WHO cảnh báo đại dịch Covid-19 đang tăng tốc, lo ngại các cụm lây nhiễm mới

24/06/2020 10:49 GMT+7

Theo cổng thông tin Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến sáng 24.6.2020, toàn thế giới đã ghi nhận 9.184.976 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 , với 474.609 ca tử vong và hơn 4,6 triệu bệnh nhân đã hồi phục.

Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến do Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tổ chức hôm 22.6, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi thế giới đoàn kết và có sự lãnh đạo toàn cầu trong việc đối phó đại dịch Covid-19, sau khi số ca mắc vượt ngưỡng 9 triệu trong hôm 23.6.
“Mối đe dọa lớn nhất của thế giới không phải là virus corona chủng mới gây Covid-19. Chúng ta không thể đánh bại đại dịch với thế giới chia rẽ. Việc chính trị hóa đại dịch khiến nó càng trầm trọng thêm”, ông nhấn mạnh.

Một lọ Dexamethasone trong hình ảnh minh họa chụp ngày 17.6

Reuters

Ông Tedros kêu gọi các nước đẩy mạnh sản xuất dexamethasone, loại thuốc chống viêm giá rẻ giúp giảm tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân nặng. Khoảng 2.000 bệnh nhân Covid-19 sử dụng thuốc này trong nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) và tỷ lệ tử vong giảm 35% trong số những bệnh nhân nặng. Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh thuốc này chỉ nên sử dụng cho bệnh nhân nặng hoặc nguy kịch và dưới sự theo dõi sát sao ở bệnh viện.
Tại Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci, quan chức hàng đầu về bệnh truyền nhiễm nước này, cho biết ông đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại trong các trường hợp nhiễm virus corona mới ở một số bang. “Vài ngày trước, có đến 30.000 ca nhiễm mới. Điều đó với tôi là vấn đề lớn.”

Người biểu tình nằm giữa đường cao tốc trong 8 phút 46 giây trong cuộc tuần hành chống phân biệt chủng tộc tiếp diễn ở Washington (Mỹ) ngày 23.6

Reuters

Một phân tích của Reuters cho thấy Mỹ đã chứng kiến sự gia tăng 25% trong các trường hợp mới của Covid-19 vào tuần trước so với tuần trước nữa, với các bang Florida, Texas và Arizona đã trải qua những đợt tăng đột biến trong các ca nhiễm mới. Ông Fauci cho biết lý do lây nhiễm ở Mỹ đang gia tăng tại một số tiểu bang là do sự gia tăng lan rộng trong cộng đồng.
Ông và các chuyên gia khác đã cảnh báo rằng việc tái mở cửa quá sớm có thể dẫn đến một làn sóng lây nhiễm mới. Các quan chức y tế Mỹ cho biết rằng các tiểu bang chứng kiến sự tăng đột biến trong các trường hợp Covid-19 có thể cần phải áp dụng lại các hạn chế tương tự như những gì đã được thực hiện vào tháng 3.

Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio đến tiệm cắt tóc trong giai đoạn hai tái mở cửa các doanh nghiệp ở thành phố New York (Mỹ) ngày 23.6

Reuters

Tuần này, California và Texas đều báo cáo hơn 5.000 ca nhiễm mới trong một ngày. Arizona và Nevada cũng đã báo cáo sự gia tăng kỷ lục trong các trường hợp mới, sau khi ghi nhận mức cao nhất vào tuần trước. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23.6 đưa ra dự báo số ca tử vong tại nước này có thể lên đến 150.000 người, đồng thời nhấn mạnh con số này có thể đã lên đến 4 triệu nếu không có biện pháp đối phó. Hiện tại Mỹ ghi nhận 2.342.739 trường hợp nhiễm virus với 121.176 ca tử vong.
Các nước thuộc liên minh châu Âu đang cân nhắc cấm người Mỹ nhập cảnh khi tình hình dịch đang diễn biến phức tạp tại nước này khiến các quan chức EU lo ngại công dân Mỹ có thể gây ra tình trạng tái lây nhiễm cho người châu Âu. Tuy nhiên, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất không được chào đón, vì EU cũng đang xem xét các lệnh cấm đối với du khách đến từ Nga và Brazil, hai quốc gia khác có tỷ lệ lây nhiễm cao chỉ đứng sau Mỹ.

Một màn hình hiển thị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về dịch Covid-19 trên khắp thế giới tại "Văn phòng Khủng hoảng" ở Sao Paulo (Brazil) ngày 23.6

Reuters

Bộ Y tế Brazil hôm 23.6 cho biết đã ghi nhận 39.436 trường hợp nhiễm mới trong 24 giờ qua cũng như có thêm 1.374 trường hợp tử vong do dịch Covid-19. Hiện tại, Brazil đã ghi nhận hơn 1,1 triệu trường hợp kể từ khi đại dịch bắt đầu, trong khi số người chết đã lên đến 52.645. Theo sau Brazil là Nga, với số ca nhiễm virus corona chủng mới hiện được ghi nhận đã đạt gần 600.000 ca với 8.349 ca tử vong.
Trong khi đó, nhiều nơi đang lo ngại về các cụm lây nhiễm mới như Melbourne (Úc), Lisbon (Bồ Đào Nha) và Bắc Kinh (Trung Quốc). Hãng AP dẫn lời chuyên gia Michael Ryan phụ trách chương trình y tế khẩn cấp của WHO nhận định, việc ghi nhận số ca mắc Covid-19 kỷ lục cho thấy một số nước đông dân đang tiến tới đỉnh dịch. Trước thông tin cho rằng số ca mắc Covid-19 tăng do xét nghiệm nhiều, ông Ryan bác bỏ nguyên nhân này và nêu rõ rằng tình hình dịch đang phức tạp vì số ca nhập viện và tử vong đều tăng.

Một nhà hàng lắp đặt các tấm nhựa ở giữa các bàn để hạn chế lây lan dịch Covid-19 tại Metro Manila (Philippines) ngày 16.6

Reuters

Bộ Y tế Philippines hôm 23.6 ghi nhận thêm 1.150 ca nhiễm Covid-19, đánh dấu số ca nhiễm mới/ngày cao nhất từ trước tới nay và nâng tổng số ca nhiễm lên 31.825 ca. Ngoài ra, Bộ này còn ghi nhận thêm 9 người chết, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 1.186 ca, đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia, theo Reuters.
Quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cùng ngày cho biết nước ghi nhận thêm 35 người chết, nâng tổng số người chết vì dịch Covid-19 lên 2.535 ca. Bên cạnh đó, Bộ Y tế Indonesia ghi nhận thêm 1.051 ca nhiễm trong ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 47.896 ca, hiện vẫn đứng đầu Đông Nam Á. Đứng sau Indonesia về số ca nhiễm là Singapore với 42.432 trường hợp nhiễm và 26 ca tử vong, kế đến là Philippines; tiếp theo là Malaysia với 8.590 ca nhiễm, 121 người chết; và Thái Lan với 3.156 ca nhiễm và 58 ca tử vong.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.