Vợ chồng trẻ 'bắt' sỏi đá cho quả ngọt

Quang Viên
Quang Viên
23/10/2022 07:00 GMT+7

Một vùng đất sỏi đá, bạc màu đã biến thành nông trại bạt ngàn các loại cây ăn quả có giá trị từ khi có sự xuất hiện của đôi vợ chồng trẻ Thuận - Sinh.

Trong một chuyến đi tặng sách ở Đắk Lắk cùng người anh đồng nghiệp Trần Thanh Bình, chúng tôi có dịp về H.Buôn Đôn. Qua một ngày “phiêu linh” ở khu du lịch Bản Đôn Thanh Hà, bạn Nguyễn Quốc Huy, trưởng đoàn, mách nước tại xã Ea Wer gần đây có trang trại Ea Wer Farm trồng cây ăn quả của cặp vợ chồng trẻ “đã” lắm. Thế là chúng tôi từ Bản Đôn vượt quãng đường chừng 10 km để đến trang trại xem nó “đã” như thế nào.

Vùng đất sỏi đá giờ biến thành nông trại bạt ngàn cây ăn quả

Quang Viên

Tuổi trẻ dám nghĩ dám làm

Từ đường chính rẽ qua chiếc cầu treo nhỏ, theo con đường mòn, chúng tôi hướng về trang trại. Chỉ cuốc bộ hơn 1 km, phóng tầm mắt xa xa đã thấy căn nhà nổi bật giữa thảo nguyên bao la và dọc đường là vô số cây cam, quýt bắt đầu đơm hoa, kết trái.

Ngồi cạnh căn nhà gỗ trong khuôn viên thơ mộng, Nguyễn Minh Thuận (sinh năm 1980) rỉ rả kể câu chuyện “biến sỏi đá thành cơm” rất thú vị của vợ chồng anh. “Năm 2019, em lên Tây nguyên tìm mua đất làm trang trại. Đi khắp nơi nhưng nhiều vùng đất tốt thì giá đắt quá. Cuối cùng em chọn vùng đất mà lâu nay người dân chỉ có thể trồng khoai mì nên giá bán không chát. Em mua 53 ha, giá 150 triệu đồng/ha”, Thuận tâm sự.

Anh Thuận (trái) trò chuyện với nhà báo Thanh Bình

Q.V

Lúc đó, người dân địa phương hỏi mua để làm gì. Thuận bảo để trồng cây ăn quả. Nhiều người lắc đầu. Họ khẳng định đất này chỉ có thể trồng khoai mì chứ không thể trồng được cây ăn quả vì đào xuống chưa đến nửa mét là toàn sỏi đá. “Quả thật, khi bắt đầu dùng xe chuyên dụng để đào đất, thì bên dưới lớp đất mặt toàn sỏi đá. Nhưng em tin mình sẽ biến sỏi đá cho quả ngọt”, Thuận trải lòng. Niềm tin của vợ chồng Thuận về trang trại trên vùng đất mới hoàn toàn có cơ sở. Vì họ đã có trang trại trồng cam, quýt, bưởi… hơn 20 ha tại Bắc Tân Uyên (Bình Dương). Mặc dù vợ chồng Thuận biết để hái được quả ngọt tại vùng đất thuộc xã Ea Wer này “chua” hơn trang trại ở Bắc Tân Uyên.

Đầu tiên, Thuận phải dùng xe chuyên dụng loại lớn đào sâu xuống lấy hết sỏi đá. Sau đó, dùng đến 3 tấn phân hữu cơ cho 1 ha để cải tạo đất. Tiếp theo thì lên luống, phủ bạt, lắp đặt hệ thống tưới tự động, tạo mương thoát nước để trồng các loại cây ăn quả. “Trồng cây ăn quả cho vui thì dễ. Trồng kiểu nông trại, tạo ra sản phẩm tốt, đem lại hiệu quả kinh tế thì phải áp dụng khoa học, phương pháp canh tác tiên tiến”, Thuận nói. Để tăng giá trị các loại trái cây khi đưa ra thị trường, ngoài việc canh tác theo hướng hữu cơ, còn phải sử dụng phương pháp siết nước, ức chế cây để cho ra quả trái vụ.

Anh Thuận sẽ biến nơi này thành khu du lịch sinh thái

Q.V

Uống cạn ấm trà tự chế biến từ các loại hoa, Minh Thuận hào hứng lấy xe máy chở chúng tôi đi tham quan nông trại rộng bạt ngàn. Chúng tôi thấy những loại cây có múi đã đơm hoa, kết quả. Thuận cho biết hiện nay toàn nông trại đã trồng 10.000 cây quýt, 20.000 cây cam, 500 cây bưởi da xanh và các loại cây ăn quả được thị trường ưa chuộng khác như nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mít, vú sữa, xoài… mỗi thứ hàng trăm cây. “Riêng cam, quýt mỗi năm thu hoạch cầm chắc 1.000 tấn”, Thuận khẳng định chắc nịch.

