Việt Nam có cần xây thêm một SVĐ hiện đại?: Cổ động viên lên tiếng

15/09/2022 08:02 GMT+7

Các nhà tổ chức sự kiện thể thao tại Việt Nam, trong đó có bóng đá luôn mong mỏi có nhiều hơn một sân vận động hoành tráng để dân chúng được phục vụ ở mức tốt nhất và bản thân khán giả càng mong mỏi điều đó.

Dễ mời đội bóng nổi tiếng thế giới nếu…

Trên thế giới, các công trình thể thao, các sân vận động luôn coi khán giả là yếu tố đặc biệt quan trọng nên việc xây dựng các công trình thể thao luôn hướng đến các tiêu chí vì khán giả, cho khán giả. Khi đăng tải loạt bài về ý tưởng có nên xây thêm sân vận động tầm cỡ như sân Mỹ Đình, Báo Thanh Niên đã nhận được sự quan tâm lớn của bạn đọc, của khán giả - những người luôn đồng hành với các sự kiện bóng đá trong nước hay quốc tế liên quan đến các đội tuyển Việt Nam.

Cổ động viên Trần Hữu Nghĩa bày tỏ: "Khi đất nước chúng ta có thêm sân vận động hiện đại đạt chuẩn quốc tế, VN sẽ cải thiện sức hút và những công ty tổ chức lớn chắc chắn sẽ để mắt tới. Lúc đó, VN sẽ dễ dàng hơn trong việc mời những CLB khổng lồ như M.U, AC Milan, Real Madrid, Barca... đến đá các giải giao hữu hay trận giao hữu. Còn nếu VN chưa có những sân thật sự quy mô thì khó lòng mời gọi được các đối thủ hay trên thế giới đến phô diễn tài năng. Khán giả dĩ nhiên là thiệt thòi rồi.

Chúng ta có sân Cần Thơ sức chứa lớn nhưng tầm vóc chưa thể bằng những sân của khu vực Đông Nam Á. Sân này trên thực tế vẫn cần phải tu bổ rất nhiều hạng mục mới có thể đạt chuẩn quốc tế. Trong khi ở TP.HCM, sân Thống Nhất sức chứa 16.000 chỗ ngồi, số lượng quá ít để tuyển Việt Nam chọn lựa thường xuyên thi đấu tại đây. Rõ ràng trên thực tế, nhu cầu của khán giả cần một sân vận động lớn là nhu cầu hoàn toàn có thật và rất chính đáng”.

Sân Mỹ Đình có thiết kế không đẹp như nhiều sân ở khu vực

MINH TÚ

Khán giả Đỗ Văn Mạnh (vẫn được biết đến với biệt danh Mạnh béo) kể: “Chúng ta có mỗi sân Mỹ Đình có sức chứa 40.000 chỗ ngồi, không thấm tháp vào đâu so với nhu cầu, nhất là khi bóng đá Việt Nam ngày càng tiến bộ, khán giả ngày càng quan tâm đến đội tuyển. Thú thật nhiều trận ra sân Mỹ Đình, tôi mang theo tâm trạng âu lo vì nhiều hạng mục xuống cấp quá, gây nguy hiểm cho người đến xem. Tường thì nứt tróc, nhà vệ sinh không sạch sẽ. Gần đây vì nước ta tổ chức SEA Games 31 nên sân Mỹ Đình còn được cải tạo một phần nhưng nhìn chung vẫn còn “lôi thôi”. Nếu có sân đẹp hơn, to hơn, khán giả sẽ vô cùng sung sướng và biết đâu trong tương lai sẽ đón thêm những đội bóng ngôi sao lớn của thế giới, tương tự như Arsenal hay Man City mấy năm trước”.

