Việt Nam có cần xây thêm một SVĐ hiện đại?: Cần có thiết chế thể thao đúng tầm

14/09/2022 08:17 GMT+7

Khi bóng đá Việt Nam gặt hái được nhiều thành tích, việc đăng cai các giải đấu hấp dẫn ngay tại sân nhà không chỉ là nhu cầu mà có thể còn trở thành nhiệm vụ mà các tổ chức bóng đá quốc tế giao cho chúng ta.

Trong tương lai gần, có thể sân Mỹ Đình không đủ điều kiện đáp ứng được những nhiệm vụ này mà cần có cơ sở vật chất tốt hơn, xứng đáng với tiềm năng và lòng mong mỏi của khán giả. Thanh Niên đã lắng nghe ý kiến của các cựu quan chức thể thao, đại diện CLB, chuyên gia bóng đá và tất cả đều đồng tình với ý tưởng nên chăng Việt Nam có thêm sân vận động (SVĐ) tầm cỡ quốc gia.

Khán giả đến xem bóng đá ở sân Mỹ Đình hầu như không được hưởng bất kỳ dịch vụ giải trí nào bởi nơi đây không xây dựng theo mô hình tổ hợp thể thao - giải trí - thương mại

ngô nguyễn

Phát huy nguồn lực xã hội hóa

Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Ủy ban TDTT (tên gọi cũ của Tổng cục TDTT), chia sẻ: “Các thiết chế thể thao, các công trình thể thao luôn xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của một đất nước. Nhu cầu ấy không chỉ đơn giản là việc tổ chức các giải đấu liên quan đến thể thao mà còn là nơi đăng cai những sự kiện văn hóa mang tầm vóc quốc gia. Nhiều quốc gia xây SVĐ hoành tráng để đánh dấu sự kiện mang tính lịch sử trọng đại của đất nước, như tổ chức Olympic, ASIAD và hầu hết sau này những công trình thể thao đó lại đi vào phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, đời sống thể thao của người dân. Thậm chí có những quốc gia biến SVĐ thành công viên, tổ hợp vui chơi thể thao - giải trí, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Chúng ta đang nỗ lực cùng nhau xây dựng đất nước phồn vinh về kinh tế, người dân hạnh phúc cả về đời sống vật chất và tinh thần, khỏe mạnh về thể chất, trí lực được nâng cao. Do đó, có thêm sân tốt, sân đạt chuẩn quốc tế sẽ giúp thúc đẩy xã hội phát triển về nhiều mặt

Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Ủy ban TDTT

PV Thanh Niên đặt vấn đề: “Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế đang ổn định, thể thao nói chung và bóng đá nói riêng đang có những sự phát triển nhất định, VN có nên tính đến việc có thêm SVĐ mới với quy mô ngang bằng hoặc lớn hơn sân Mỹ Đình hiện tại hay không?”. Ông Nguyễn Hồng Minh cho biết: “Quan điểm cá nhân của tôi là nên. Đời sống văn hóa, thể thao của người dân sẽ được tác động trực tiếp theo hướng tích cực nếu chúng ta có thiết chế thể thao đúng tầm, được quản lý đúng cách, được vận hành trơn tru, hiệu quả. VN tuy còn gặp khó khăn, nhưng rõ ràng nếu biết phát huy nguồn lực xã hội hóa thì kinh phí xây sân không phải là vấn đề quá nan giải. Chúng ta đang nỗ lực cùng nhau xây dựng đất nước phồn vinh về kinh tế, người dân hạnh phúc cả về đời sống vật chất và tinh thần, khỏe mạnh về thể chất, trí lực được nâng cao. Do đó, có thêm sân tốt, sân đạt chuẩn quốc tế sẽ giúp thúc đẩy xã hội phát triển về nhiều mặt”.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Hồng Minh, chuyên gia Đoàn Minh Xương nói: “Việc đầu tư cho cơ sở vật chất phục vụ thể thao, văn hóa của một địa phương, hay nói rộng hơn là của một đất nước, không bao giờ thừa cả. Vì thế việc đặt ra câu hỏi có nên xây thêm sân vào hoàn cảnh lúc này là rất hợp lý”.

