Cụ thể, chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết ngày 25.3, Việt Nam sẽ tiếp nhận 1.373.800 liều và trong tháng 4 sẽ tiếp nhận 2.803.200 liều. Cũng trong tháng 4.2021, Việt Nam sẽ tiếp nhận 1.480.000 liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca (Anh) do Bộ Y tế mua thông qua Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC).
Khuyến khích tiêm vắc xin tự nguyện
Trước đó, 117.600 liều vắc xin Covid-19 đầu tiên (do AstraZeneca sản xuất) đã về đến Việt Nam ngày 24.2 và được phân bổ cho 13 tỉnh, thành phố, các bộ ngành thuộc nhóm ưu tiên tiêm đợt đầu cho những người trực tiếp tham gia chống dịch. Từ ngày 8.3, việc triển khai tiêm vắc xin Covid-19 bắt đầu tại Hải Dương, TP.HCM và Gia Lai. Trong đợt đầu tiên, Hải Dương được phân bổ 32.000 liều, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an 30.000 liều, các đơn vị và địa phương khác từ 100 - 8.000 liều.
Tại Hà Nội, từ hôm qua (9.3) bắt đầu triển khai tiêm vắc xin Covid-19 trên địa bàn. 30 nhân viên y tế của Bệnh viện Thanh Nhàn là những người được tiêm đợt đầu tiên. Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dự kiến đợt tiêm chủng sẽ được tiến hành trong 10 ngày (từ 9 - 18.3) tại 30 quận, huyện. Trong đợt đầu, Hà Nội tiêm cho 2 nhóm đối tượng. Thứ nhất là những người làm việc trong các cơ sở y tế, gồm 810 người tại các bệnh viện thường xuyên, trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc người bệnh, người nghi nhiễm và có nguy cơ nhiễm Covid-19, nhân viên lấy mẫu và xét nghiệm bệnh phẩm nghi ngờ; 2.927 người là cán bộ đội cơ động phòng chống dịch, cán bộ điều tra dịch tễ, truy vết, giám sát dịch, xử lý dịch, lấy mẫu và xét nghiệm bệnh phẩm; 30 người thuộc ban chỉ đạo ngành y tế; 150 người tại các đơn vị cấp cứu, vận chuyển người nghi nhiễm, nhiễm Covid-19: cán bộ thuộc đơn vị cấp cứu và vận chuyển 115.
Nhóm 2 là những người tham gia phòng chống dịch, gồm 2.700 người là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; 608 người làm việc tại các khu cách ly tập trung của thành phố (các khu cách ly tập trung do quân đội quản lý có thực hiện cách ly từ đầu năm 2021).
Theo chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, với các trường hợp du học, hoặc người có nhu cầu tiêm vắc xin cần chờ thêm nguồn vắc xin và sẽ tiêm tự nguyện (tiêm dịch vụ). Chính phủ khuyến khích các đơn vị, cá nhân tiêm vắc xin Covid-19 tự nguyện và sẽ nỗ lực để đông đảo người dân sớm tiếp cận theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với lộ trình tiếp cận vắc xin.
Thêm vắc xin Covid-19 “made in Việt Nam” đưa vào thử nghiệm
Ngày 9.3, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế) cho biết ngày 15.3 bắt đầu giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 “made in Việt Nam” Covivac.
Vắc xin Covivac do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) nghiên cứu phát triển. Nhóm nghiên cứu đã tuyển đủ số lượng người tình nguyện dưới 40 tuổi và đang tiếp tục tuyển nhóm tình nguyện viên từ 40 - 59 tuổi. Người tình nguyện được tiêm vắc xin phòng Covid-19 (là vắc xin đã được khẳng định an toàn, hiệu quả trên động vật). Đây là vắc xin có công nghệ sản xuất tương tự như một số vắc xin Covid-19 đã lưu hành trên thế giới, công nghệ này cũng đã được dùng để sản xuất vắc xin cúm tại Việt Nam. Sau tiêm, các tình nguyện viên không cần cách ly, chỉ cần lưu lại nơi tiêm 24 giờ để theo dõi sức khỏe.
Thêm 84 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh
Ngày 9.3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 mới, là bệnh nhân (BN) thứ 2.525 - 2.526 tại Việt Nam. Trong đó, BN 2525 (nữ, 34 tuổi) địa chỉ tại H.Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ngày 6.3 BN từ Malaysia nhập cảnh sân bay Cần Thơ (TP.Cần Thơ), đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tiền Giang. BN đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Long Định, tỉnh Tiền Giang. BN 2526 tại H.Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương (F1 của BN 2339), đã được cách ly tập trung từ ngày 9.2 và đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3 tỉnh Hải Dương.
Trong ngày 9.3, có thêm 84 BN được công bố khỏi bệnh. Cả nước có 45.091 người tiếp xúc gần ca bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly y tế, theo dõi sức khỏe.
Liên Châu
|
Bình luận (0)