Thuận - Sinh trên vùng đất lạ

Nhà báo Trần Thanh Bình, đồng nghiệp của tôi, liên tưởng đến cái tên của đôi vợ chồng trẻ đã có một đề nghị thật thú vị: “Nên đặt tên nông trại là Nông trại Thuận Sinh”. Anh lý giải hai vợ chồng mang tên Thuận, Sinh mà tôi thấy các bạn đang làm kinh tế nông nghiệp bền vững theo hướng thuận sinh ấy. Quả thật, câu chuyện làm nông trại của vợ chồng Minh Thuận đang “thuận sinh” thật sự trên mảnh đất này. Từ khi có nông trại trồng cây ăn quả “hoành tráng”, đôi vợ chồng trẻ đã tạo việc làm thường xuyên, đem lại thu nhập ổn định và tốt hơn cho trên 20 lao động địa phương. Chưa hết, có thể nói bây giờ vợ chồng họ trở thành chuyên gia tư vấn miễn phí cho người dân địa phương kỹ thuật, kinh nghiệm trồng các loại cây ăn quả.

“Vợ chồng em quan hệ tốt với người dân địa phương và cũng muốn chia sẻ tất cả kinh nghiệm của mình giúp người dân thay đổi thói quen canh tác, trồng được loại cây đem lại hiệu quả kinh tế hơn, để họ có thể đổi đời”, chị Nguyễn Ngọc Sinh, vợ anh Thuận, tâm sự.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay tại xã Ea Wer, có nhiều hộ dân đã học theo vợ chồng Thuận - Sinh. Thay vì trồng khoai mì, họ trồng các loại cây có múi và các loại cây ăn quả có giá trị khác. “Bà con đã thấy tận mắt nông trại của em và em khuyến khích họ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hứa bao tiêu sản phẩm giúp nên họ thích lắm. Hiện nay bà con trồng được khoảng 100 ha cây ăn quả rồi”, Thuận cho biết.

Khi Thuận đưa chúng tôi đi khám phá khu rừng và dòng suối nằm sát bên trang trại, chúng tôi biết thêm câu chuyện “thuận sinh” của đôi vợ chồng cùng tên chưa dừng lại ở đây. Chỉ tay vào hàng cây, Thuận cho biết đã tái sinh rừng bằng cách trồng thêm những loại cây phù hợp. Một dự tính táo bạo nhưng vô cùng thú vị là Thuận đang xúc tiến xin chính quyền địa phương đầu tư xây dựng nơi đây thành một khu du lịch sinh thái. “Sẽ có những bungalow mọc lên dưới tán lá rừng, bên cạnh con đập ngăn trên dòng suối thơ mộng này”, Thuận hào hứng nói.

Một ý tưởng “thuận sinh” hơn khi ông chủ nông trại tiết lộ với chúng tôi làm ai cũng bất ngờ. Theo đó, trên dòng suối này có rất nhiều loài cá đặc sản. Trong khi đó, việc ngăn đập đã hạn chế điều kiện sống, sinh đẻ của chúng. Vì thế, Thuận tính sẽ tạo đường dẫn nước vào một khu vực trũng để các loài cá vào sống, sinh đẻ.

Chúng tôi đã ngồi rất lâu dưới tán lá rừng, nghe phả vào da thịt làn gió mang hơi nước mát lạnh từ dòng suối lớn tung bọt trắng xóa, cuồn cuộn chảy. Sau đó, quay trở về “căn nhà nhỏ trên thảo nguyên” của vợ chồng Thuận - Sinh thì được thưởng thức cơm lam, cá lóc đồng nướng trui, rau rừng, măng le… do người đồng bào cộng tác cùng vợ của Minh Thuận chế biến. Quả thật đó là trải nghiệm rất “đã”.

Rõ ràng dự định làm một khu du lịch sinh thái có đầy đủ “món” để khám phá, trải nghiệm như vậy chắc chắn sẽ là một ý tưởng hay của người đàn ông cầm tinh con khỉ này. Trước khi chia tay, nhà báo Trần Thanh Bình lại ý tứ kết một câu ngắn gọn: “Có thuận thì có sinh thôi mà”. Ai cũng tâm đắc với câu nói nhiều ẩn ý tốt đẹp đó và tin nó sẽ “ứng” với đôi vợ chồng trẻ dám nghĩ dám làm này.

Thổ nhưỡng trên địa bàn xã Ea Wer kém màu mỡ. Tuy nhiên, khi anh Nguyễn Minh Thuận áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng các loại cây có múi đã đem lại thành công. Đây cũng là cơ sở để địa phương nhân rộng mô hình này. Chúng tôi cũng sẽ đề nghị anh Thuận chia sẻ kinh nghiệm với bà con nông dân để hướng tới việc giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế hơn.

Ông Trần Minh Trình (Bí thư kiêm Chủ tịch xã Ea Wer)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.