Việt kiều Mỹ đón Giáng sinh giữa dịch Covid-19: Người Mỹ tưng bừng mua sắm, thăm thú

25/12/2021 12:12 GMT+7

Mùa Giáng sinh thứ 22 của tôi ở Mỹ diễn ra với rất nhiều sắc thái. Sau một mùa Giáng Sinh 2020 ảm đạm, người ta đã không còn chịu ở nhà tránh dịch.

Từ Việt Nam, tôi trở lại Mỹ vào giữa tháng 12 sau ba lần đổi vé. Chuyến đi 3 tuần kéo dài thành cả tháng nhưng vẫn chưa thấy thỏa mãn. Được về nhà mà, nhất là sau hai năm trời chia cách và tốn một mớ tiền mua vé, ở lại thêm ngày nào hay ngày đó. Nhưng cuối cùng tôi vẫn phải đi. Công việc đang đợi bên này. Sếp đã bắt đầu nhắn tin than này, kể kia rồi. Hẹn lại sau Tết, khi Việt Nam mở rộng cửa bầu trời, tôi sẽ lại về thăm quê.

Mặc kệ Covid-19 hay Delta hay Omicron; mặc cho số ca nhiễm lên tới hơn 200 ngàn và số ca tử vong vẫn trên 1.000 mỗi ngày; mặc cho báo đài, tổng thống, thống đốc, thị trưởng lên tiếng kêu gọi bà con ở nhà, đừng đi du lịch, thăm thân nhân, hạn chế tới nhà người quen ăn uống, tiệc tùng; mặc cho rất nhiều trường học tiếp tục đóng cửa vì ca dương tính tăng phi mã… người Mỹ vẫn bỏ ngoài tai.

Sau một mùa Giáng Sinh 2020 ảm đạm, người ta đã không còn chịu ở nhà tránh dịch. Nhu cầu ra ngoài, mua sắm, ăn uống, thăm thú trở nên cấp thiết hơn bất cứ lúc nào.Do mệt mỏi nên tôi ngủ suốt trên mấy chuyến bay. Vừa hạ cánh xuống sân bay Newark (EWR) ở New Jersey, ngoại ô thành phố New York, không khí Giáng sinh đã tràn ngập khắp nơi. Cây thông Noel bằng nhựa, các vòng hoa xanh đỏ, trạng nguyên rực rỡ nở tại sân bay giữa những bản nhạc đặc trưng của mùa lễ hội. Bà con nô nức cầm hoa, bong bóng, mặc áo quần lộng lẫy chào đón người thân. Hải quan cũng thân thiện hơn dù số lượng hành khách đông vô ngần. Mới hay, ngày lễ lớn, đẹp, quan trọng và mùa mua sắm tưng bừng, lộng lẫy nhất của người Mỹ đã đến.

Người Việt đi mua đủ thứ đồ ăn cho lễ vì được nghỉ dài.

nguyễn hữu tài

Sau một mùa Giáng Sinh 2020 ảm đạm, người ta không còn chịu ở nhà tránh dịch.

nguyễn hữu tài

Năm nay Giáng sinh và Năm mới rơi vào thứ bảy nên mọi người sẽ nghỉ bù vào thứ sáu kèm chủ nhật. Đây có thể được coi là hai dịp long weekend (cuối tuần dài). Bên này nghỉ lễ chỉ một ngày thôi. Ai muốn dài hơn thì lấy phép để ở nhà hay đi chơi. Người khác vẫn đi làm như không có gì xảy ra hết. Cho nên được cái “long weekend” như thế này bà con mặc sức tung hoành đi khắp chốn.

Theo tổ chức AAA (American Automobile Association), sẽ có khoảng 109 triệu người Mỹ sẽ di chuyển hơn 50 dặm bằng tàu, xe hay máy bay trong tuần lễ cao điểm giữa Giáng sinh và Năm mới. Con số này bằng khoảng 92% trước đại dịch. Thiệt ra không cần đọc dự báo tôi cũng biết rồi. Mấy ngày trước, vừa trở lại Mỹ chưa nóng chỗ, tôi đã bay từ DC sang Phoenix (Arizona) để tham quan thắng cảnh Grand Canyon cùng bạn. Sân bay đông nghịt. Những chuyến bay đầy nhóc người không chỗ thở. Khách sạn hầu như cũng hết phòng mà giá trên trời. 2h sáng, chúng tôi lái xe từ Phoenix hết ba tiếng đi Grand Canyon để ngắm mặt trời lên. Tới nơi, giữa giá lạnh kinh hồn và sự hùng vĩ của Hẻm núi lớn, cả trăm người chen chúc nhau ngắm thời khắc huy hoàng nhất trong ngày của thắng cảnh đẹp nhất nước Mỹ. Mọi lời cảnh báo về tình trạng thảm thương của nước Mỹ sau Giáng sinh giờ đã trở thành vô nghĩa rồi.

