Mối đe dọa khủng bố thay đổi ra sao 20 năm sau vụ tấn công nước Mỹ ngày 11.9?

La Vi
La Vi
11/09/2021 08:15 GMT+7

Mối đe dọa khủng bối đối với Mỹ sau vụ tấn công 11.9 đã chuyển từ bên ngoài sang ngay chính bên trong đất nước.

Sau vụ khủng bố tàn khốc ngày 11.9.2001, các chiến dịch tấn công báo thù của Mỹ đã mang lại một số thành công đáng kể nhưng cũng gặp phải nhiều thất bại nghiêm trọng trong việc săn lùng al-Qaeda. Tuy nhiên, mối đe dọa khủng bố hàng đầu hiện nay là trong nước chứ không phải nước ngoài. 

Chiếc máy bay chuẩn bị lao vào tòa tháp Trung tâm thương mại thế giới tại New York ngày 11.9.2001.

AFP

Al-Qaeda và các chi nhánh của lực lượng này hiện gây ra mối đe dọa ra sao?

Al-Qaeda của ngày hôm nay nay không còn như ngày 11.9.2001. Người sáng lập và lãnh đạo của tổ chức này, Osama bin Laden, đã chết từ lâu. Trừ lãnh đạo hiện tại Ayman al-Zawahiri, và Saif al-Adel, người nhiều khả năng sẽ kế nhiệm al-Zawahiri, thì mọi thủ lĩnh cấp cao của al-Qaeda đều đã bị giết hoặc bị bắt.
Nhưng ý thức hệ và động cơ của al-Qaeda vẫn rất mạnh mẽ. Chẳng hạn, hiện nay số nhóm Hồi giáo thánh chiến được Bộ Ngoại giao Mỹ xác định là tổ chức khủng bố nước ngoài tăng gấp bốn lần so với số lượng vào ngày 11.9. Và theo báo cáo gần đây nhất từ nhóm giám sát của Liên hợp quốc, al-Qaeda còn phát triển mạnh mẽ ở châu Phi, cắm rễ ở Syria và hiện diện ở ít nhất 15 tỉnh của Afghanistan, cùng với đó là mối quan hệ vẫn khăng khít với Taliban

Các chi nhánh của tổ chức al-Qaeda.

Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại giao

Năm 2018, một điệp viên al-Qaeda đã nổ súng ở một căn cứ không quân của hải quân Mỹ ở Pensacola (bang Florida), khiến 3 người thiệt mạng và 8 người khác bị thương. Đây là một lời nhắc nhở rằng al-Qaeda vẫn có thể tiến hành khủng bố quốc tế thông qua những chi nhánh của nó, đặc biệt là chi nhánh Bán đảo Ả Rập. 

Tổ chức al-Qaeda hiện nay vẫn hoạt động mạnh mẽ ở nhiều quốc gia và khu vực.

Getty

Mỹ chống khủng bố: những thành công và thất bại lớn nhất trong 20 năm qua là gì? 

Thành công số một là Mỹ đã ngăn chặn mọi mưu toan của al-Qaeda nhằm thực hiện một vụ tấn công khác ở Mỹ với quy mô lớn hơn nữa. Tuy nhiên, vụ xả súng ở Pensacola năm 2019 vẫn là một lời cảnh tỉnh chống lại tâm lý tự mãn. 
Nhưng thất bại nghiêm trọng nhất là cuộc xâm lược Iraq năm 2003, đã làm chệch hướng các nguồn lực quan trọng ra khỏi nỗ lực tiêu diệt al-Qaeda ở Nam Á trong thời điểm có cơ hội tốt nhất. Cuộc xâm lược này cũng vô tình tạo ra một chuỗi sự kiện dẫn đến sự xuất hiện của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), một phiên bản thậm chí còn bạo lực và bất trị hơn cả al-Qaeda. Liên minh 38 nước đã mất khoảng 5 năm để đánh bại mối đe dọa do IS gây ra. 
Trong thời kỳ này, IS đã kích động và thực hiện nhiều cuộc tấn công đẫm máu vào dân thường ở các thành phố như Brussels, Nice, New York và Paris. Tổ chức này cũng đã thực hiện thành công vụ khủng bố đầu tiên sau hơn một thập niên nhắm vào chuyến bay thương mại, giết chết 259 người bay từ Ai Cập đến Nga. 
Đặc biệt IS đã thay đổi bản chất của chủ nghĩa khủng bố hiện đại bằng cách tiên phong trong việc sử dụng phương tiện truyền thông để tuyển mộ, tuyên truyền và khuyến khích các cuộc tấn công "sói độc" đơn lẻ. 
Cũng trong số những thất bại tồi tệ nhất phải kể đến việc chính phủ Mỹ đã vi phạm một số giá trị và nguyên tắc công lý cốt lõi của người Mỹ nhằm mục đích ngăn chặn các vụ tấn công tiếp theo. Ví dụ như bỏ tù nghi can trong nhiều thập niên mà không cần đến xét xử. Đây là điều mà Washington thường chỉ trích một số nước khác. 
Hàng chục người vẫn còn bị giam giữ tại cơ sở giam ở Vịnh Guantanamo, trong đó nhiều người bị giam giữ vô thời hạn mà không bị kết tội. Việc lạm dụng tù nhân xảy ra ở đây, ở các điểm giam giữ bí mật của CIA và nhà tù Abu Ghraib ở Iraq đã làm hoen ố danh tiếng của cường quốc này, khiến cả thế giới lên án.

Cuộc xâm lược Iraq vô tình tạo ra một chuỗi sự kiện dẫn đến sự xuất hiện của tổ chức IS.

RT

Các mối đe dọa khủng bố chính ngày nay đối với Mỹ là gì? 

Đáng buồn thay, mối đe dọa khủng bố đối với Mỹ chuyển từ bên ngoài sang ngay chính bên trong đất nước. Cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol hôm 6.1.2021 đã làm nổi rõ điều này. Và các mối đe dọa liên tục từ IS và al-Qaeda gây ra vẫn chưa biến mất. 
Thách thức đối với nước Mỹ là phải hình thành một năng lực chống khủng bố đủ linh hoạt để chống lại mọi mối đe dọa khủng bố cả từ nước ngoài lẫn trong nước. 
Tuy nhiên, sự chia rẽ đảng phái hiện nay có thể ngày càng làm suy yếu việc thực hiện chiến lược chống khủng toàn diện và chặt chẽ. Sự thống nhất, chung mục đích, chung vận mệnh đã giúp nước Mỹ đoàn kết hơn sau vụ tấn công 11.9 nay đã không còn nữa. Ngược lại, bầu không khí chính trị hiện nay có thể làm tê liệt chính phủ trong việc chuẩn bị cho những mối đe dọa tiếp theo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.