Ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ cao nhất thế giới, vượt Trung Quốc và Ý
27/03/2020 09:19 GMT+7
Đến sáng 27.3, số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ tăng vọt lên hơn 83.800, cao nhất trên thế giới, vượt qua Trung Quốc đại lục và Ý. Mỹ cũng ghi nhận ít nhất 1.209 ca tử vong vì Covid-19. Hiện 40% dân số Mỹ đang sống dưới lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 lan rộng.
Tự động phát
Theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ), đến sáng 27.3.2020, cả thế giới đã ghi nhận 529.591 người nhiễm Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra, trong đó có ít nhất 23.970 người tử vong. Trong số các ca nhiễm Covid-19, đã có hơn 122.150 ca hồi phục hoàn toàn và được xuất viện.
|
Hiện 40% dân số Mỹ đang sống dưới lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 lan rộng. Nhiều bệnh viện ở Mỹ trở nên quá tải vì tiếp nhận hàng loạt bệnh nhân Covid-19. Các chuyên gia y tế Mỹ cảnh báo số người nhiễm Covid-19 thực sự được cho là cao hơn nhiều so với dữ liệu công bố chính thức do thiếu hụt bộ xét nghiệm Covid-19.
New York là một trong những bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Mỹ, với ít nhất 281 người chết vì Covid-19, theo sau là bang Washington với 109 người chết. Tại Mỹ đến nay đã có ít nhất 681 ca hồi phục hoàn toàn.
|
CNN đưa tin các chuyên gia y tế hàng đầu ở Mỹ cảnh báo nguy cơ bác sĩ buộc phải chọn lựa bệnh nhân Covid-19 để điều trị do bệnh viện quá tải tương tự như ở Anh, Ý và Tây Ban Nha.
Trước đó, thượng viện Mỹ đã thông qua gói ngân sách giải cứu kinh tế lên tới 2.000 tỉ USD, lớn nhất từ trước đến nay. Khoản tiền này sẽ được chi để ứng phó đại dịch, hỗ trợ người dân, bệnh viện cũng như các doanh nghiệp Mỹ chịu thiệt hại vì Covid-19.
Trong khi đó, Ý đã ghi nhận hơn 80.500 ca nhiễm Covid-19 với ít nhất 8.215 ca tử vong - số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất trên thế giới. Tại Ý, đã có 10.361 ca hồi phục hoàn toàn.
|
Chỉ trong vòng 3 tuần kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đến sáng 27.3, Tây Ban Nha đã ghi nhận số ca tử vong lên tới hơn 4.300 khiến nước này trở thành một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19.
Tây Ban Nha đang chứng kiến tình trạng nhiều bệnh nhân chết trong đơn độc và các bệnh viện không đáp ứng nổi số lượng bệnh nhân ngày càng đông. Chính quyền thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã phải trưng dụng sân trượt băng để làm nhà xác dã chiến. Các bệnh viện ở Tây Ban Nha lâm vào tình trạng khủng hoảng do có quá nhiều bệnh nhân.
|
Trước tình hình đó, chính phủ Tây Ban Nha hôm qua tuyên bố đã đạt thỏa thuận trị giá 432 triệu euro để mua vật tư y tế từ Trung Quốc, đồng thời kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 12.4.
Giữa lúc đại dịch Covid-19 lan rộng khắp châu Âu, nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp nghiêm khắc để chống lại dịch bệnh, bao gồm lệnh phong tỏa và đóng cửa trường học, doanh nghiệp không cần thiết và biên giới, đồng thời cấm tụ họp đông người.
Đến sáng 27.3, số ca nhiễm Covid-19 tại Đức và Pháp lần lượt là 43.938 và 29.551. Đức và Pháp cũng ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 là 267 và 1.698.
|
Trong ngày 26.3, Văn phòng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu cho biết họ nhận thấy "những dấu hiệu đáng khích lệ" dù tình hình đại dịch Covid-19 vẫn rất nghiêm trọng với hơn 220.000 ca nhiễm ở châu lục này.
Tuy nhiên, tiến sĩ Hans Henri P. Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, cảnh báo các chính phủ và người dân châu Âu về "thực tế mới" và nên chuẩn bị ứng phó tác động lâu dài của đại dịch Covid-19.
Tại Iran, tổng số ca tử vong và nhiễm vì Covid-19 ở Iran lần lượt lên 2.234 và 29.406. Trước tình trạng này, phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur kêu gọi người dân ở nhà.
|
Ông Hossein Zolfaghari, thành viên của lực lượng quốc gia phòng chống Covid-19 của Iran, cho hay nước này bắt đầu thực hiện lệnh cấm đi lại giữa các thành phố.
Lệnh cấm được đưa ra một ngày sau khi chính phủ Iran cảnh báo số ca nhiễm ở nước này có thể tăng cao.
Trước đó, giới chức Iran than phiền rằng nhiều người dân đã phớt lờ lời kêu gọi ở nhà.
Nhiều quốc gia khác trên thế giới siết chặt lệnh phong tỏa để ngăn chặn đại dịch Covid-19 lan rộng.
Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 25.3 công bố lệnh hạn chế đi lại, cấm người dân rời khỏi nhà, ngoại trừ mua nhu yếu phẩm cần thiết như thực phẩm và thuốc hoặc đi điều trị bệnh, theo tờ The Times of Israel.
Ấn Độ ra lệnh buộc 1,3 tỉ người dân phải ở nhà trong vòng 3 tuần để phòng Covid-19 lan rộng. Tình trạng khẩn cấp cũng bắt đầu có hiệu lực vào ngày 26.3 ở Thái Lan nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Chính phủ Thái Lan cùng nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh người nước ngoài, đóng cửa các cơ sở, dịch vụ không cần thiết và tụ tập đông người.
|
Tại Nhật Bản, chính phủ đã hoãn tổ chức Thế vận hội trong năm nay và chính quyền thủ đô Tokyo kêu gọi người dân ở nhà vào cuối tuần này.
Ở Nga, Tổng thống Vladimir Putin thông báo người dân sẽ được nghỉ làm có lương vào tuần tới để giảm tốc độ lây lan của virus.
|
Trong khi đó, Trung Quốc bắt đầu nới lỏng lệnh hạn chế đi lại đối với người dân ở tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch bệnh bùng phát cuối tháng 12.2019, sau khi nước này không có ca nhiễm nội địa mới. Đám đông đổ xô rời khỏi Hồ Bắc làm tắc nghẽn hệ thống xe lửa và xe buýt.
Các chuyên gia dự báo đại dịch và lệnh phong tỏa ngăn chặn dịch Covid-19 có thể tàn phá nền kinh tế thế giới, gây suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng nhất lịch sử, hơn cả đại suy thoái năm 1929 - 1930.
Mỹ
lệnh hạn chế đi lại
tình hình dịch Covid-19 ngày 27/3
tình hình dịch Covid-19 trên thế giới
ca nhiễm Covid1-9
ngăn chặn Covid-19 lan rộng
Iran
đức
pháp
châu Âu
cách ly
Covid-19
Ý
tử vong vì Covid-19
đại dịch Covid-19
virus corona
lệnh phong tỏa
Bình luận (0)