, trong môi trường học thuật tốt hơn…

“Sau tự chủ, trường cần có một thời gian nhất định để nhìn thấy những thay đổi lớn. Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu bước sang mô hình hoạt động mới này, các hoạt động của trường cũng phải vận hành theo. Người học được xem như “khách hàng”, chất lượng dịch vụ hỗ trợ người học sẽ là sự thay đổi đầu tiên”, TS Hạ chia sẻ.

PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết khi HP tăng, trường cũng tăng đầu tư vào các hoạt động nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Trong đó, trường đầu tư phát triển mạnh cơ sở vật chất, tăng cường chính sách thu hút và giữ chân thầy cô giáo giỏi, phát triển hơn trong nghiên cứu khoa học… Tất cả những thay đổi đó nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là tăng chất lượng người học khi ra trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.