Chạnh lòng khi so sánh dân của Việt Nam và quốc tế

Cổ động viên Đỗ Hoàng Yến nhấn mạnh: "Tôi khẳng định khán giả Việt Nam luôn ước ao có một sân vận động quốc gia đủ lớn phục vụ nhu cầu khán giả vì hiện tại những trận cầu đinh của tuyển Việt Nam, sân Mỹ Đình chỉ đáp ứng được tầm 40.000 - 45.000 khán giả là hết cỡ. Trong khi thực tế nhu cầu mua vé vào sân là rất lớn, thể hiện qua giá vé đẩy lên gấp 3 - 4 lần, thậm chí hàng chục lần như AFF Cup 2018 hay SEA Games 31. Lúc nào chúng tôi cũng hy vọng một ngày Việt Nam có 1 sân lớn tầm cỡ hơn, để có thể tổ chức những giải đấu lớn, tạo cơ hội cho nhiều khán giả đến sân xem. Sức chứa của sân Mỹ Đình hơi nhỏ so với sân của các nước trong khu vực, trong khi Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia... đều có những sân bóng với sức chứa từ 60.000 - 90.000 chỗ ngồi. Những lần sang các nước, CĐV Việt Nam nhìn sân người ta đều mơ ước, là giá như Việt Nam có sân vận động không chỉ để đá bóng mà còn có thêm những dịch vụ đi kèm như ẩm thực, giải khát, vui chơi, thư giãn...

Bóng đá Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ tầm cỡ nhất nhì Đông Nam Á, khán giả chúng tôi lúc nào cũng khát khao có một sân bóng hiện đại để còn tự hào. Là một cổ động viên của TP.HCM, tôi rất buồn khi thành phố chưa có nổi một sân vận động hoành tráng. Tôi thèm một sân bóng tầm cỡ, tương xứng với quy mô của một địa phương lớn trong các nước. Tôi cũng từng nghe nói về dự án xây sân ở Rạch Chiếc, gần nhất là chuẩn bị cho SEA Games 31 nhưng đến giờ vẫn chưa có chuyển biến gì cả. Hy vọng TP.HCM sẽ vẫn còn đất và có phương án khả thi để thực hiện xây sân từ 50.000 chỗ ngồi trở lên, chứ cả thành phố lớn có mỗi sân Thống Nhất sức chứa 16.000 chỗ ngồi và so sánh với các nước thì càng thấy chạnh lòng lắm".

Nên chăng có thêm một sân tầm cỡ ở Việt Nam để đáp ứng lòng mong mỏi của khán giả?

MINH TÚ

Phải thỏa mãn nhiều yếu tố

Khán giả Đỗ Văn Mạnh nói: “Ngân sách nhà nước khó có thể bỏ ra hàng trăm triệu USD thì chúng ta nên kêu gọi các nhà đầu tư kể cả các nhà đầu tư ở nước ngoài. Nên xây sân khoảng 80.000 chỗ ngồi, không thì ít nhất cũng nên 60.000 chỗ ngồi. Nước ngoài, họ thường chọn địa điểm không nằm quá sát trung tâm mà ở những khu vực lân cận, sẽ dễ lên phương án về giao thông. Theo tôi, nếu chúng ta xây thêm sân thì có thể chọn địa điểm vành đai Hà Nội. Không phải không có quỹ đất. Vấn đề là việc xây dựng phải hợp lý, thỏa mãn cả yếu tố nhìn (thẩm mỹ), yếu tố sử dụng (khán giả đến xem có được hưởng các dịch vụ gì không?). Tôi không chê nhưng rõ ràng, sân Mỹ Đình không đẹp như nhiều sân của khu vực nên nếu xây sân mới, việc thiết kế phải đặc biệt được coi trọng”.

