Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII (tháng 8.1991), ông Võ Văn Kiệt được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng sau 3 năm giữ chức vụ Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng (từ 1988); và sau đó là Thủ tướng Chính phủ (từ 1992 - 1997). Đó là thời điểm VN đang thực hiện bước chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN trong bối cảnh hết sức khó khăn khi Liên Xô và khối XHCN không còn nữa. Tăng trưởng kinh tế thấp, lạm phát tăng cao, nông dân và doanh nghiệp thiếu động lực sản xuất; VN phải nhập khẩu bo bo để chống đói…
“Làm được rất nhiều việc”
Trước tình hình nhiều thách thức đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nhân và các chuyên gia để tìm giải pháp sáng tạo; mạnh dạn cải cách đưa nền kinh tế vượt qua biết bao khó khăn, sóng gió.
Giảm được lạm phát, đồng thời phát triển kinh tế tương đối toàn diện với nhịp độ khá cao trong hoàn cảnh đầy thử thách, có thể nói là một thành tựu nổi bật. Nếu như năm 1990 và năm 1991 còn lạm phát ở mức gần 70% mỗi năm, thì năm 1992 đã kéo xuống còn 15%. Năm 1992 kết thúc với thắng lợi tương đối toàn diện về kinh tế, là năm đầu tiên chúng ta đạt và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu đã được Quốc hội thông qua. Nền kinh tế đã tự trang trải được các nhu cầu thiết yếu về vật tư, hàng hóa bằng sức của mình và thông qua trao đổi mậu dịch với bên ngoài...
Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu trước Quốc hội sau khi được bầu làm Thủ tướng Chính phủ ngày 23.9.1992 |
TTXVN |
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người giữ trọng trách đứng đầu Chính phủ trong 31 năm, đã thừa nhận Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã làm được rất nhiều việc trong nhiệm kỳ ngắn hơn rất nhiều so với của ông.
Năm 1993, trên cương vị Thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt đã có một quyết định chưa có tiền lệ là thành lập Tổ Tư vấn kinh tế bao gồm những chuyên gia ở miền Bắc như Trần Đức Nguyên, Đào Xuân Sâm, Nguyễn Trung…, đang ở Nhật Bản như GS Trần Văn Thọ; ở Mỹ như TS Vũ Quang Việt; lẫn đã hoạt động ở Sài Gòn từ trước 1975 như nguyên Phó thủ tướng của chính quyền Sài Gòn Nguyễn Xuân Oánh, luật sư Trương Thị Hòa… Khi đó, tôi là Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ KH-ĐT) cũng nằm trong Tổ Tư vấn kinh tế này. Chúng tôi đã hợp tác, thảo luận thẳng thắn các vấn đề của nền kinh tế. Thủ tướng Võ Văn Kiệt dành thời gian lắng nghe ý kiến của các thành viên, nêu vấn đề cần nghiên cứu, làm rõ cũng như đặt hàng về những vấn đề cần góp ý kiến.
Như một động lực chính của những cải cách kinh tế tại VN, ngài Võ Văn Kiệt đã mở đường cho sự chuyển mình của đất nước từ đói nghèo sang một thập niên tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng.
Ông Ban Ki-moon, nguyên Tổng thư ký LHQ
Là người luôn tìm tòi để có những quyết định xuất phát từ thực tiễn đất nước, hết sức tránh những biểu hiện rập khuôn, giáo điều, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chân thành học hỏi, đến với kinh tế thị trường một cách rất tự nhiên. Ông ủng hộ quyền tự do kinh doanh của người dân theo pháp luật; ủng hộ thu hút đầu tư nước ngoài. Trong vai trò Thủ tướng, ông cương quyết “cởi trói” cho doanh nghiệp từ việc xóa bỏ các rào cản “ngăn sông cấm chợ” đối với hàng hóa trao đổi từ các tỉnh lên thành phố, đến việc kết nối kinh doanh với “thị trường tư bản chủ nghĩa”, tự do hóa xuất - nhập khẩu, xóa bỏ độc quyền nhà nước về xuất - nhập khẩu và kinh doanh ngoại tệ với thị trường tư bản chủ nghĩa, thúc đẩy quá trình hội nhập vào thị trường khu vực và thế giới. Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn là người có công lớn trong việc thúc đẩy quá trình phát huy lực lượng doanh nhân trong nước, giải quyết những rào cản hạn chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp dân doanh.
