Chính biến tại Myanmar: bà Aung San Suu Kyi là ai?

01/02/2021 20:29 GMT+7

Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và nhiều nhân vật cấp cao khác của Đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) đã bị quân đội nước này bắt giữ trong sáng 1.2 sau nhiều ngày căng thẳng leo thang giữa quân đội và chính quyền dân sự. Trước chính biến trên, bà Suu Kyi đóng vai trò gì đối với đất nước Myanmar?

Cố vấn nhà nước Suu Kyi là người đã đưa đảng NLD lên nắm quyền lãnh đạo Myanmar từ năm 2015 sau chiến thắng vang dội trong kỳ bầu cử, lần đầu thiết lập chính phủ dân sự ở quốc gia Đông Nam Á này sau hơn nửa thế kỷ.
Bà là con gái của Tướng Aung San, người được cho là anh hùng đem lại nền độc lập cho Myanmar. Tướng Aung San bị ám sát khi bà Suu Kyi được 2 tuổi.

Gia đình Tướng Aung San, người được cho là đem đến nền độc lập cho Myanmar.

Khi lớn lên, bà Suu Kyi dành phần lớn thời gian theo học tại Đại học Oxford, nơi bà gặp chồng mình, Tiến sĩ người Anh Michael Aris. Họ có 2 con trai và sinh sống tại Oxford.
Năm 1988, bà Suu Kyi quay lại Yangon, khi đó là thủ đô Myanmar, để chăm sóc mẹ. Tại đây, bà bị thu hút bởi phong trào biểu tình sinh viên chống lại quân đội, lực lượng đã giữ quyền kiểm soát Myanmar từ cuộc đảo chính năm 1962.
Sở hữu khả năng hùng biện tốt trước công chúng, bà Suu Kyi có khả năng trở thành người lãnh đạo phong trào. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình đã bị đàn áp, các lãnh đạo biểu tình bị sát hại hoặc bắt giam.

Bà Suu Kyi chào người ủng hộ từ hàng rào nhà trong thời gian bị giam lỏng.

Bà Suu Kyi sau đó bị quản thúc tại gia cho đến khi được trả tự do năm 2010. Sau đó, bà quyết định ở lại Myanmar để dẫn dắt chiến dịch dân chủ. Dù quân đội tuyên bố bà có thể rời Myanmar nhưng bà Suu Kyi lo ngại nếu làm vậy bà sẽ không thể quay về nước nữa.
Khi bà được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991, con trai Alexander đã đến nhận giải thưởng thay mặt mẹ.
Tháng 8.2011, bà Suu Kyi lần đầu gặp Tổng thống Thein Sein, một cựu tướng quân đội và là người lãnh đạo chính quyền bán dân sự, đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn hợp tác với chính quyền quân đội.

Cuộc gặp đầu tiên giữa bà Suu Kyi và Tổng thống Thein Sein, một cựu tướng quân đội.

Chụp màn hình clip

Năm 2015, bà Suu Kyi lãnh đạo Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) giành chiến thắng trong kỳ tổng tuyển cử dựa trên nền tảng cam kết sẽ kết thúc nội chiến, kêu gọi đầu tư nước ngoài và giảm vai trò chính trị của quân đội.
Bà Suu Kyi cũng cam kết với các đồng minh phương Tây rằng bà sẽ giải quyết xung đột với người Hồi giáo ở Rohingya, và thành lập ủy ban cố vấn do cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan lãnh đạo.
Một ngày sau khi bản báo cáo đề nghị nhiều thay đổi của ông Annan được công bố vào tháng 8.2017, phiến quân Rohingya tấn công lực lượng an ninh ở bang Rakhine. Quân đội sau đó đáp trả bằng chiến dịch đốt phá hàng trăm ngôi làng, khiến nhiều người thiệt mạng.

Người dân Rohingya sơ tán sang Bangladesh để tránh các cuộc xung đột giữa quân ly khai và lực lượng quân đội Myanmar.

New York Times

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc gọi đây là “ví dụ về thanh lọc sắc tộc”. Bà Suu Kyi lên án “những kẻ khủng bố” đã tạo ra “tảng băng trôi thông tin sai lệch” và nhấn mạnh quân đội Myanmar đã thực thi pháp quyền.
Trong bài phát biểu trước quốc dân, bà Suu Kyi tỏ ra bối rối về cuộc di dân quy mô lớn ở Rohingya, phát biểu: “Chúng tôi muốn biết tại sao họ lại bỏ đi”.

Bà Suu Kyi đại diện Myanmar tham gia phiên tòa của Tòa án Công lý Quốc tế để đối mặt với các cáo buộc diệt chủng.

New York Times

Bà đến Hague hồi năm 2019 để tham gia phiên tòa của Tòa án Công lý Quốc tế để đối mặt với các cáo buộc diệt chủng. Khi đó, bà Suu Kyi thừa nhận khả năng xảy ra tội ác chiến tranh, nhưng nhấn mạnh rằng các chiến dịch của quân đội là hành động quân sự hợp pháp để chống lại những kẻ khủng bố.
Năm 2020, theo kết quả khảo sát do tổ chức giám sát bầu cử PACE của Myanmar thực hiện, có 79% người tham gia cho biết họ tín nhiệm bà Suu Kyi, người họ thường nhắc đến với biệt danh “Quý bà”. Con số này hồi năm 2019 là 70%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.