Trang trí Giáng sinh ở sân bay Newark

nguyễn hữu tài

Mùa mua sắm tưng bừng, lộng lẫy nhất của người Mỹ đã đến.

nguyễn hữu tài

Các vùng chung quanh thủ đô Washington, D.C. những ngày này kẹt xe liên tục. Ra đường bất kể sáng trưa chiều tối là một cực hình. Đi mua sắm chờ tính tiền cũng là một "nỗi đau". Hàng quán đã mở cửa hết công suất. Shopping mall đông nghẹt người. Ai nấy cũng khẩu trang đầy đủ đi dạo ngắm đồ hoặc mua quà cho người thân. Các thương hiệu xa xỉ như Cartier, Hermes hay Louis Vuitton thì phải xếp hàng cả tiếng mới được vô trong ngắm đồ.

Các siêu thị bán thực phẩm không chỗ chen chân. Nhìn dòng người đứng tính tiền ở Costco, Safeway, Walmart, Giant hay Aldi mới thấy nhu cầu ăn uống mùa lễ của người Mỹ không thay đổi trong đại dịch. Người nào cũng mua cả xe to đủ thứ các loại hàng hóa dù giá cả tăng cao do lạm phát. Đi ngang qua các khu chợ của người Mỹ Latinh mới khủng hơn. Đông đen và kẹt cứng. Phần lớn họ theo Công giáo nên Giáng sinh là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Mỗi gia đình đẩy 2, 3 xe mới đủ. Người Việt bên này cũng đi mua đủ thứ đồ ăn cho lễ vì được nghỉ dài. Vô chợ đã thấy nhiều chỗ bán bánh tét, bánh chưng, mứt, củ kiệu… như Tết sắp cận kề. Thiệt tình mà nói, mùa này lạnh cắt thịt cắt da. Nhiệt độ bên ngoài mỗi đêm xuống dưới 0, ngoài ăn cũng không biết phải làm gì khác.

Xếp hàng chờ mua sắm

Nguyễn Hữu tài

Nhà hàng chật kín người. Khổ nỗi nhiều nơi đang vật vã tìm thêm nhân viên phục vụ. Rất nhiều người Mỹ vẫn còn ám ảnh với Covid-19 hay vì con cái còn học online nên nhất định không đi làm. Hết tiền ư? Lo gì, cứ cà thẻ thoải mái thôi. Sau lễ tính tiếp. Những người không tiền thì chỉ cần siêng đọc… email và vô các trang web của thành phố hoặc quận để biết ngày giờ phát thực phẩm, áo quần miễn phí. Cứ lái một vòng tới đó lấy thức ăn về bỏ tủ lạnh cả tháng cũng không hết. Áo quần ấm mặc tới mấy mùa đông cũng còn.

Nếu như 2020 cây thông tươi cháy hàng, giá cao ngất ngưỡng, thì năm nay, y như trước dịch, thông ê hề không người tới hỏi mua. Cận đêm Giáng Sinh rồi mà gian hàng vẫn còn rất nhiều, ế ẩm. Người bán co ro trong rét buốt, đốt gỗ thông cố sưởi ấm cho mình. Người Mỹ ra đường rồi, họ chẳng có nhu cầu mua thông thiệt để chưng ngửi mùi thơm. Thôi thì quay về với cây thông giả cho rẻ. Sang năm xài tiếp.

Cây thông tươi ê hề không người tới hỏi mua.

nguyễn hữu tài

Các siêu thị bán thực phẩm đông kín người

nguyễn hữu tài

Trước Nhà trắng, lễ hội National Christmas Tree cũng nhộn nhịp thu hút hàng chục ngàn khách tham quan giữa tiếng nhạc rộn ràng. Chính giữa là cây thông to đùng. Chung quanh là năm mươi mấy cây thông biểu tượng của 50 bang cùng với các lãnh thổ khác của Mỹ tề tựu đông đủ. Trên mỗi cây, là những hình ảnh, biểu tượng của mỗi bang được các em học sinh mỗi bang vẽ và trang trí.

Hơn 800 ngàn người đã ra đi vì đại dịch trong gần hai năm qua. Nhưng phần lớn người Mỹ đã chấp nhận sự mất mát đau thương và tiếp tục sống. Có lẽ việc phong tỏa hay đóng cửa sẽ không bao giờ diễn ra trên nước Mỹ lần nữa. Các nhà thờ chung quanh nơi tôi ở hạn chế tới mức tối đa việc treo đèn kết hoa rực sáng. Có lẽ họ không muốn tổ chức rộn ràng giữa đại dịch. Phần lớn những người Mỹ tôi biết đều có cùng suy nghĩ, họ đã chích mũi 2 thậm chí mũi 3 rồi, tại sao lại chịu bó gối ở nhà giữa lúc không khí lễ hội tưng bừng? Còn ai không chịu chích ngừa thì là chuyện của họ.

Không khí Giáng sinh tràn ngập khắp nơi

nguyễn hữu tài

Mỗi sáng tôi vẫn xách cặp đi làm. Gặp nhau, nhoẻn miệng cười (dù bị khẩu trang che mất tiêu), rồi chúc nhau “Merry Christmas and Happy New Year” hay “Happy holidays”. Ai cũng mong đại dịch qua mau để cuộc sống trở lại bình thường. Ra đường, đi làm, đi chơi không cần đeo khẩu trang và nơm nớp lo như hai năm qua nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.