Vắc xin AstraZeneca tiêm 3 mũi, tiêm nhắc cách 10 tháng có hiệu quả ra sao?
29/06/2021 19:32 GMT+7
Ngày 28.6, các nhà nghiên cứu cho biết mũi tiêm nhắc thứ 3 của vắc xin Covid-19 AstraZeneca tạo ra khả năng miễn dịch mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh rằng mũi tiêm thứ 3 là không cần thiết trong điều kiện thiếu hụt vắc xin ở một số quốc gia.
Tự động phát
Chính phủ Anh cho biết họ đang xem xét các kế hoạch cho chiến dịch tiêm nhắc lại vắc xin ngừa Covid-19 vào mùa thu. Tính đến nay, có 60% người trưởng thành ở nước này đã tiêm đủ 2 liều vắc xin.
Giờ đây, một nghiên cứu của Đại học Oxford đã phát hiện ra rằng liều vắc xin AstraZeneca thứ 3 tạo hiệu quả miễn dịch cao, và là phương án khả thi đáng được xem xét.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết thêm rằng vẫn chưa có bằng chứng cho thấy cần tiêm nhắc lại mũi thứ 3, đặc biệt là ở những quốc gia có nguồn cung vắc xin hạn chế.
|
Phó giáo sư Đại học Oxford, Teresa Lambe, cho biết: "Dữ liệu thu được từ thực tế cho thấy vắc xin có hiệu quả chống lại sự lây nhiễm Covid-19. Rất nhiều nước trên thế giới thậm chí còn chưa được tiêm 1 liều vắc xin. Vì vậy tôi nghĩ thay vì tiêm liều thứ 3, số vắc xin đó nên được chuyển đến những quốc gia này. Kịch bản đó, bức tranh đó có thể thay đổi khi mùa đông đến và chúng ta có thể thấy hiệu quả của việc tiêm nhắc lại vắc xin. Nhưng hiện tại, tôi không nghĩ chúng ta tìm ra được bằng chứng cụ thể cho điều này".
Theo nghiên cứu của Đại học Oxford, liều thứ 3 làm tăng khả năng miễn dịch của kháng thể và tế bào T. Trong khi đó, liều thứ 2 có thể được hoãn đến 45 tuần sau liều thứ nhất nhưng cũng có tác dụng tăng cường phản ứng miễn dịch.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng hiệu quả miễn dịch sẽ cao hơn nếu tiêm nhắc lại mũi thứ 2 sau 12 tuần thay vì chỉ 4 tuần.
Nghiên cứu của Đại học Oxford cũng có thể giúp giảm bớt lo ngại rằng vắc xin có thể mất tác dụng nếu cần đến tiêm chủng hàng năm.
|
"Những gì chúng ta thấy là liều thứ 3 của vắc xin AstraZeneca sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch kháng thể. Nó có thể đẩy kháng thể lên cao hơn so với 2 mũi trước. Đã có một số lo ngại rằng chúng tôi sẽ không sử dụng AstraZeneca trong chế độ tiêm chủng tăng cường, và đó chắc chắn không phải là những gì dữ liệu cho thấy", bà Teresa Lambe nói thêm.
Vào cuối tuần trước, Oxford đã tiến hành một thử nghiệm khác bằng cách sử dụng phiên bản sửa đổi của vắc xin để chống lại biến thể Beta (lần đầu tiên phát hiện ở Nam Phi) một cách hiệu quả hơn. Đây là biến thể khiến các bác sĩ tiêm chủng lo lắng nhất về khả năng tránh miễn dịch của nó.
Bình luận (0)