Quyết sách chiến lược đúng đắn
Trong 6 năm giữ trọng trách Thủ tướng (từ 8.8.1991 - 25.9.1997), ông Võ Văn Kiệt đã có những quyết sách chiến lược đúng đắn về những vấn đề có những ý kiến khác nhau như: xây dựng đường chuyển tải điện 500 kV kết nối Bắc - Nam, hay cương quyết vượt qua tình trạng nền kinh tế bị bao vây, cấm vận, gia nhập ASEAN, mở đầu cho quá trình hội nhập quốc tế của đất nước…
Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng là người đã quyết định xây dựng đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, cao tốc Láng - Hòa Lạc, xây kè đê Yên Phụ cho thủ đô Hà Nội rồi đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận… Các dự án chương trình lớn, như: Chương trình khai thác và phát triển KT-XH Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, Chương trình Thoát lũ ra biển Tây, Chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau, Nhà máy lọc dầu Dung Quất... đều mang đậm “dấu ấn” của ông.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên công trường đường dây 500 kV Bắc - Nam khi còn đương nhiệm |
TƯ LIỆU GIA ĐÌNH |
Dưới sự điều hành của ông, nền kinh tế đất nước đã thoát khỏi tình trạng trì trệ, suy thoái, vượt qua cuộc khủng hoảng KT-XH, tăng trưởng GDP đạt 8,2%/năm, tổng sản lượng lương thực 5 năm (1991 - 1995) đạt 125,4 triệu tấn, tăng 27% so với giai đoạn 1986 - 1990. Nông nghiệp khởi sắc, sản lượng lương thực tăng nhanh, bảo đảm tự túc lương thực. Từ chỗ được thế giới biết đến như một đất nước thiếu đói, kiệt quệ do chiến tranh, VN đã trở thành một nền kinh tế năng động, một thị trường nhiều tiềm năng, trở thành một trong số ít nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, góp tiếng nói có trọng lượng trong các diễn đàn quốc tế.
Khi còn đương nhiệm, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon từng đánh giá: “Như một động lực chính của những cải cách kinh tế tại VN, ngài Võ Văn Kiệt đã mở đường cho sự chuyển mình của đất nước từ đói nghèo sang một thập niên tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng”.
Khát vọng không nguôi
Trong các cuộc gặp với chúng tôi, điều toát lên nhất quán trong sự nghiệp hoạt động đầy sáng tạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là lòng yêu nước, thương dân nhiệt thành, lòng tự hào dân tộc sâu sắc và khát vọng không nguôi muốn chấn hưng dân tộc và làm cho đất nước hùng cường.
Chính vì tin vào sức mạnh của dân tộc mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có những bước đi đột phá về ngoại giao, chuyển hướng mạnh mẽ trong quan hệ đối ngoại (bình thường hóa quan hệ với Mỹ; gia nhập ASEAN; hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật với EU…). Với tầm nhìn chiến lược, ông thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hội nhập quốc tế của VN, thuyết phục lãnh đạo các nước trong khu vực ủng hộ quyết tâm của VN phát triển đất nước trong bối cảnh mới và hội nhập quốc tế.
Bức thư ngày 9.8.1995 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị là một đóng góp tầm chiến lược cho quá trình hình thành những quyết sách quan trọng nhất của Đại hội VIII của Đảng (1996 - 2000). Bức thư ấy được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của giới trí thức lại là một trường hợp “đúng quá sớm”. Ngày nay, nhìn lại có thể thấy thực tế cuộc sống đã xác nhận những nhận định và quan điểm được trình bày trong bức thư đó như xây dựng nhà nước pháp quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, kiểm soát các hoạt động mafia trên thị trường… là đúng đắn và sáng suốt, được thực tiễn chứng minh.
Sau khi nghỉ công tác, Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn tâm huyết viết hàng trăm bức thư gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề cập đến các vấn đề KT-XH nóng được dư luận quan tâm, đóng góp tâm huyết vào công cuộc phát triển của đất nước...
Hoài bão và khát vọng hiến dâng mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một nhân cách lớn, nhà lãnh đạo tài năng suốt đời vì nước vì dân, đã chỉ ra cho chúng ta, rất cần được tiếp nối vì một nước Việt hùng cường. (còn tiếp)
Ông Võ Văn Kiệt sinh ra ở Trung Hiệp, Vũng Liêm, Vĩnh Long - vùng đất có truyền thống yêu nước. Trong suốt hành trình từ khi tham gia phong trào Thanh niên phản đế, rồi vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939, lãnh đạo khởi nghĩa Nam kỳ ở Vũng Liêm năm 1940, cướp chính quyền năm 1945 ở Rạch Giá, làm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu năm 1954, Ủy viên Xứ ủy Nam bộ, làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định 11 năm trong kháng chiến, làm Bí thư Khu ủy Khu 9 (Tây Nam bộ), Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Thành ủy TP.HCM… cho đến khi làm Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ nào ông cũng có những minh chứng sáng tạo, những cống hiến to lớn và để lại dấu ấn khó phai.
Bình luận (0)