Ông Nguyễn Hồng Minh

Quang Thắng

Có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp

Chủ tịch CLB Bình Dương Hồ Hồng Thạch cho biết: “Cá nhân tôi nghĩ rằng nếu có thể thì mỗi khu vực Bắc - Trung - Nam phải có SVĐ có sức chứa đạt chuẩn quốc tế. Sức chứa 20.000 - 40.000 chỗ ngồi là không đủ mà phải nhiều hơn thế, vì nhu cầu người hâm mộ luôn rất lớn. Những năm qua có thể thấy sân Mỹ Đình, với sức chứa hơn 40.000 chỗ ngồi, ở các trận đấu đỉnh cao của tuyển Việt Nam hầu như không đáp ứng nổi nhu cầu khán giả. Bản thân đội tuyển quốc gia cũng cần những sân bóng có sức chứa lớn để phục vụ người dân.

Các cường quốc bóng đá không có sân nhà cố định

Nhật Bản xây SVĐ quốc gia ở Tokyo để tổ chức Olympic 2020, nhưng giải bóng đá của kỳ Olympic này được tổ chức tại Saitama. Đấy cũng là sân nhà của đội tuyển Nhật trong các trận đấu vòng loại World Cup. Hàn Quốc, một cường quốc khác của bóng đá châu Á, cũng không chọn thủ đô làm sân nhà. Các trận sân nhà của Hàn Quốc diễn ra luân phiên ở các thành phố khác nhau. Tương tự, rất nhiều cường quốc bóng đá trên thế giới chủ trương không chọn sân nhà cố định (chứ khoan nói là thủ đô hay không). Đức, Ý, Brazil, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đều không có sân nhà chính thức, mà tùy thời điểm cụ thể sẽ chọn thành phố phù hợp nhất làm sân nhà. Đấy có thể là quê hương của HLV đương nhiệm, hoặc nơi đang có nhiều tuyển thủ được số đông ủng hộ. Tổng quát hơn, các cường quốc bóng đá ấy muốn cổ động viên ở mọi vùng miền trong nước đều có cơ hội coi đội tuyển quốc gia thi đấu.

K.T

Tôi nghĩ ở phía nam, với trung tâm như TP.HCM thì việc đầu tư xây dựng sân như thế nào, các doanh nghiệp phải biết cách quản lý ra sao để khai thác sân một cách hiệu quả nhất. Sân lúc nào cũng được đảm bảo chất lượng về tất cả các hạng mục, thỏa mãn các tiêu chuẩn để thi đấu quốc tế. Trước khi xây sân phải xác định rõ tất cả các yếu tố quan trọng có liên quan như nguồn kinh phí, kế hoạch khai thác sân để tránh lãng phí. Phải có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp đảm nhiệm những nhiệm vụ về sân. Muốn xây thêm sân ở đâu thì địa phương nào cũng vậy thôi, phải giao hẳn, giao khoán cho đội ngũ chuyên nghiệp và chuyên trách để họ có trách nhiệm khai thác, bảo dưỡng, bảo trì và tạo nguồn thu từ quảng cáo, marketing...”.

Nên xây ở đâu, khai thác thế nào?

Đại diện một CLB ở phía bắc cho hay: “Năm 2018, một tập đoàn cùng đối tác từng ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư phát triển, nâng cấp mở rộng sân Hàng Đẫy với tổng vốn 250 triệu euro. Các nhà đầu tư dự định biến sân Hàng Đẫy trở thành một tổ hợp văn hóa, dịch vụ, thể thao. Trong đó Hàng Đẫy là sân có mái che, có thể san sẻ gánh nặng tổ chức các sự kiện thể thao, văn hóa tại sân Mỹ Đình. Nhưng có thể vì nhiều lý do mà dự án này chưa thể thực hiện. Theo chúng tôi được biết, có thể vì tổ hợp này nằm trong khu phố đông đúc dân cư nên chưa phù hợp với hệ thống giao thông tại Hà Nội. Vì thế, nếu nhà nước có kế hoạch xây sân khác, như sân Mỹ Đình, có lẽ nên nghĩ đến quỹ đất nằm ở phía ngoài trung tâm thủ đô. Và nên thiết kế với quy mô lớn hơn sân Mỹ Đình”.

