Hơn hai tuần kể từ khi tổng thống Donald Trump ban bố lệnh khẩn cấp quốc gia, ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ cứ tăng dần theo cấp số nhân. Sau khi leo lên dẫn đầu, rồi vượt qua mức 100.000 ngày 27.3), thì mỗi ngày, Mỹ có thêm gần 20.000 ca dương tính. Điều đáng sợ là theo các chuyên gia, vẫn chưa ở đỉnh dịch. Số ca nhiễm chủ yếu tập trung ở hai miền Tây và Đông Bắc Mỹ rồi từ từ tới miền Nam và vùng Trung Tây (Midwest) thưa vắng. Trong vài ngày tới, khi xét nghiệm được mở rộng, chắc chắn số ca nhiễm sẽ tăng nhanh, có khi bằng tất cả các nước khác trên thế giới cộng lại cũng không chừng.
Mọi con mắt đổ về tiểu bang New York
Từ tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc), rồi Ý, rồi Tây Ban Nha và giờ là Mỹ, mọi con mắt đang đổ dồn về tiểu bang New York khi chiếm gần nửa ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ. Thành phố New York nổi tiếng đèn điện sáng choang, đông đúc, nhộn nhịp, không ngủ ngày nào phúc chốc bỗng thành nơi rẫy đầy bệnh tật. Đường phố vắng tanh, những cửa hiệu đóng cửa, sân bay vắng lặng người, Quảng trường Thời đại sầm uất mọi khi giờ như một bãi đất lặng yên không người qua lại. Rất nhiều tiểu bang đã ra lệnh những người từng tới New York, New Jersey và Connecticut lân cận phải tự cách ly 14 ngày chứ không là bị phạt.
Ở Maryland, Virginia và Washington D.C., người dân chúng phải ở nhà, chỉ được ra ngoài mua thức ăn, khám bệnh và một vài trường hợp đặc biệt khác. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền lẫn tù không khoan nhượng.
|
Và thủ đô Washington D.C., nơi tập trung quyền lực chính trị của đất nước hùng mạnh nhất thế giới cũng khiến người khác để tâm. Dân chúng và thị trường chứng khoán khắp nơi ngày ngày dõi mắt xem tổng thống Donald Trump cùng bộ sậu và quốc hội Mỹ đang làm gì để chống lại sự lây nhiễm kinh hoàng và không đẩy nước Mỹ lún sâu vào khủng hoảng kinh tế.
Từ một vài ca nhiễm lẻ tẻ, mất ba tuần để đạt mức 1.000 ca, thì đến nay, khu thủ đô (gồm Washington D.C., phía Bắc Virginia và một phần Maryland), con số dương tính đã lên tới gần 3.000, với 53 người chết. Cứ mỗi ba đến bốn ngày lại tăng gấp đôi mới đáng sợ.
|
So với nhiều metropolitan (vùng đô thị) khác, Washington D.C. có lợi thế là trung tâm chính trị và du lịch của cả nước, nên công việc rất dồi dào, chủ yếu là các cơ sở dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, chung cư, tiệm làm đẹp… phục vụ cho du khách và các chính trị gia. Suốt thời khủng hoảng kinh tế 2008, nếu như các miền khác phải vật vã với số lượng người thất nghiệp, thì nơi đây mọi người vẫn sống khá bình thản, việc làm ổn định, lương cao, và hút một lượng dân số từ nhiều bang khác tìm đến.
Mỗi năm, lễ hội hoa anh đào (Cherry Blossom), thủ đô Hoa Thịnh Đốn với gần 700 khách sạn có công suất hơn 110.000 phòng chào đón 1,5 triệu du khách từ nhiều bang Mỹ và khắp nơi trên thế giới tìm đến thưởng ngoạn 3.000 cây anh đào tuyệt đẹp, thì năm nay, con số ấy cũng chẳng được 1/10.
Nhưng trong lúc này, tình hình ấy không khả quan như thế nữa. Theo chỉ thị của thống đốc Virginia, Maryland và thị trưởng D.C., cấm tụ tập trên 10 người. “Social distancing” (khoảng cách an toàn trên 2 mét) là cụm từ được nhắc tới nhiều nhất mỗi ngày, thậm chí nhiều nơi như Home Depot chỉ cho mỗi lần… 1 người vào mua sắm. Trường học và các cơ sở không quan trọng như tiệm nail, hớt tóc, spa đều phải đóng cửa. Nhà hàng không được phục vụ khách ăn tại chỗ, chỉ mua đi. Gym, sòng bài, trung tâm thương mại trong nhà ở Maryland hoàn toàn ngừng hoạt động.
