Việt Nam giữa những gam màu kinh tế của khu vực

13/11/2022 07:30 GMT+7

Giữa bối cảnh thị trường của Mỹ lẫn Trung Quốc đều có nhiều khó khăn, cũng như tình hình kinh tế khu vực đối mặt không ít thách thức, thì kinh tế VN vẫn duy trì lợi thế nhất định.

Hôm qua (12.11), Bloomberg dẫn ý kiến của kinh tế gia John Taylor, thuộc Đại học Stanford (Mỹ) phát biểu trong một hội nghị vừa diễn ra ở New York (Mỹ) cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cần phải tăng lãi suất cơ bản lên mức 6% để kiềm chế lạm phát.

Bức tranh nhiều màu

Là một chuyên gia về lĩnh vực chính sách tiền tệ đầy ảnh hưởng tại Mỹ, ý kiến của ông Taylor gây nhiều chú ý, nhất là trong bối cảnh Fed thể hiện nhiều chỉ dấu sẽ còn tăng lãi suất cơ bản dù đã tiến hành tăng liên tục thời gian qua và hiện đang ở mức 4%. Trong khi đó, mức lãi suất cao mà Fed đưa ra cùng với việc tỷ giá USD ở mức cao so với nhiều loại tiền tệ đang gây ảnh hưởng lớn cho nhiều nền kinh tế.

Xuất khẩu của Việt Nam đang được đánh giá tích cực

Ngọc Thắng

Trả lời Thanh Niên mới đây, GS David Dapice (chuyên gia kinh tế tại Trung tâm ASH thuộc Trường Chính sách công Kennedy của Đại học Harvard, Mỹ) nhận xét: “Chính sách của Fed và USD mạnh đang khiến lãi suất trên toàn thế giới tăng. Diễn biến này gây ra một số vấn đề cho những bên vay USD cũng như các doanh nghiệp không có nguồn thu bằng USD, điển hình như nhóm kinh doanh bất động sản. Dù không bị mất giá nhiều như các ngoại tệ khác, nhưng tiền đồng mất giá nhẹ vẫn góp phần tăng lạm phát”.

Trong khi đó, tình hình kinh tế của Trung Quốc - một động lực khác của kinh tế toàn cầu - cũng đối mặt nhiều khó khăn. Mới đây, Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trong chính sách zero-Covid (quét sạch F0 ra khỏi cộng đồng - NV).

Tuy nhiên, Bloomberg ngày 11.11 đăng bài nhận định việc nới lỏng vừa nêu chưa thể tạo nên những thay đổi lớn để giải quyết các vấn đề của kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh nước này vẫn duy trì chính sách zero-Covid vốn gây ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Theo một báo cáo do Công ty phân tích Moody’s (thuộc Tập đoàn dịch vụ đầu tư Moody’s) công bố gần đây, kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng chậm gây tác động tiêu cực cho nhiều quốc gia vốn có kim ngạch xuất khẩu lớn vào thị trường Trung Quốc. Ngày 6.11, CNBC đưa tin kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tính theo USD trong tháng 10 vừa qua đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,7% của tháng 9. Đây là lần đầu tiên con số trên của Trung Quốc giảm kể từ tháng 5.2020.

Tuy nhiên, giữa bối cảnh như vậy, triển vọng nói chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn được kỳ vọng đạt được kết quả khả quan hơn nhiều so với các khu vực khác. Cụ thể, theo báo cáo do Công ty phân tích thị trường toàn cầu S&P công bố mới đây, kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2023 được dự báo tăng trưởng 3,5%, trong khi Mỹ và châu Âu có thể rơi vào suy thoái. Động lực cho sự phát triển của châu Á - Thái Bình Dương là nhờ kết quả từ các hiệp định thương mại và thiết lập chuỗi cung ứng hiệu quả hơn, cũng như tiết giảm chi phí để tăng tính cạnh tranh. Trong đó, một số nước Đông Nam Á và Ấn Độ sẽ hưởng lợi từ việc chuyển hướng đầu tư ra khỏi Trung Quốc.

Ưu thế và thách thức của kinh tế Việt Nam

Trả lời Thanh Niên mới đây, chuyên gia kinh tế Eric Chiang (Công ty phân tích Moody’s) đưa ra nhiều nhận định lạc quan cho kinh tế Việt Nam tính trong cả năm 2023. “Mức độ tăng trưởng của Việt Nam có thể “khựng” lại vào quý 1/2023 khi xuất khẩu sang các nước châu Á bị chậm lại. Nhưng xuất khẩu của Việt Nam sẽ dần tăng tốc khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi vào giữa năm 2023. Nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ được thúc đẩy bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI)”, vị chuyên gia kỳ vọng.

Tờ South China Morning Post đưa tin Mỹ và Đài Loan vừa kết thúc vòng đàm phán thương mại về 11 lĩnh vực. Đây là hoạt động nằm trong Sáng kiến thương mại Mỹ - Đài Loan thế kỷ 21 mà 2 bên công bố hồi tháng 6, đồng thời còn là cơ sở để Washington và Đài Bắc hợp tác xung quanh Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Mỹ kiến thiết.

Theo kết quả cuộc đàm phán lần này, hai bên sẽ còn tiến hành thêm các bước đàm phán về một số chủ đề như: nỗ lực chống tham nhũng, thương mại số, doanh nghiệp quốc doanh và các chính sách phi thị trường…

Bên cạnh đó, chuyên gia Eric Chiang cũng cảnh báo: “Một thách thức mà Việt Nam phải giải quyết là giữ lạm phát dưới mức 4% như mục tiêu đề ra. Việt Nam đã cố gắng hạn chế việc tăng giá trong giai đoạn đầu của lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, áp lực lạm phát đã lan sang nhiều loại sản phẩm hơn, bao gồm cả thực phẩm và dịch vụ”.

GS David Dapice thì dự báo: “Xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì và tăng trưởng, dù sắp tới chậm lại nhưng vẫn sẽ tích cực”. Ông cũng đánh giá “nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt”. “Nhìn chung, Việt Nam đang ở vị trí tốt hơn nhiều quốc gia, mà một trong những động lực là nhờ vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam”, GS Dapice nhận xét.

Đồng thời, ông khuyến nghị: “Chính sách kinh tế của Việt Nam nên tập trung giải quyết tình hình trái phiếu doanh nghiệp vốn đang có nhiều thách thức. Cần phân loại những bên nào cần được thúc đẩy nguồn vốn từ ngân hàng, bên nào nên được phá sản hoặc sáp nhập là vấn đề quan trọng đối với Việt Nam lúc này. Một số ngân hàng tăng lãi suất mạnh cũng có thể là một vấn đề”.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Eric Chiang thì đề xuất: “Việt Nam cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng kinh doanh để thu hút đầu tư có giá trị cao hơn. Nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông xung quanh các khu công nghiệp có thể là một hướng đi, sẽ giảm được tình trạng tắc nghẽn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.