Cổ động viên Trần Hữu Nghĩa phát biểu: “Bài toán cần giải quyết ở đây là nên xây sân như thế nào, ở khu vực nào thì hợp lý, sử dụng tiền ngân sách hay huy động nguồn vốn xã hội hóa. Nếu xã hội hóa thì các doanh nghiệp sẽ được hưởng những cơ chế gì để họ sẵn sàng đầu tư? Không nên vì quá sốt ruột mà cứ nhìn sang Indonesia, Malaysia, Campuchia... có sân 60.000 - 90.000 khán giả, để so sánh. Chúng ta phải liệu cơm gắp mắm khi nền kinh tế đang gượng dậy sau đại dịch Covid-19, phải có phép tính kỹ lưỡng và cụ thể về nguồn vốn và phương án thu hồi trong bao nhiêu năm".

Phòng họp báo ở sân Mỹ Đình

MINH TÚ

Ông Nghĩa nói tiếp: "Cá nhân tôi cho rằng nếu xây sân mà chỉ đơn thuần để phục vụ tổ chức bóng đá thì khả năng hoàn vốn là rất thấp và gây ra lãng phí lớn. Sân mới phải là nơi tổ chức nhiều sự kiện khác nhau, là điều thế giới vẫn đang làm nên Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo. Tôi đi cổ vũ các đội tuyển Việt Nam thi đấu ở các giải tổ chức ngoài lãnh thổ Việt Nam, sân vận động của nước bạn là một phần quan trọng của công trình thể thao phức hợp, có thêm nhiều khu phục vụ các hoạt động vui chơi giải trí khác nữa. Và chính có thêm các khu này nên công trình thể thao phức hợp thu hút rất đông khán giả và trở thành cỗ máy hái ra tiền. Người ta đến sân ngoài xem bóng đá còn được sử dụng các dịch vụ phục vụ nhiều lứa tuổi khác nhau như khu vui chơi dành cho trẻ em; nhà hàng, hồ bơi, phòng gym, massage, làm đẹp cho phụ nữ...

Trình độ tận hưởng cuộc sống của người dân mỗi ngày một đi lên. Xưa đi xem đá bóng, chỉ cần mang theo 1 bịch trà đá 2 lít cho 30 người uống là đủ. Nhưng giờ không như vậy, phải cho đem nước, bia, đồ ăn vào sân bóng. Sân vận động phải tổ chức được cả bóng đá lẫn các sự kiện khác, như âm nhạc với sự tham dự của vài chục nghìn khán giả. Do đó việc xây sân phải tính toán thật kỹ lưỡng, trong đó có công năng của sân đi kèm các phương án về giao thông. Làm sao để khán giả đến sân dễ dàng bằng các phương tiện giao thông công cộng để hạn chế tối đa sử dụng phương tiện cá nhân. Về điều này, chúng ta có thể học tập Singapore. Họ bảo trì và khai thác sân quốc gia rất tốt. Sau trận đấu, tôi rời sân lên xe điện là đi thẳng ra sân bay Changi để bay về Việt Nam, rất nhanh và tiện".

Ông Lê Đức Phúc, phụ trách Hội cổ động viên bóng đá Khánh Hòa, nói: “Vì đặc thù địa lý đất nước ta trải dài từ Bắc xuống Nam dài hàng ngàn kilomet, nên khí hậu các vùng và khu vực có sự khác biệt rõ rệt. Một trận đấu hấp dẫn sẽ được quyết định bởi yếu tố thời tiết, ngoài chuyên môn. Có thêm một sân ở phía Nam (cụ thể là TP.HCM) sẽ giúp Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chủ động hơn trong tổ chức cũng như đăng cai các giải bóng đá quốc tế. Người hâm mộ phía Nam cũng thuận lợi hơn để được xem đội tuyển Việt Nam thi đấu trên sân nhà. Các sân ở Việt Nam nói chung, ngoài các sự kiện thể thao còn kiêm thêm các nhiệm vụ chính trị khác, với sức chứa từ 60.000 - 70.000 chỗ ngồi mới đáp ứng đủ nhu cầu. Thêm một sân vận động hiện đại đúng tiêu chuẩn quốc tế cũng sẽ là điểm nhấn hình ảnh của quốc gia".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.