Các cửa hiệu sang trọng như Louis Vuitton, Gucci, tới Macys, Nordstrom Rack, Bloomingdales hay nhỏ hơn kiểu Abercrombie, Hollister, Gap, Old Navy đều cửa đóng then cài. Văn phòng bác sĩ hầu như mở cửa đón bệnh nhân vì sợ dịch bệnh lây lan. Nhưng tiền thuê nhà vẫn trả đủ. Nhân viên bị sa thải hay nghỉ không lương nhiều vô kể. Bên cạnh đó một số doanh nghiệp như Walmart, Amazon, Costco lại thông báo tuyển số lượng lớn lao động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
|
Sáng ngày 30.3, thống đốc Maryland mới ra thêm lệnh “giới nghiêm”, tất cả người dân đều phải ở nhà để ngăn ngừa dịch bệnh. Virginia và Washington D.C. sau đó vài tiếng cũng đã ra lệnh dân chúng phải ở nhà. Chỉ được ra ngoài mua thức ăn, khám bệnh và một vài trường hợp đặc biệt khác. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền lẫn tù không khoan nhượng.
Các siêu thị Mỹ sau đợt “sóng thần” kéo tới cuốn phăng các kệ hàng hóa, thì nay nhu yếu phẩm đã trở lại khá dồi dào. Có điều các vật dụng cần thiết như nước uống, giấy vệ sinh được hạn chế tối đa, mỗi lần chỉ được mua 1. Thịt heo, bò, bánh mì, trứng thì giới hạn ở con số 2. Nước rửa tay với khẩu trang vẫn là mặt hàng hiếm, có nhiều tiền mua cũng chưa chắc gì mua được. Trong các phát biểu gần đây, ông Trump và CDC Mỹ (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) đã bắt đầu nói tới chuyện bắt người dân đeo khẩu trang ở chỗ công cộng, sau khi thừa nhận được sự “thần kỳ” của nó đã giúp các nước châu Á hạn chế số ca nhiễm.
Cái quan trọng là công việc
Nhưng thật ra vẫn có nhiều nơi tìm cách lách luật. Nhìn cái danh sách dài bốn trang liệt kê những “essential business” (ngành kinh doanh quan trọng) không phải đóng cửa ở Maryland, mới hay hầu như chỉ có những ngành dịch vụ, làm đẹp như nail, hớt tóc, spa, nhà hàng, quán ăn mới bị ảnh hưởng nhiều, chứ các ngành khác vẫn thuộc hàng quan trọng.
Công ty tôi cho thuê mướn chung cư, nên vẫn phải hoạt động. Chúng tôi đã đóng cửa hết tám văn phòng, chỉ mở một nơi rộng nhất, đủ chỗ ngồi cho nhân viên để nghe điện thoại và chỉ sửa chữa những vấn đề quan trọng như mất nước, xì ga, bếp không hoạt động. Tôi vẫn có thể xin phép nghỉ hoặc ngồi ở nhà quản lý, nhưng như thế thì ích kỷ quá. Trong khi mọi người đi làm, mình ngồi co ro… sợ. Hồi xưa mỗi tháng mới họp một lần. Bây giờ thì hầu như mỗi ngày, vì chỉ cần một chỉ thị của liên bang hay tiểu bang thôi, chúng tôi phải thay đổi cách hoạt động. Tới giờ phút này, tôi và sếp chỉ mới bấm bụng sa thải 2 trong số 180 nhân viên. Vẫn cố gắng tạo ra việc làm để họ lãnh lương trong giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng”. Sau đó thì không biết. Dưới áp lực của chủ, chúng tôi sẽ phải tìm cách khác.
|
Tuần này có thể gọi là quyết định. Đầu tháng, người thuê phải thanh toán tiền nhà. Chắc chắn doanh thu được sẽ giảm rất nhiều, nợ tồn đọng tăng cao. Những người còn nợ cũ, phải trông chờ vào ý thức của họ, chứ cũng chẳng thể gọi điện thoại đòi trong lúc này. Tòa án đóng cửa, thi hành án không hoạt động, nên người thiếu tiền không bị kiện và chẳng sợ bị đuổi ra ngoài. Ít ra, tôi không phải là người… ác trong vòng vài tháng.
