Lô gạo thơm này do doanh nghiệp (DN) Long Dan tại Anh nhập khẩu từ Việt Nam qua Công ty Vinaseed và hiện đã bày bán tại chuỗi siêu thị Long Dan với giá bán lẻ 15,5 bảng/10 kg (tương đương 480.000 đồng/10 kg). Thông tin cho biết đây là DN nhập khẩu gạo Việt Nam từ sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) có hiệu lực.
Rẻ hơn gạo Thái Lan 140.000 đồng/10 kg
Vương quốc Anh đang áp dụng mức thuế nhập khẩu gạo thơm jasmine là 17,4%. Theo cam kết từ UKVFTA, gạo thơm Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường này sẽ được hưởng thuế 0%. Anh Trần Lê, một người Việt đang sống và làm việc tại London, cho biết với mức giá bán lẻ khoảng 480.000 đồng/10 kg, gạo Việt đang bán với giá rẻ hơn nhiều so với gạo thơm cùng loại của Thái Lan và Campuchia đã bán lâu nay tại Anh. Cụ thể, gạo Campuchia bán tại Anh giá 19,5 bảng Anh/10 kg (khoảng 605.000 đồng/10 kg), gạo thơm Thái giá 20 bảng/10 kg (khoảng 620.000 đồng/10 kg). Như vậy, giá bán lẻ gạo thơm Việt tại Anh đang rẻ hơn gạo của Thái Lan và Campuchia từ 125.000 - 140.000 đồng/10 kg. “Thực tế gạo Việt không thua gì gạo thơm cùng loại của Thái Lan hay Campuchia. Hy vọng trong tuần tới, sản phẩm được đưa vào nhiều siêu thị châu Á tại đây và đắt khách hơn”, anh Trần Lê nói và bày tỏ niềm vui vì mua được gạo thơm Việt ngay tại Anh một cách dễ dàng hơn.
Cũng trong tháng đầu năm, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An xuất mở hàng đi Singapore và Malaysia lô gạo thơm 1.600 tấn với giá “không thể tốt hơn”, lên đến 750 USD/tấn. Đây là tín hiệu tích cực ngay sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào trung tuần tháng 11.2020. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Trung An, cho biết hiện còn có một đơn hàng hơn 2.000 tấn đang được DN chuẩn bị xuất sang Đức theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Ông Bình cũng kỳ vọng gạo thơm Việt vào các thị trường khó tính EU, Anh, Nhật... tăng cao trong năm nay. “Chất lượng gạo Việt đã tốt hơn nhiều từ lâu, nhưng các đối tác đôi khi không có thông tin, vẫn chăm mua gạo Thái. Nay nhờ các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết và có hiệu lực trong thời gian qua, gạo Việt được thế giới biết đến nhiều hơn, giá bán tốt hơn”, ông Bình nói. Năm 2021, với lợi thế kinh nghiệm bán gạo vào thị trường EU, Trung An sẽ xuất khẩu loại gạo ST20 vào thị trường Anh.
Ngành lúa gạo tận dụng tốt các hiệp định
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cả nước hiện có hơn 200 thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Năm 2020, gạo được đánh giá là một trong những mặt hàng xuất khẩu đạt kết quả ấn tượng với kim ngạch vượt mốc 3 tỉ USD, tăng tới 9,3% so với năm 2019. Từ đầu năm đến nay, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam luôn ở mức cao, khoảng 503 USD/tấn. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo xuất khẩu gạo trong năm 2021 sẽ đạt trên 6 triệu tấn do ảnh hưởng bởi Covid-19, các thị trường nhập khẩu chính gạo Việt như Philippines, châu Phi vẫn tiếp tục ký hợp đồng và thị trường gạo châu Á bắt đầu “nóng” trở lại.
Ngày 25.1, một tờ báo ở Thái Lan đăng tải ý kiến của một lãnh đạo ngân hàng lớn ở Thái Lan nhận xét về chiến lược gạo Việt Nam. Dẫn các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia ký kết như RCEP, vị này cho rằng “cánh cửa vào thị trường EU của gạo Việt Nam ngày càng tiềm năng hơn”. Cụ thể, Việt Nam đang ở vị thế tốt để tận dụng những cơ hội này, đã nỗ lực cải thiện chất lượng và chủng loại gạo của mình. Những nỗ lực này đã dẫn đến năng suất cao hơn, nhận diện thương hiệu tốt hơn và được toàn cầu khen ngợi, chẳng hạn như giành được giải loại gạo ngon nhất tại Hội nghị thương mại gạo thế giới năm 2019 và đứng thứ hai sau Thái Lan vào năm ngoái.
|
Bình luận (0)