Có một căn hộ chung cư, một chiếc xe hơi và một cậu con trai vừa tròn 3 tuổi kháu khỉnh là cuộc sống mà ai cũng mong ước. Vậy nhưng chị T. vẫn kiên quyết ly hôn vì không thể chịu đựng nổi thói vũ phu của người từng đầu ấp tay gối.
Chồng đổi tính vì áp lực
Một chiều muộn ngày giữa tháng 9, trời mưa rả rích, tôi gặp chị S. tại một chung cư ở Q.Bình Tân, TP.HCM. Đó là một người phụ nữ xinh đẹp, giọng nói ấm áp như đi vào lòng người, nhưng câu chuyện của chị lại thật buồn.
Nhấp một ngụm trà, chị T. bắt đầu kể về cuộc hôn nhân đầy sóng gió của mình.
Bốn năm trước, chị T. kết hôn với anh S. khi chưa đầy 1 năm tìm hiểu nhau. Vì gia đình chồng làm ăn kinh doanh có điều kiện nên đám cưới được tổ chức tại một khách sạn hạng sang. Nhà chồng yêu cầu chị nghỉ làm để lo việc quán xuyến gia đình nhưng vì muốn tự chủ tài chính nên chị không đồng ý. Sau mâu thuẫn đó, chồng chị cũng thôi việc tại công ty gia đình và vợ chồng dọn ra ở riêng.
Lấy hết tiền tiết kiệm, của hồi môn, vợ chồng chị mua xe hơi, mua nhà trả góp. Áp lực nợ nần hàng tháng khiến người chồng thay đổi tính nết, bắt đầu nặng nhẹ với vợ mỗi lần nhắc chuyện tiền nong.
Xã hội cực kỳ lên án hành động vũ phu, bạo lực gia đình. Thế nhưng vẫn còn đó những chuyện đau lòng, cam chịu của người vợ. Để tố cáo và góp phần nói không với bạo lực gia đình, Thanh Niên Online sẽ khởi đăng các câu chuyện: Chồng đánh vợ, phụ nữ Việt hãy lên tiếng! để tố cáo và ngăn chặn thói xấu này. Bạn đọc, những người vợ nếu lâm vào hoàn cảnh này, có thể chia sẻ qua email: doisong.thanhnien@gmail.com để cùng dẹp bỏ nạn vũ phu.
Bài viết và ý kiến của bạn đọc được đăng tải sẽ nhận nhuận bút của Thanh Niên. Xin trân trọng cảm ơn!
|
|
Theo lời chị T., khoảng thời gian sống ly thân, chị vẫn ở cùng chồng trong căn hộ chung cư, mỗi người một phòng. Người chồng không được vợ đáp ứng các nhu cầu cá nhân càng trở nên cọc cằn hơn khiến mỗi lần về nhà chị T. có cảm giác như địa ngục.
“Anh kiếm đủ chuyện để chửi bới, tôi đang pha sữa cho con anh cũng tới tắt đèn, tôi và con đang ngủ anh vào tắt máy lạnh nói tốn điện, anh chửi tôi không đóng cửa sổ… Khi con đau ốm cũng chỉ một mình tôi chăm. Đỉnh điểm là lần anh lao vào định đánh tôi ngay trước mặt ba mẹ đẻ tôi nên tôi quyết phải ly hôn. Vừa nhận quyết định ly hôn cuối tháng 6 thì đầu tháng 7 anh đánh tôi gãy mũi phải nhập viện”, chị T. tâm sự.
Đánh vợ đến nhập viện nhưng vẫn chì chiết
Chị T. kể lại ký ức khủng khiếp vào sáng ngày 6.7.2019. Chị đang cho con ăn thì vô tình thấy tin nhắn ở điện thoại anh S. đang nói xấu mình với em trai. Bực tức vì hai người đàn ông nói những lời lẽ không hay về mình, chị T. phản ứng và yêu cầu anh S. nói với em trai mỗi lần đưa con trai chị đi đâu phải được sự đồng ý của chị, do tòa đã quyết chị được quyền nuôi con sau ly hôn.
“Chỉ có vậy mà ảnh nổi sừng lên lao vào đánh. Tôi phải nhanh né ra khỏi chỗ con trai ngồi kẻo trúng con. Anh nắm đuôi tóc rồi đập mặt tôi xuống sàn, choáng váng không thấy đường nhưng theo quán tính tôi vùng chạy ra cửa. Mở xong lớp cửa đầu tiên bị đập đầu xuống sàn cái nữa. Tới lớp cửa thứ hai vẫn vậy, tôi hoảng quá vừa chạy vừa khóc. Anh đóng cửa ở trong nhà coi ti vi. Bảo vệ thấy máu me bê bết nên gọi công an tới. Họ đưa tôi đi cấp cứu và mời anh lên công an làm việc”, chị T. rùng mình nhớ lại.
Tội nghiệp nhất có lẽ chính là con trai của anh chị. Trước khi vào viện cấp cứu, 11 giờ đêm, chị T. phải tranh thủ pha cho con bình sữa để con vô công an lấy lời khai cùng với anh S. Lát sau, ba chị T. nghe tin mới hớt hải chạy tới trụ sở công an đón cháu về, vì anh S. bị tạm giữ 2 ngày.
|
Chị T. ngao ngán kể tiếp: “Nhìn người ta nằm viện được chồng chăm sóc, còn tôi thì vì chồng đánh nên mới nhập viện nghĩ mà ứa nước mắt. Khi vô thăm anh con nói: Tao đánh mày dơ tay tao, xui mới trúng lỗ mũi thôi. Nay mổ mũi coi chừng hôm sau mổ miệng… Nghe mà tôi không tin được đó là lời nói của người mình từng yêu. Nhìn tôi như vậy mà anh vẫn không chút ăn năn”.
Vậy nhưng nghĩ về những quá khứ hạnh phúc, chị T. vẫn định xuất viện sẽ xin bãi nại, hơn nữa chị mong muốn trong lý lịch của con trai không có người cha phải ngồi tù. Chị vừa về nhà, anh S. lại không xin lỗi mà nhắn tin chì chiết chị với những lời lẽ xúc phạm nên chị tiếp tục gửi đơn đến Công an Q.Bình Tân.
Câu chuyện giữa chúng tôi bỗng chùng xuống khi chị T. bộc bạch: “Bây giờ đưa con đi chơi, nhìn con người ta có cha có mẹ đưa đi cùng, quay lại nhìn con mình tôi xót xa lắm. Mỗi lần chở con đi ngang Bệnh viện Tai-Mũi-Họng, con lại chỉ vào nói nơi con vào thăm mẹ, mẹ bị ba đánh gãy mũi là tôi lại thấy thương con hơn. Nhưng quả thật không còn sự lựa chọn nào khác, tôi phải giải phóng cho chính mình, cho tương lai của mình và con”…
Trao đổi với Thanh Niên chiều 18.9, Đại úy Phạm Minh Tuấn, Cán bộ Đội Tham mưu tổng hợp (Công an Q.Bình Tân, TP.HCM) xác nhận có sự việc như chị T. trình bày xảy ra trên địa bàn. Hiện công an quận đã nhận tố cáo của chị T. và đưa chị T. đi giám định thương tật. Sau khi có kết quả, công an quận sẽ mời chị T. đến để thông báo và cho chị quyết định là khởi tố hay bãi nại. Trường hợp kết quả giám định không đủ để khởi tố thì anh S. sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.
Bình luận (0)