Từ lệnh đóng cửa hai tuần, đến nay kéo dài thêm một tháng và chưa chắc không biết bao giờ mới dỡ bỏ, con số hồ sơ xin tiền thất nghiệp lên tới 3.3 triệu người. Và trong vài ngày tới, chắc chắn số người mất việc hay nghỉ việc không lương sẽ tăng phi mã.
Nếu như nhiều người ở Việt Nam vui mừng và xuýt xoa trước gói cứu trợ 2,2 ngàn tỉ của quốc hội Mỹ, thì người bên này chỉ vui chút xíu rồi… rầu tiếp. Đơn giản, với 1.200 đô la cho mỗi người trưởng thành có thu nhập (và đóng thuế) dưới 75.000 đô la ở Mỹ, thì con số ấy chỉ bằng một tháng tiền nhà ở khu an ninh tàm tạm thuộc ngoại ô D.C. Còn nơi sang hơn, chỉ được nửa tháng. Nếu không trả tiền nhà, thì với số tiền ấy, có thể mua nhu yếu phẩm cho 2 tuần ngắn ngủi ở thủ đô đắt đỏ này.
Cái quan trọng là công việc, công việc và công việc. Nếu như người châu Á, đặc biệt là người Việt luôn tiện tặn, tiết kiệm để dành những khi trái gió trở trời, thì với người Mỹ, đó là điều… hoang tưởng. Thu nhập cao đồng nghĩa với nhu cầu cuộc sống cũng khá cao. Nhà to, xe xịn, đồ đạc sang trọng, nợ cũng nhiều. Và khi mất việc, trợ cấp thất nghiệp tối đa ở Virginia, Maryland và Washington D.C. lần lượt là 378, 430 và 444 mỗi tuần (bị trừ thêm thuế thu nhập) trong vòng 26 tuần. May mắn là trong gói cứu trợ của quốc hội Mỹ, ngoài tiền trợ cấp tiểu bang, liên bang sẽ cho thêm khoảng 600 đô la mỗi tuần. Nhưng thiệt tình chẳng ai muốn ở nhà ăn tiền thất nghiệp hết. Rồi mai sau mọi thứ trở lại bình thường, hết lãnh được tiền trợ cấp, sẽ phải vò đầu bứt tai cạnh tranh với một lượng lớn lao động đang khao khát việc ngoài kia.
|
Dù có lạc quan đến thế nào đi chăng nữa, mỗi đêm trước khi đi ngủ, khi nước Mỹ bắt đầu “khóa sổ”, nhìn những con số nhảy múa lung tung, tự nhiên bải hoải hết cả người. Mỗi sáng thức dậy, đọc tình hình tin tức bên nhà, cũng thấy lo vì người thân mình còn đó. Mỗi chiều đi làm về, tôi hay lo sợ tự hỏi, “mình có “dính” chưa? Có mang nó về nhà không?” khi chung quanh toàn tin xấu. Một nhân viên của công ty đã hôn mê vì Covid-19 và chắc khó qua khỏi. Do ông ta làm việc từ xa, vài tháng mới lên văn phòng một lần, nên sự lây nhiễm hoàn toàn không có.
Mới hay, giữa lúc này, con người trở nên mong manh trước một con virus bé xíu. Không có gì là vĩnh cửu ở cõi đời này, dẫu buồn, nhưng đành thừa nhận.
Nhưng thôi, tôi vẫn tranh thủ ra công viên đi bộ (tất nhiên là giữ khoảng cách 2 mét) để hít thở không khí trong lành và tập luyện thể thao. Chung quanh tôi, vẫn có nhiều người chạy bộ, đạp xe, chơi bóng chày, bóng rổ giữa đất trời đang vào độ xuân thì, cỏ xanh, nắng ấm, hoa nở khắp mọi nơi. Tăng cường sức đề kháng và giữ tinh thần lạc quan là một phần không thể thiếu để chống lại Covid-19.
D.C. vốn là “tường thành” của đảng Dân chủ nên phần lớn sẽ không ưa Trump. Nhưng lúc này mọi người vẫn lấy một phần khẩu hiệu tranh cử của ông, nước Mỹ vẫn luôn vĩ đại, để nghĩ tới những điều tốt đẹp và trông chờ vào các nhà khoa học đang ngày đêm nghiên cứu tìm vaccine và thuốc chữa. Để dịch bệnh qua mau, con người lại có thời gian tụ tập, đi gần nhau, thay vì phải tranh né, nghi ngờ nhau khi người nào hắt hơi, ho sù sụ.
Bình luận (0)