TP.HCM hiện chỉ có duy nhất sân Thống Nhất, chưa đủ đáp ứng nhu cầu

Khả Hòa

Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Ủy ban TDTT Nguyễn Hồng Minh lại có đề xuất khác: “SVĐ mới nếu được xây dựng không chỉ để dành riêng cho thể thao chuyên nghiệp mà còn phục vụ nhiều nhu cầu chính đáng và lành mạnh khác của người dân. Tôi cho rằng việc TP.HCM chưa có một sân đạt chuẩn quốc tế, tầm cỡ khu vực, châu lục là chưa xứng đáng với tiềm năng và nhu cầu của một địa phương có dân số hơn 10 triệu người. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, sân Thống Nhất đã có nhiều đóng góp nhưng hiện tại đã không đáp ứng được nhu cầu thực tế của sự phát triển thể thao nói chung, bóng đá nói riêng. Nhu cầu thưởng thức thể thao, bóng đá và các sự kiện văn hóa của người dân tại TP.HCM chắc chắn rất lớn, nên nếu chỉ có duy nhất sân Thống Nhất là không đủ. TP.HCM cũng đã từng có dự án xây SVĐ tại Rạch Chiếc nhưng chưa thể tiến hành vì nhiều lý do khác nhau. Theo tôi, các nhà quản lý của thành phố nên xem xét lại dự án này để làm sao TP.HCM có một tổ hợp thể thao hiện đại, trong đó có SVĐ với sức chứa lớn”.

Nguồn vốn xây sân lấy từ đâu?

Chia sẻ với Thanh Niên, một lãnh đạo của Sở VH-TT TP.HCM nêu quan điểm: “Đất nước ta với dân số gần 100 triệu người mà mới chỉ có một SVĐ tầm cỡ quốc gia là quá ít, nên việc đặt vấn đề có thêm sân là phù hợp. Bài học từ thiết kế, xây dựng, sử dụng và khai thác sân Mỹ Đình sẽ cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý báu, tránh đi lại vết xe đổ, bởi rõ ràng sân Mỹ Đình chưa phát huy được tối đa công năng. Quỹ đất của sân Mỹ Đình không phải là ít nhưng chưa được quy hoạch đúng, dẫn đến tình trạng lãng phí.

Do đó nếu trong tương lai gần Nhà nước và Chính phủ có kế hoạch xây sân thì phải tính toán kỹ lưỡng nhiều yếu tố. SVĐ phải nằm trong tổ hợp thể thao và giải trí, với quỹ đất có thể do Nhà nước đứng ra lo liệu, còn kinh phí đầu tư xây dựng và phương án khai thác tổ hợp (trong đó có sân) nên giao cho tư nhân. Sau đó lợi nhuận thương mại sẽ được tính toán chi tiết để doanh nghiệp không bị lỗ, nhà nước không bị thất thu. Nguồn vốn xây tổ hợp thể thao là cực lớn nên một mình Nhà nước không thể gánh được, mà phải là nguồn vốn hỗn hợp, Nhà nước và nhân dân cùng “chia lửa”. Và Nhà nước cũng nên tạo cơ chế về thuế, chính sách sử dụng cơ sở vật chất để các doanh nghiệp thấy có lợi thì họ mới đầu tư”.

Ông Hoàng Hà, Chủ tịch Vietcontent Sports, nói: “Khán giả đến xem bóng đá ở sân Mỹ Đình mà hầu như không được hưởng bất kỳ dịch vụ giải trí nào bởi sân Mỹ Đình không xây dựng theo mô hình tổ hợp thể thao - giải trí - thương mại. Một công trình thể thao muốn trở thành một địa chỉ đem lại nguồn thu lớn phải là quần thể thể thao du lịch. Quần thể đó không chỉ có bóng đá mà có thể còn có cả những môn thể thao hấp dẫn khác như đua xe và các dịch vụ khác.

Nguồn vốn xây sân, hay nói rộng hơn là xây tổ hợp thể thao, được huy động chính từ các đối tác, các doanh nghiệp muốn quảng cáo sản phẩm của mình tại tổ hợp này. Ví dụ như một hãng lốp xe, họ có thể chi rất nhiều tiền để góp kinh phí xây dựng nếu họ thấy được sau này việc quảng bá sản phẩm ở sân đem lại nguồn thu dồi dào.

Tôi xin nhấn mạnh lại, SVĐ quốc gia phải mang tính biểu tượng, không chỉ là điểm đến của thể thao mà còn là điểm thu hút du lịch, do vậy kiến trúc phải mang tính độc đáo, tổng thể quy hoạch cân bằng giữa mục đích chuyên môn trong sân và ngoài sân để đảm bảo là một tổ hợp thể thao, giải trí, thương mại và dịch vụ. Yếu tố giải trí và thương mại sẽ thu hút các nhà tài trợ đồng hành lâu dài từ trong cho đến bên ngoài sân cỏ. Theo thống kê tại giải Ngoại hạng Anh, doanh thu từ vé chỉ chiếm 19%, còn 30% từ thương mại và dịch vụ. Nếu các công năng được quy hoạch rõ ràng, công khai, cơ chế phân chia lợi nhuận và trích nguồn để duy trì chất lượng hạ tầng, chắc chắn sẽ thu hút được các thương hiệu uy tín đồng hành”.

Trung Ninh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.