Tại Đại hội cổ đông Vietnam Airlines sáng nay, 10.8, trả lời chất vấn của cổ đông về ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc VNA, cho biết trước năm 2019, VNA liên tục tăng trưởng kết quả kinh doanh, song sau Covid-19, dự kiến lỗ trước thuế hợp nhất 15.177 tỉ đồng và lỗ ròng công ty mẹ 14.487 tỉ đồng.
Dù cho rằng các kịch bản kinh doanh liên tục phải thay đổi do Covid-19, song theo ông Thành, thị trường nội địa giai đoạn hè đã phục hồi rất ấn tượng. Tính từ tháng 5 đến hết ngày 28.7, thị trường hàng không Việt Nam đã phục hồi tới 90%. Đây là mức phục hồi mạnh mẽ bậc nhất trong khu vực và toàn cầu, Trung Quốc chỉ phục hồi 60% và Nhật Bản khoảng 70%. Báo chí quốc tế dùng từ shining (toả sáng) để nói về sự phục hồi của thị trường hàng không nội địa Việt Nam.
Báo cáo hồi tháng 5, VNA xác định thị trường nội địa đến quý 4 năm nay sẽ phục hồi, nhưng thực tế đến tháng 7 thị trường đã cơ bản phục hồi. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 thứ 2 đã bẻ gãy đà phục hồi này.
“Thứ 7 vừa qua (8.8 - PV), VNA chỉ bay 102 chuyến, giảm hơn 5 lần so với thời điểm phục hồi khoảng 500 chuyến/ngày, chỉ bằng 28% so với cùng kỳ 2019”, ông Thành nêu.
Với thị trường quốc tế, các hãng hàng không thế giới dự kiến 2024 mới phục hồi. Trước đó, Việt Nam dự kiến đầu 2022 sẽ phục hồi thị trường quốc tế, nhưng hiện nay mốc này đã phải lùi xa hơn.
Việc các đường bay cắt giảm nhiều khiến lao động VNA liên tục phải luân phiên nghỉ việc. Tính tại thời điểm 10.8, VNA đang thừa 72% phi công, tiếp viên và kỹ thuật có liên quan đến máy bay và sẽ còn tiếp tục kéo dài. Thu nhập bình quân của đội ngũ phi công, tiếp viên cũng như nhân viên mặt đất cả năm chỉ còn xấp xỉ 40 - 50% cùng kỳ.
Tái cấu trúc để "cắt" lỗ
Theo lãnh đạo VNA, nhiều kịch bản đã được hãng này đưa ra để giảm lỗ, trong đó chú trọng tới tái cơ cấu đội máy bay. Với các máy bay đã có đơn hàng thuê/mua về sẽ hoãn lại, nếu không cần thiết sẽ huỷ. Tất cả các tài sản khác đều phải tái cấu trúc, cái nào cần thì giữ, không thì sẽ bán.
“Kế hoạch của Chính phủ thoái vốn từ 86% xuống 51% tại VNA. Các công ty con, liên kết cũng có kế hoạch cụ thể để thoái vốn, cổ phần hoá, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị...”, ông Thành nói.
Về lợi thế của cổ phiếu HVN so với các cổ phiếu hàng không khác, theo ông Thành, Vietnam Airlines có nhiều điểm mạnh, trong đó 2 công ty con là Vasco và Pacific Airlines phối hợp tạo thành sản phẩm có giá thành thấp. VNA cũng có dây chuyền đồng bộ từ sửa chữa máy bay, phục vụ mặt đất, công ty xăng dầu, suất ăn...
Chia sẻ thêm về đề xuất xin vay hỗ trợ 12.000 tỉ đồng của VNA, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐTV Vietnam Airlines, cho biết Chính phủ các nước đều tung ra các gói giải cứu với thị trường hàng không.
“Tới thời điểm này, tất cả báo cáo chi tiết của VNA lên các cấp thẩm quyền đều được ghi nhận và có phản hồi tích cực. Chính phủ đang chỉ đạo VNA và Uỷ ban Quản lý vốn hoàn tất hồ sơ trình lên các cấp cao hơn để có phương án giải cứu cho VNA. Có thể là cho vay khoảng 4.000 tỉ đồng và tăng vốn chủ sở hữu khoảng 8.000 tỉ đồng. Hiện các thủ tục cuối cùng đang được hoàn tất”, ông Minh nói.
Bình luận (0)