Lực lượng Taliban kiếm tiền từ đâu?

31/08/2021 08:38 GMT+7

Dù xung đột kéo dài 20 năm đã khiến hàng chục ngàn thành viên Taliban thiệt mạng, lãnh thổ và sức mạnh quân sự của lực lượng này ngày càng được mở rộng trong vài năm gần đây và số tài sản Taliban nắm giữ cũng ngày càng tăng.

Mỹ ước tính đến giữa năm 2021, Taliban có khoảng 70.000 đến 100.000 thành viên, tăng từ con số 30.000 10 năm trước đây. Thu nhập hằng năm của Taliban từ năm 2011 được Liên Hiệp Quốc ước tính vào khoảng 400 triệu USD. Tuy nhiên theo BBC, đến cuối năm 2018, con số này đã tăng đáng kể, lên đến 1,5 tỉ USD mỗi năm. Vậy tiền của Taliban đến từ đâu?

Quyên góp từ nước ngoài

Nhiều quan chức Mỹ và Afghanistan cáo buộc một số quốc gia như Pakistan, Iran và Nga đã trợ cấp tài chính cho Taliban. Các quốc gia này đã bác bỏ cáo buộc.
Tuy nhiên, nhiều công dân Pakistan và các nước vùng Vịnh khác như Ả Rập Xê Út, UAE và Qatar được xem là các nhà đóng góp lớn nhất.
Dù không thể tính toán chính xác, nguồn tiền này đã giúp tăng thu nhập cho Taliban. Các chuyên gia ước đoán con số có thể lên đến 500 triệu USD mỗi năm.
Theo một báo cáo mật của tình báo Mỹ, trong năm 2008, Taliban nhận 106 triệu USD từ các nguồn nước ngoài, đặc biệt là các nước vùng Vịnh.

Vì sao ISIS-K lại đối đầu Taliban?

Buôn ma túy

Taliban được cho là vận hành một hệ thống thu thuế, bao gồm cả hoạt động buôn bán ma túy bất hợp pháp.
Afghanistan là quốc gia sản xuất thuốc phiện có thể được tinh chế để sản xuất heroin lớn nhất thế giới. Với giá trị xuất khẩu hàng năm ước tính từ 1,5 đến 3 tỉ USD, đây là ngành kinh doanh lớn, cung cấp phần lớn heroin toàn thế giới.
Taliban thu 10% thuế trồng trọt từ nông dân trồng thuốc phiện. Ngoài ra, thuế cũng được thu từ các phòng thí nghiệm tinh chế thuốc phiện thành heroin, và các thương nhân buôn ma túy bất hợp pháp.
Ước tính thu nhập hàng năm của Taliban từ nền kinh tế ma túy bất hợp pháp nằm trong khoảng từ 100 triệu đến 400 triệu USD.
Báo cáo Sigar năm 2018 cho biết buôn ma túy chiếm đến 60% tổng doanh thu hằng năm của Taliban. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng con số này đã bị đẩy lên quá cao.

Mở rộng các khu vực kiểm soát

Trong một lá thư hồi năm 2018, Taliban đe dọa các thương nhân Afghanistan phải đóng thuế cho nhiều mặt hàng, như nhiên liệu và vật liệu xây dựng, khi đi đến những khu vực Taliban kiểm soát.
Sau khi bị lật đổ ở Afghanistan, Taliban vẫn kiểm soát phần lớn các tuyến đường thương mại khắp cả nước, cũng như các cửa khẩu - thu thập thêm lợi tức từ hàng xuất khẩu và nhập khẩu.
Trong 20 năm qua, Taliban cũng có thêm thu nhập nhờ đánh thuế các dự án phát triển và xây dựng (trường học, đường sá, bệnh viện) - phần lớn do phương Tây tài trợ. Ngoài ra, Taliban đánh thuế cả các xe chở hàng cung cấp cho các lực lượng nước ngoài đóng tại Afghanistan.
Năm 2018, lãnh đạo công ty điện lực Afghanistan cho biết Taliban kiếm hơn 2 triệu USD mỗi năm nhờ các khách hàng điện khắp Afghanistan.
Hơn nữa, mỗi khi chiếm được một đồn quân sự hoặc trung tâm đô thị, Taliban sẽ thu hết ngân khố, vũ khí, xe ô tô và xe bọc thép.

Người Afghanistan hoan nghênh quân đội nước ngoài rút quân, lo lắng về tương lai bất định

Mỏ và khoáng sản

Afghanistan rất giàu khoáng sản và đá quý mà phần lớn bị khai thác quá mức vì hậu quả của nhiều năm xung đột.
Các quan chức chính phủ Afghanistan cho biết ngành công nghiệp khai thác tại đây trị giá 1 tỉ USD mỗi năm.
Taliban đã nắm quyền kiểm soát các địa điểm khai thác và đòi tiền bảo kê nhiều hoạt động khai thác hợp pháp lẫn bất hợp pháp ở Afghanistan. Trong báo cáo thường niên năm 2014, Liên Hiệp Quốc cho biết Taliban đã nhận hơn 10 triệu USD mỗi năm từ 25 - 30 hoạt động khai thác bất hợp pháp ở tỉnh Helmand, nam Afghanistan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.