Ông Biden sẽ làm gì với Trung Quốc - thách thức đối ngoại lớn nhất nhiệm kỳ tổng thống?
17/11/2020 07:24 GMT+7
Khi Tổng thống tân cử Joe Biden đang phải đối mặt với giai đoạn chuyển giao quyền lực đầy căng thẳng, chính sách ngoại giao có thể chưa phải là ưu tiên. Tuy nhiên, lãnh đạo khắp thế giới đã và đang mong đợi ông thiết lập lại quan hệ và khôi phục lại các chuẩn mực đã bị bỏ qua dưới thời Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là Trung Quốc .
Tự động phát
Trong 4 năm qua, Mỹ và Trung Quốc đã xung đột kinh tế sâu sắc qua việc tăng thuế nhập khẩu, ngăn công ty công nghệ tiếp cận thị trường, hạn chế phóng viên, nhà ngoại giao, đóng cửa lãnh sự quán và va chạm quân sự ở Biển Đông.
Chuyên gia của cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều chưa chắc chắn liệu Tổng thống tân cử Joe Biden sẽ tiếp tục đường hướng của ông Trump đối với Bắc Kinh hay sẽ tái thiết lập lại quan hệ giữa hai quốc gia.
|
Đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Biden vẫn chưa đưa ra bất cứ tuyên bồ nào liên quan đến Trung Quốc.
Trong gần 50 năm hoạt động chính trị, ông Biden tỏ ra mềm dẻo với Bắc Kinh.
Ông đóng vai trò quan trọng giúp Trung Quốc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi năm 2001 khi còn là thượng nghị sĩ.
Sau đây là dự đoán của các nhà phân tích về quan hệ Mỹ-Trung Quốc dưới thời Tổng thống tân cử Joe Biden:
Quan hệ chung
Ông Joe Biden là phó tổng thống Mỹ trong 8 năm nhiệm kỳ cựu Tổng thống Barack Obama. Suốt khoảng thời gian này, quan hệ Mỹ-Trung được đánh giá cao vì vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của Trung Quốc.
Dù Trung Quốc đã tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự, quan hệ ngoại giao thời kỳ này phần lớn vẫn là nỗ lực hợp tác hơn là đối đầu. Các tranh chấp tập trung vào vấn đề an ninh, như việc Trung Quốc tăng cường hiện diện phi pháp ở Biển Đông và hoạt động gián điệp mạng.
Ông Obama từng tuyên bố quan hệ Mỹ-Trung Quốc định hình thế kỷ 21 và vì vậy, quan hệ chung ổn định không chỉ quan trọng đối với Mỹ mà còn đối với toàn thế giới.
|
Ông Joe Biden từng nhiều lần đến Trung Quốc nhằm kêu gọi ủng hộ cho nhiều chính sách quan trọng của ông Obama, trong đó có nỗ lực kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2013 đã gọi ông Biden là “một người bạn cố tri của Trung Quốc”. Cuộc gặp riêng giữa hai nhà lãnh đạo kéo dài 2 tiếng thay vì 45 phút như dự kiến.
Ông Biden từng nói: “Nếu có được quan hệ này với kiểu mẫu mới, khả năng là vô hạn”.
Bất chấp việc nhóm tranh cử của Tổng thống Trump cáo buộc ông Biden thân thiện với Trung Quốc, có bằng chứng cho thấy quan điểm của cựu phó tổng thống trong vài năm gần đây đã thay đổi khi Trung Quốc ngày càng xem Mỹ là đối thủ chính.
Tháng 2.2020, ông Biden khẳng định Trung Quốc phải “tuân thủ luật chơi”. Chiến dịch tranh cử ông Biden hồi tháng 6 đăng video cáo buộc ông Trump bị “Trung Quốc dắt mũi”.
Thương mại
Một trong những điểm định hình đường lối của chính phủ ông Trump đối với Trung Quốc là xung đột thương mại.
