Những năm đầu sau năm 1975 khi bóng đá miền Nam trở lại bình thường, Công nhân Hóa Chất là 1 trong những đội bóng đối trọng của Hải Quan, Cảng Sài Gòn, Công nghiệp Thực phẩm hay Sở Công nghiệp (tức Tổng cục vật tư và Xi Măng Hà Tiên). Thời đó người hâm mộ rất yêu thích đội bóng này không thua gì Hải quan hay Cảng Sài Gòn vì tập hợp rất nhiều cầu thủ tài hoa và tên tuổi lẫy lừng như Võ Bá Hùng, Huỳnh Văn Chiến, Trần Tiết Anh, Bùi Thái Huệ, Nguyễn Văn Mộng và nhất là Trương Văn Tư, tức Tư “béo” cầu thủ chạy cánh trái rất dũng mãnh và vô cùng lợi hại. Sở dĩ ông được đặt biệt danh này trước hết là do thân hình nặng ký đồ sộ của mình, khi đó cũng khoảng 80-85 kg, mặt khác cũng nhằm để phân biệt với mũi nhọn khác rất nổi tiếng của bóng đá miền Nam thời đó là Tư Lê, tức Lê Văn Tư của Cảng Sài Gòn và xa hơn nữa là Tư “mũi tên vàng” cũng là một tiền đạo khét tiếng của bóng đá miền Nam.
Ông Trương Văn Tư trong lần có mặt ở sân Thống Nhất nhận quà của Liên chi hội cựu cầu thủ TP.HCM |
Hồ Nguyễn |
Dù ngoại hình quá cỡ nhưng trên sân Tư béo rất nhanh nhẹn. Ông có kỹ năng qua người xuất sắc với những cú “xỏ háng” đối phương và di chuyển khôn ngoan kết hợp với những pha lao xuống biên dũng mãnh. Có lần tôi đi xem trận giải bóng đá vô địch A1 TP.HCM năm 1977 giữa Công nhân Hóa Chất gặp Cảng Sài Gòn trên sân Thống Nhất để thưởng thức cuộc đối đầu của 2 chân sút cùng tên Tư (Tư Lê và Tư “béo”), thực sự rất ngưỡng mộ bộ đôi oanh liệt này. Nếu Tư Lê chơi bóng nhẹ nhàng nhưng khéo léo, luôn được các đồng đội như Trần Văn Xinh, Nguyễn Văn Mười. Nguyễn Văn Ngôn hay Dương Văn Thà ủng hộ, tạo cơ hội ghi bàn thì nhìn Tư béo chơi lại rất quyết liệt, không ngại va chạm và dựa trên nguồn thể lực sung mãn với tốc độ bứt phá nhanh như con báo. Chỉ cần nhận được những pha “thảy lỗ” thông mình của bộ đôi tiền vệ Chiến- Hùng hay những pha treo từ biên phải của Trần Tiết Anh là Tư “béo” luôn có mặt ở điểm nóng tung ra cú sút “cháy lưới”.
Ấn tượng về các bàn thắng của ông thì khỏi phải nói khi cú sút nào cũng căng như “búa bổ”. Năm Công nhân Hóa Chất được chọn đá với Công an Hà Nội năm 1977 trong chuyến hành quân vào Nam của đội bóng thủ đô trên sân Thống Nhất chính ông Tư “béo” đã ghi bàn thắng từ một cú sút căng đến mức không thể cản phá. Khi còn khỏe chính tiền vệ lão luyện Võ Bá Hùng nhận xét: “ Chúng tôi luôn rất yên tâm mỗi khi chuyền bóng cho Tư “béo” vì chắc chắn khi trái banh đến chân anh ấy là khung thành đối phương chỉ có chao đảo mà thôi”.
Giai thoại việc Tư “béo” được giới hâm mộ yêu thích và phong cho biệt danh cầu thủ có cú sút mạnh nhất Việt Nam bắt nguồn từ quả sút phạt trực tiếp của ông ở trận Công nhân Hóa Chất gặp Than Quảng Ninh. Khi đó nhận bóng từ chếch bên cánh trái, Tư "béo" tung ngay cú sút mạnh đến nỗi tiền vệ Bùi Hữu Uy của đội bóng vùng mỏ đưa chân ra chặn bị bật lại đến mức Uy quỵ hẳn xuống sân cỏ. Trận đấu phải tạm dừng để đội bóng Than Quảng Ninh đưa Uy đến bệnh viện cấp cứu và sau khi chụp phim mới biết xương đùi phải của cựu danh thủ vùng mỏ đã bị gãy kín. Thế mới thấy cú sút của ông Tư ‘béo” là ghê gớm đến mức nào.
Ông Trương Văn Tư tham dự buổi gặp mặt các cựu danh thủ đồng đội một thời, phải chống nạng mới di chuyển được |
S.H |
Giã từ sân cỏ ở tuổi 35 cùng với số phận đội Công nhân Hóa chất cũng kết thúc sớm, ông Trương Văn Tư thi thoảng mới tham gia các trận đấu cùng đồng nghiệp. Do bệnh tật, những năm 2000 ông gần như ít xuất hiện vì người có cú sút mạnh nhất ngày nào mỗi khi di chuyển phải lê từng bước chân rất khó khăn, đặc biệt mỗi lần lên xuống cầu thang ông phải có cây nạng hỗ trợ. Đó chính là di chứng của bệnh tai biến mạch máu não khiến nửa thân người bên phải bị liệt hẳn hơn 10 năm trước. Ông đã phải chống chọi trong đau đớn với bệnh tật suốt một thời gian dài. Nhà báo Hồ Nguyễn, Tổng thư ký liên chi hội cựu cầu thủ bóng đá TP.HCM cho biết cuối tuần qua, cựu tuyển thủ Trương Văn Tư đã bị tai biến lần 2 và trở nặng. Sau khi từ bệnh viện đưa về nhà, lúc 9 giờ sáng nay thứ Tư 19.10, ông đã qua đời tại nhà riêng 364/9 Dương Quảng Hàm, Phường 5 Quận Gò Vấp hưởng thọ 78 tuổi.
Thêm một cây cổ thụ nữa của bóng đá miền Nam ra đi sau những cái tên như Nguyễn Văn Mộng, Đỗ Cẩu, tất cả đều không thể chống chọi được quy luật của tuổi già và bệnh tật. Nhưng người hâm mộ sẽ chẳng bao giờ quên những đóng góp hào hùng và đầy sức sống của ông Tư "béo" và nhiều cái tên lẫy lừng khác đã mang về niềm vui, niềm tự hào cho bóng đá Sài Gòn- TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Vĩnh biệt ông, ông ra đi thanh thản ông Tư nhé!
Bình luận (0)