Úc sẽ tự đóng tàu ngầm hạt nhân nhờ liên minh an ninh mới với Mỹ, Anh

16/09/2021 11:40 GMT+7

Anh, Mỹ và Úc vừa ký kết thỏa thuận an ninh đặc biệt để chia sẻ các công nghệ quốc phòng tiên tiến, nhằm đương đầu các thách thức từ Trung Quốc.

Quan hệ đối tác này sẽ hỗ trợ Úc lần đầu tiên tự phát triển tàu ngầm hạt nhân. Thỏa thuận về liên minh 3 nước có tên AUKUS có nội dung bao gồm cả trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và không gian mạng.
Theo thỏa thuận mới, Úc hủy bỏ hợp đồng phát triển các tàu ngầm Pháp thiết kế. Hồi năm 2016, Pháp thắng hợp đồng trị giá 50 tỉ USD để xây dựng 12 tàu ngầm cho hải quân Úc, đánh dấu hợp đồng quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay của Úc. Tuy nhiên, dự án này trì hoãn vì Úc yêu cầu một số linh kiện phải là hàng nội địa.
Ngày 15.9, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris JohnsonThủ tướng Úc Scott Morrison ra tuyên bố chung về quan hệ hợp tác an ninh mới: “Là sáng kiến đầu tiên trong AUKUS… chúng tôi cam kết chia sẻ tham vọng chung nhằm hỗ trợ hải quân Úc sở hữu tàu ngầm hạt nhân. Điều này sẽ thúc đẩy sự ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sẽ được triển khai để hỗ trợ các giá trị và lợi ích chung”.
Ông Johnson khẳng định 3 quốc gia là đồng minh tự nhiên và liên minh sẽ “thắt chặt quan hệ hơn bao giờ hết".
Vài tuần gần đây, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã được triển khai đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mang theo nhiều quân nhân và thiết bị từ Mỹ.
Tuyên bố chung khẳng định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bao gồm các tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết, các mối đe dọa từ khủng bố và vấn đề tội phạm có tổ chức.
“Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là tuyến đầu của các thách thức an ninh, trong đó có an ninh mạng", theo tuyên bố này.
Cả Mỹ, Úc và Anh hiện lo ngại trước thực tế Trung Quốc ngày càng tăng cường sức mạnh và hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tướng cấp cao nhất chính quyền Trump 'bí mật cảnh báo Trung Quốc về chiến tranh'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.