Từ giữa năm 2018, ông Trump áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá hàng trăm tỉ USD, nỗ lực giảm thâm hụt thương mại Mỹ-Trung và buộc Bắc Kinh phải mở cửa kinh tế.
Hai nước chưa tiến triển gì từ sau “thỏa thuận thương mại giai đoạn 1” từ tháng 1.2020, do còn nhiều bất đồng chưa được giải quyết trong đó có các khoản trợ cấp của Trung Quốc dành cho các công ty quốc doanh đang cạnh tranh trên trường quốc tế.
|
Các tuyên bố gần đây cho thấy ông Biden có thể tiếp tục hành động chống Bắc Kinh trên các chính sách kinh tế. Tuy nhiên, ông cho rằng việc áp thuế quan cũng gây hại cho Mỹ không kém gì Trung Quốc, theo NPR hồi tháng 8.
“Điều tôi khiến Trung Quốc phải làm là tuân thủ luật quốc tế, không như ông ấy. Chúng ta cần những người bạn của mình nói với Trung Quốc rằng ‘đây là luật chơi. Trung Quốc phải tuân thủ nếu không sẽ phải trả giá", ông Biden nói.
Ngoài ra, ông Biden cũng có thể tiếp tục cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc từ thời ông Trump. Tháng 9.2020, ông Biden thể hiện lo ngại về ứng dụng TikTok nổi tiếng của Trung Quốc: “Theo tôi, có vấn đề đáng lo ngại rằng TikTok, của Trung Quốc, đã vươn tới hơn 100 triệu người dùng trẻ, tại Mỹ”.
Biển Đông
Cả chính phủ ông Obama lẫn ông Trump đều theo đuổi nhiều chính sách chống lại sự hiện diện phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ tăng cường hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông dưới thời Tổng thống Trump và công khai tuyên bố “phần lớn các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp”.
Ông Biden chưa đưa ra bất cứ công bố quan trọng nào về Biển Đông, nhưng cũng không có dấu hiệu cho thấy ông sẽ đảo ngược chính sách mạnh tay của ông Trump ở khu vực này.
|
Nhiều lần trong chiến dịch tranh cử, ông Biden kể lại câu chuyện ông thẳng thừng thông báo với ông Tập Cận Bình hồi năm 2013 rằng Mỹ sẽ tiếp tục triển khai máy bay trong khu vực dù chính phủ Trung Quốc có thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ).
“Ông ấy nói chúng ta không thể bay ở đó. Tôi nói chúng tôi vẫn sẽ bay qua đó. Chúng tôi chẳng thèm để ý đâu", ông Biden nói trong cuộc tranh luận tổng thống lần 2.
Đài Loan
Tổng thống Trump thắt chặt quan hệ với Đài Loan trong nhiệm kỳ của mình, đặc biệt trong 1 năm qua.
Chính phủ ông Trump thông qua hợp đồng vũ khí hàng tỉ USD với Đài Loan. Tháng 8 vừa rồi, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar là quan chức Mỹ cấp cao nhất đến thăm Đài Loan trong hàng chục năm qua.
Ông Biden từ lâu đã ủng hộ Đài Loan và chính quyền tự trị của hòn đảo này. Trung Quốc thì vẫn xem Đài Loan là phần lãnh thổ không thể tách rời. Ông Tập Cận Bình từng tuyên bố sẽ “thống nhất” Đài Loan với đại lục và có thể dùng vũ lực nếu cần thiết.
|
Ông Biden từng ghi nhận tầm quan trọng của Đài Loan với lợi ích của Mỹ nhưng cũng khẳng định “Mỹ không có nghĩa vụ bảo vệ Đài Loan khỏi bị tấn công”.
Ông Biden không có dấu hiệu sẽ thay đổi cách tiếp cận của chính phủ ông Trump với Đài Loan. Ông từng chúc mừng bà Thái Anh Văn khi bà nhậm chức hồi tháng 1 và bà này cũng đã chúc mừng khi ông thắng cử.
Bình luận (0)