Từ phản đối...
Đại úy Phạm Đức Anh, cán bộ Công an P.Thảo Điền, cho biết người đàn ông này ở địa bàn do anh quản lý. Ông là một trong nhiều người nước ngoài từng từ chối thực hiện đi cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19. Nhưng được vận động đi để đảm bảo an toàn phòng dịch, sau khi đi cách ly về, ông lại vui vẻ và chủ động chào hỏi anh.
Vào tháng 3.2020, P.Thảo Điền xuất hiện ổ dịch được cho là lớn thứ hai cả nước lúc đó tại quán bar Buddha (đường Thảo Điền). Phi công người Anh (bệnh nhân thứ 91 tại Việt Nam) nhiễm Covid-19 đã đến quán bar này, sau đó lây cho nhiều người khác. Việc điều tra, xác minh những người tiếp xúc gần, tiếp xúc xa với bệnh nhân phải tiến hành gấp rút suốt ngày đêm để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Trung tá Nguyễn Minh Trí, Trưởng công an P.Thảo Điền, cho biết trên địa bàn phường có nhiều người nước ngoài sinh sống (gần 8.000 người) nên công tác tuyên truyền để họ chấp hành quy định phòng chống dịch gặp rất nhiều khó khăn. Ban đầu, người nước ngoài hầu như không chấp hành quy định đeo khẩu trang, vì họ không có thói quen này. Có trường hợp, khi công an phường và nhân viên y tế đến yêu cầu đi xét nghiệm Covid-19 hoặc đưa đi cách ly tập trung, họ không chấp hành. Nhiều người còn hỏi: Tại sao tôi phải đeo khẩu trang, tại sao tôi phải làm xét nghiệm trong khi tôi đang khỏe mạnh, tại sao tôi phải đi cách ly...
“Mặc dù chúng tôi đã giải thích là thực hiện theo quy định của Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam về phòng chống dịch Covid-19, nhưng nhiều người vẫn không chấp hành và báo cho lãnh sự quán của họ can thiệp. Chúng tôi nói rằng nếu trường hợp nào không chấp hành quy định phòng chống dịch của Việt Nam sẽ bị cưỡng chế đưa đi cách ly tập trung. Với việc thực hiện quyết liệt cùng sự kiên trì giải thích cho người nước ngoài hiểu những nguy hiểm của loại vi rút này, sau đó các trường hợp phản đối đều chấp hành, dù một số vẫn thể hiện sự khó chịu”, Trưởng công an P.Thảo Điền nhớ lại.
... đến tự giác chấp hành tốt
Nhưng điều bất ngờ là không ít người nước ngoài sau khi hết thời gian cách ly đã làm đơn... xin ở lại tiếp tục cách ly cho an toàn. Những người này cũng chia sẻ thông tin cho bạn bè, đồng nghiệp của họ biết rằng ở khu cách ly được chăm sóc chu đáo từ thăm khám sức khỏe đến ăn uống rất tốt, qua đó góp phần tác động làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người về khu cách ly tập trung. Như trường hợp chị Lim Kyong-suk (40 tuổi, người Hàn Quốc) mặc dù hết thời gian cách ly nhưng đã viết giấy tự nguyện ở lại khu cách ly tập trung, vì ở đây được chăm sóc rất tốt và an toàn.
Sau khi hết thời gian cách ly tập trung trở về, và nhất là khi Việt Nam cơ bản khống chế được dịch Covid-19, cũng như chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân là phi công người Anh, nhiều người nước ngoài không chỉ ở P.Thảo Điền mà ở các địa phương khác cũng đã tự nguyện chấp hành phòng chống dịch rất tốt. Điển hình có gia đình người Pháp ở một chung cư ở Thảo Điền đến Đà Nẵng, sau khi thông tin có người bị bệnh Covid-19 ở Đà Nẵng, họ đã chủ động đến ban quản lý hỏi xem phải làm những gì để phòng ngừa dịch bệnh. Trong khi trước đó, chính quyền địa phương và ban quản lý đến gõ cửa để tuyên truyền, họ không mở cửa, thậm chí còn tỏ vẻ khó chịu.
“Ban đầu mới xảy ra dịch, không ít người dân cảm thấy khó chịu khi bị cách ly, không được tự do ra vào chung cư, khu dân cư... Nhưng sau đó, nhận thấy việc làm của cơ quan chức năng là đúng đắn nên họ đã chấp hành khá tốt”, trung tá Nguyễn Minh Trí nói. Còn đại úy Phạm Đức Anh chia sẻ: “Khi gặp lại một số người nước ngoài trước đó đã phản đối quyết liệt không đi cách ly tập trung, họ chủ động chào tôi và nói “Vietnam’s very good” (Việt Nam tốt lắm!). Họ rất vui vẻ và thực hiện rất tốt việc đeo khẩu trang, thậm chí thực hiện tốt hơn một số người Việt Nam”.
Cuộc chiến với Covid-19 đang bước vào giai đoạn mới, nhưng với sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cùng với quyết tâm cao của lãnh đạo các tỉnh, thành và sự đồng lòng người dân, nhất định chúng ta sẽ nhanh chóng chiến thắng dịch bệnh.
|
Bình luận (0)