Vợ chồng Nguyễn Thái Luyện khai gì về vụ lừa bán dự án 'ma' cho 3.924 khách hàng?

23/12/2020 10:05 GMT+7

Bị can Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) khai toàn bộ nguồn thu của Alibaba đều từ hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất, từ các dự án không có thật, tự vẽ và phân lô trái pháp luật trên nền đất nông nghiệp.

Như Thanh Niên đã đưa tin, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TP.HCM đã ban hành kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba), chuyển hồ sơ cho VKS TP.HCM đề nghị truy tố 23 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền. Trong đó, Nguyễn Thái Luyện (35 tuổi, ngụ Gia Lai, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba, là bị can cầm đầu) bị đề nghị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nguyễn Thái Luyện và địa ốc Alibaba đưa hàng ngàn người vào bẫy như thế nào?

Đáng chú ý, các bị can bị đề nghị truy tố nhiều người trong gia đình của Luyện, cụ thể, Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Nguyễn Thái Luyện; Võ Thị Thanh Mai (vợ của Luyện, Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm) và Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa Ốc Xanh, em ruột Luyện).
KLĐT thể hiện, Nguyễn Thái Luyện đã lợi dụng nhu cầu đặc biệt lớn về việc đầu tư bất động sản nhằm kinh doanh, xây dựng nhà ở của nhiều người dân sinh sống trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị can Luyện đã sử dụng 10 pháp nhân trong tổng số 22 pháp nhân được thành lập, đứng tên chủ đầu tư của 58 dự án "tự vẽ", không có thật, thông qua Công ty Alibaba, ký kết một lượng đặc biệt lớn "Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất", chiếm đoạt số tiền 2.373 tỉ đồng của 3.924 bị hại. Trong đó, có một lượng lớn khách hàng là nhân viên thuộc Công ty Alibaba.

CQĐT đọc quyết định khám xét trụ sở Alibaba 

Theo KLĐT, Nguyễn Thái Luyện khai nhận, Luyện giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo xuyên suốt đối với toàn bộ hoạt động của Công ty Alibaba và 22 pháp nhân trực thuộc. Trong quá trình điều hành Alibaba, Luyện chỉ đạo nhân viên và người nhà, người thân đứng tên thành lập nhiều pháp nhân. Sau đó, tiếp tục chỉ đạo các pháp nhân này đứng tên nhiều dự án không có thật, với mục đích khi có dự án bị chính quyền địa phương cưỡng chế, sẽ không gây ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án khác.
Theo đó, các pháp nhân đều được Luyện kiểm soát chặt chẽ bằng việc chia tỷ lệ vốn góp chính cho Công ty Alibaba hoặc các em ruột của Luyện là Lĩnh, Lực và vợ là Võ Thị Thanh Mai, các giám đốc đứng tên và đại diện pháp luật chỉ nắm giữ phần vốn góp không quá 15% trong tổng vốn điều lệ.
KLĐT thể hiện, nhằm đảm bảo điều kiện về vốn khi đăng ký hoạt động kinh doanh bất động sản, Luyện chỉ đạo bộ phận pháp lý thực hiện kê khai vốn điều lệ cho các pháp nhân tối thiểu là 20 tỉ đồng, từ nguồn tiền của Công ty Alibaba, thực tế, các thành viên đều không có nguồn vốn góp như tỷ lệ đăng ký.
Ngoài ra, Luyện còn chỉ đạo nhân viên dùng một địa chỉ để đăng ký thông tin trụ sở kinh doanh cho nhiều pháp nhân và chi nhánh. Các pháp nhân do Luyện chỉ đạo thành lập đều không hoạt động kinh doanh và kê khai báo cáo thuế, chỉ sử dụng vào hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò chủ đầu tư đối với các dự án không có thật.
Luyện cũng thừa nhận toàn bộ nguồn thu của Công ty Alibaba đều từ hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất, từ các dự án không có thật, tự vẽ và phân lô trái pháp luật trên nền đất nông nghiệp.

Khởi tố vợ Nguyễn Thái Luyện và 13 thuộc cấp của ông trùm "dự án ma" Alibaba

Tương tự, vợ của Luyện là Võ Thị Thanh Mai cũng thừa nhận Mai được chồng phân công quản lý bộ phận kế toán; giám sát và điều hành toàn bộ hoạt động thu, chi của Công ty Alibaba. Toàn bộ chi phí hoạt động của Công ty Alibaba và các pháp nhân liên quan đều phải được sự đồng ý của Luyện, Mai mới duyệt cho bộ phận kế toán chi tiền.
Ngoài ra, theo lời của Mai, nguồn tiền thu của Công ty Alibaba được chi chủ yếu cho việc trả lương và hoa hồng cho nhân viên, mua đất, trả tiền thuê mặt bằng kinh doanh, trả lãi định kỳ cho khách hàng. Mà đây chính là phương thức để lôi kéo khách hàng tham gia đầu tư.
KLĐT thể hiện hành vi nêu trên của Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai đủ cấu thành tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.