Ukraine và Nga cáo buộc lẫn nhau đã phá hủy đập. Đến nay, đã biết được những gì?
Đập Nova Kakhovka có từ thời Liên Xô, nằm trên sông Dnipro thuộc vùng Kherson, là một phần của nhà máy thủy điện Kakhovka.
Hồ chứa chứa gần 18 km3 nước, tức gần gấp đôi thể tích hồ chứa của nhà máy thủy điện Sơn La lớn nhất Việt Nam. Hồ chứa này cung cấp nước cho bán đảo Crimea mà Nga đã sáp nhập hồi năm 2014, và cho nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, nơi Nga cũng đang nắm quyền kiểm soát.
Ukraine là bên đưa ra tuyên bố về vụ việc trước, cáo buộc Nga cố tình phá đập. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy khẳng định các lực lượng Nga cho nổ nhà máy thủy điện Kakhovka từ bên trong cơ sở này.
Một phát ngôn viên quân đội Ukraine cho hay mục đích của Nga là ngăn chặn lực lượng Ukraine vượt sông Dnipro để tấn công các lực lượng Nga.
Nga sau đó đáp trả, cho rằng Ukraine phá hoại con đập để cắt nguồn cung nước cho Crimea, và để đánh lạc hướng chú ý khỏi chiến dịch phản công đang hứng chịu thất bại.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói: "Để ngăn chặn hoạt động tấn công của quân đội Nga tại hướng này của tiền tuyến, Kyiv đã tiến hành hoạt động phá hoại hay thật ra là hoạt động khủng bố".
"Hồng thủy" sau khi vỡ đập nước Kakhovka, người dân đối mặt nhiều nguy cơ mới
Khi mực nước ngày càng dâng cao, hàng ngàn người dân có nguy cơ bị ảnh hưởng. Dân thường ở cả hai phía đều phải rời nhà đi sơ tán.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói việc đập nước Kakhovka bị phá hủy là một ví dụ về thiệt hại nhân đạo từ cuộc chiến.
"Ít nhất 16.000 người đã mất nhà cửa, nguồn cung cấp nước sạch và an toàn cho hàng ngàn người khác cũng chịu nhiều nguy cơ. Chúng ta đang nhìn thấy được tác động ở thành phố Kherson, thị trấn Nova Kakhovka và 80 thị trấn, làng mạc khác nằm dọc sông Dnipro, ngập lụt nghiêm trọng, sơ tán hàng loạt, tổn thất môi trường, mùa màng mới gieo trồng đã bị phá hủy, và nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu đã chịu nhiều đe dọa nay lại đối mặt những nguy cơ mới", theo ông Guterres.
Bình luận (0)