Vỡ mộng 'đơn hàng' ảo

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
17/05/2021 10:12 GMT+7

Cứ mỗi mùa Covid-19 bùng phát, khi các cơ sở dịch vụ truyền thống bị hạn chế để phòng dịch và người dân tìm kiếm cơ hội kinh doanh online , thì tình trạng lừa qua mạng lại có 'đất' diễn...

“Núp bóng” thương mại điện tử

Lần này, thủ đoạn lừa đảo mới là tranh đơn hàng ảo, lợi dụng hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) để lừa đảo theo mô hình đa cấp. Nhiều người vừa đổ xô tham gia tranh đơn hàng ảo trên các trang mạng webshopping.cc và shop555.cc (ứng dụng shopping mall). Các trang web này hứa hẹn sẽ giúp nhà đầu tư tranh đơn hàng ảo của các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki... và nhận hoa hồng dựa trên gói đầu tư tham gia.
Theo thông tin từ 2 trang web trên, hiện nay các shop bán hàng trên những trang TMĐT có nhu cầu tìm kiếm rất nhiều đối tác để mua đơn hàng ảo các sản phẩm của shop, nhằm tăng tỷ lệ bán hàng ảo cho sản phẩm để thu hút khách hàng. Muốn tham gia, nhà đầu tư bắt buộc phải nhập mã của người giới thiệu để đăng ký tài khoản. Thủ tục còn lại khá đơn giản: cập nhật thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để nhận hoa hồng.
Số tiền đầu tư tối thiểu 300.000 đồng/tài khoản, mỗi ngày nhà đầu tư được tranh 60 đơn hàng, hoa hồng 0,3%/đơn hàng dựa trên số tiền đầu tư, tương đương 5%/ngày (150%/tháng). Đơn cử, nhà đầu tư nộp 100 triệu đồng để tham gia tranh đơn hàng ảo, nếu tranh toàn bộ 60 đơn hàng theo tiêu chuẩn trong ngày sẽ nhận hoa hồng 4 - 5 triệu đồng/ngày, tối đa lên đến 150 triệu đồng/tháng. Con số hoa hồng khủng (150%/tháng, 1.800%/năm) khiến rất nhiều nhà đầu tư “mờ mắt”, lao vào nộp tiền để tranh đơn hàng ảo.
Đại tá Trần Mưu, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng, khẳng định việc “tranh đơn hàng ảo” bản chất là lợi dụng hoạt động TMĐT để lừa đảo kinh doanh đa cấp. Cụ thể, mô hình đa cấp biến tướng của trò lừa đảo này thể hiện các nhà đầu tư được khuyến khích phát triển hệ thống, cấp dưới tham gia tranh đơn hàng ảo để nhận hoa hồng. Nhà đầu tư F0 được hưởng hoa hồng 16% trên tổng số giá trị đơn hàng F1 nhận được. Tương tự, F1 nhận được 8% hoa hồng của F2, F2 nhận được 4% hoa hồng của F3 trong ngày…

Trang webshopping.cc (cùng với shop555.cc) bất ngờ “đóng” từ giữa tháng 4.2021 khiến nhiều nhà đầu tư lao đao

ẢNH: NGUYỄN TÚ

Chiêu cũ: gom tiền rồi... biến mất

Cũng theo đại tá Trần Mưu, qua công tác nghiệp vụ, Công an TP.Đà Nẵng và Bộ Công an đã phát hiện hoạt động của 2 trang web webshopping.cc, shop555.cc có dấu hiệu tổ chức huy động vốn, phát triển mạng lưới người tham gia, trả lương thưởng theo mô hình đa cấp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Công an TP.Đà Nẵng đã xác minh, xác định được nhiều tài khoản nhận tiền của các nhà đầu tư tham gia vào 2 trang web này.
Dù mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại cổ phần, tuy nhiên các nghi phạm cầm đầu lại thuê, mượn giấy tờ người khác nhằm sử dụng vào mục đích trái pháp luật. Cụ thể, huy động rất nhiều người tham gia trên toàn quốc, ước tính số tiền các nhà đầu tư đã chuyển cho các đối tượng liên quan lên tới hàng chục tỉ đồng.
Bất ngờ từ ngày 14.4 vừa qua, các trang web trên đã không thể truy cập được khiến các nhà đầu tư, khách hàng hoang mang vì… không biết lấy lại tiền bằng cách nào. Theo đại tá Trần Mưu, sự biến mất bất thường của hệ thống trang web trên và mô hình hoạt động cũng tương tự như hệ thống trang web tailoc888.net, ứng dụng tailoc888 vào cuối năm 2020. Lúc đó, các nhà đầu tư cũng tham gia “giật” đơn hàng ảo trên các sàn TMĐT lớn, nhưng sau đó sập đổ khiến rất nhiều nhà đầu tư mất toàn bộ tiền của.
“Hoạt động của trang web webshopping.cc và shop555.cc có nhiều diễn biến phức tạp tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho các nhà đầu tư tham gia hệ thống, do đó người dân cần cảnh giác trước tội phạm lợi dụng hoạt động TMĐT để lừa đảo đa cấp”, đại tá Trần Mưu nhấn mạnh.
Dù thời điểm này hoạt động lừa đảo đa cấp có dấu hiệu tạm “ẩn” (do 2 trang web biến mất), Công an TP.Đà Nẵng vẫn lên tiếng cảnh báo để người dân cảnh giác. Nhất là trong mùa dịch Covid-19, khi các hoạt động buôn bán truyền thống bị ngưng trệ, dòng tiền đổ vào đầu tư tài chính, kinh doanh qua mạng, tội phạm thường tung chiêu ngụy trang các trò lừa đảo dưới các tên gọi hấp dẫn như TMĐT, đầu tư công nghệ 4.0 để chiếm đoạt tài sản người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.